Đây là cuộc gặp gỡ song phương đầu tiên kể từ khi ông Mahathir quay trở lại nắm quyền tại Kuala Lumpur, thay thế cho ông Najib Razak. Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo được đánh giá có tính cách trái ngược và lập trường khác biệt trong nhiều vấn đề khu vực, quốc tế then chốt. Tuy nhiên, trên thực tế, lần gặp gỡ giữa ông Mahathir và ông Duterte đã diễn ra suôn sẻ ngoài mong đợi.
Trước khi chính thức hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã cùng tham dự trận đấu Quyền Anh hạng Bán trung giữa huyền thoại người Philippines Manny Pacquiao và nhà vô địch người Argentina Lucas Matthysse tại Sân vận động Axiata, thủ đô Kuala Lumpur. Điều này đã khiến không khí buổi hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 16/7 trở nên thân mật hơn rất nhiều.
Trong buổi trò chuyện, hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về nhiều vấn đề cùng quan tâm, đồng thời “làm mới và tái khẳng định tình cảm anh em, tình hữu nghị sâu sắc giữa Philippines và Malaysia”, khi cả hai nước đều là đồng sáng lập ASEAN, có biên giới biển liền kề cùng quan hệ thương mại sâu sắc; Malaysia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Philippines. Ông Mahathir và ông Duterte cũng cam kết thắt chặt hợp tác an ninh quốc phòng song phương và đa phương.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad (phải) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc gặp ngày 16/7. |
Về phần mình, nhà lãnh đạo Philippines cảm ơn Malaysia đã đóng vai trò trung gian hòa giải trong đối thoại giữa Manila và phiến quân Hồi giáo Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) hoạt động tại khu vực đảo Mindanao. Nhân đây, ông Duterte cũng trao đổi với ông Mahathir về các phương thức tăng cường hợp tác chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong khu vực, kiểm soát các tổ chức tội phạm xuyên biên giới, tiêu diệt lực lượng hải tặc và cướp có vũ trang ở trên biển, giải quyết triệt để tình trạng buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines đã không đề cập đến chủ quyền quần đảo Sabah, vốn vẫn gây tranh cãi trong quan hệ hai nước. Manila cho rằng theo thỏa thuận cho thuê đất giữa Sultan của Sulu và Công ty Bắc Borneo thuộc Anh năm 1878, quần đảo Sabah chỉ được cho thuê, chứ không là một phần lãnh thổ của Malaysia sau khi nước này lập quốc năm 1963.
Tương tự, lãnh đạo hai nước cũng đã tránh thảo luận về một số vấn đề mà hai bên có quan điểm khác biệt. Một trong số đó là hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tổng thống Duterte hiện vẫn tiếp tục chính sách thu hút vốn đầu tư, các khoản cho vay và các dự án lớn từ phía Bắc Kinh.
Trong khi đó, khác với cựu Thủ tướng Najib Razak, ông Mahathir tỏ ra rất thận trọng khi tiến hành xem xét và thương thảo lại các dự án mà người tiền nhiệm từng ký kết với Bắc Kinh. Một trong số đó là dự án Đường sắt Bờ Đông trị giá 13 tỷ USD do các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện.
Ngoài ra, ông Duterte được biết là có quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi ông Mahathir từng khẳng định ông không có kế hoạch gặp gỡ ông chủ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, lập trường khác biệt trong những vấn đề này đã không thể ngăn cản hai nhà lãnh đạo củng cố “tình anh em”, đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển.