Từ giữa thế kỷ trước, các chính phủ trong khu vực đã xây dựng nhiều công trình để kiểm soát dòng chảy hai con sông lớn của văn minh Lưỡng Hà là Tigris và Euphrates. Năm 1975, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành các con đập trên sông Euphrates, giữ lại nước khiến hàng chục nghìn nông dân Iraq điêu đứng vào mùa khô. Ngay sau đó, Ankara bắt đầu khảo sát xây dựng đập ở phía Bắc biên giới, nơi họ chia sẻ với Iraq dòng sông Tigris. Trước thực tế đó, chính quyền Saddam Hussein đã tung ra một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng cực kỳ tham vọng, trọng tâm là dự án xây đập thủy điện trên cả hai sông Tigris và Euphrates mà họ gọi là al-Jezzeera (bán đảo).
Đập hỏng từ móng
Các chuyên gia phương Tây đã được mời để khảo sát địa điểm nhưng không dễ tìm ra địa hình phù hợp. Nước trong hồ chứa tạo ra áp lực rất lớn và chỉ đá rắn mới có thể ngăn chặn sự rò rỉ bên dưới đập. Cuối cùng, các kỹ sư đã tìm ra một khu vực phía Bắc thành phố Mosul, nhưng báo cáo lại chưa phản ánh đầy đủ về thực trạng nền đất. Khu vực lòng đất này có chứa anhydrit, macnơ và đá vôi xen kẽ với thạch cao sẽ hòa tan khi gặp nước. Đập được xây dựng trên loại đá này có thể xảy ra hiện tượng bị phong hóa đặc trưng của miền núi đá vôi khi bị nước chảy xói mòn (karstification). Do đó, móng đập sẽ bị xuyên thủng. Năm 1981, Saddam Hussein ra lệnh khởi công và ba năm sau, công trình hoàn thành. Đến năm 1985, các hồ nhanh chóng chứa đầy nước.
Đập Mosul. (nguồn: CNN) |
Tuy nhiên, Nadhir al-Ansari, kỹ sư thực hiện cuộc kiểm tra của Bộ Tài nguyên nước cho biết, một thời gian ngắn sau đó, họ đã bị sốc khi phát hiện những hố sụt hình thành xung quanh đập và hồ chứa, bắt đầu có hiện tượng sủi bọt lên trên bờ hạ lưu. Chính phủ Iraq đã tìm cách khắc phục bằng cách bơm vữa lỏng vào lòng đất, những lỗ hổng và kiểm soát rò rỉ song song với việc triển khai xây đập Badush cách Mosul 16km. Tuy nhiên, đến năm 1990, khi Badush đã hoàn thiện 40%, việc thi công bị dừng theo lệnh của Saddam để tập trung nguồn lực tấn công Kuwait. Sau khi Mỹ và đồng mình đẩy lùi được quân đội Iraq khỏi Kuwait, thiết bị dùng để xây dựng Badush bị phá hủy. Công trình lại càng không thể tiếp tục khi Iraq kiệt quệ do lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sau khi Hiệp hội Năng lượng nguyên tử quốc tế cáo buộc quốc gia này có kho dự trữ nguyên liệu hạt nhân gần Badush.
Thảm họa nhân đạo
Ba năm sau khi đưa quân vào Iraq năm 2003, Mỹ đầu tư ngân sách đánh giá lại đập Mosul. Báo cáo đầu tiên nhận định đây là con đập nguy hiểm nhất thế giới và dự báo "thảm họa nhân đạo hàng loạt". Nhiều báo cáo sau này của các kỹ sư thuộc quân đội Mỹ cũng khẳng định rằng đập Mosul “có nguy cơ hư hại cao hơn mọi người vẫn nghĩ” và từ 500.000 - 1,47 triệu người Iraq sẽ thiệt mạng vì những đợt sóng cồn ở sông Tigris nếu không kịp sơ tán. Quan chức Iraq dè dặt với nhận định đó nhưng do áp lực từ phía Mỹ, họ đã đồng ý hạ độ sâu tối đa của hồ chứa khoảng 30 feet (9,14m) nhằm giảm áp lực cho các thành đập và hiện đại hóa các trang thiết bị kiểm soát đáy hồ. Năm 2011, Chính phủ Iraq đã chọn công ty Trevi S.p.A của Italy để bắt đầu tái tạo đập Mosul nhưng các cuộc thảo luận thất bại khi Trevi từ chối những yêu cầu quá sức mà Baghdad đưa ra.
Mọi chuyện tưởng chừng rơi vào im lặng cho đến khi IS chiếm đóng đập Mosul vào ngày 17/8/2014. Việc kiểm soát con đập này đồng nghĩa với việc có quyền quyết định dòng chảy đến thành phố cùng tên - nơi có hai triệu dân sống, đồng thời là nguồn sống của hàng triệu người dân ven sông. Lập tức Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden đã gọi điện cho Masoud Barzani, người đứng đầu khu tự trị người Kurd, yêu cầu phải lập tức chiếm lại đập. Họ lo ngại phiến quân sẽ bơm đầy nước, xả đập nhấn chìm các thành phố. Mười ngày sau, dưới sự yểm trợ của quân đội Mỹ, người Kurd đã tái chiếm thành công đập Mosul. Nhờ sự kiện này mà người ta đã có dịp kiểm tra để đưa ra cảnh báo về đập nước lớn nhất Iraq.
Một công nhân đang sửa chữa đập Mosul, tháng 2/2016.(Nguồn: Reuters) |
Theo Azzam Alwash - kỹ sư dân sự người Mỹ gốc Iraq đã có thời gian làm cố vấn cho dự án này, con đập hơn 30 tuổi không xuống cấp ở kết cấu công trình (minh chứng là trong chiến tranh Vùng Vịnh, địa điểm trên vẫn nguyên vẹn sau khi bị máy bay Mỹ ném bom) mà bị đặt sai vị trí khi nằm trên một nền đất xói mòn. Để giữ cho nó ổn định, hàng trăm công nhân phải liên tục bơm hỗn hợp xi măng vào mặt đất tránh việc lớp đá bên dưới sẽ bị rửa sạch, gây chìm và vỡ đập. IS đã phá hủy phần lớn thiết bị kỹ thuật, vốn dĩ đã không còn đầy đủ sau những cuộc không kích của Mỹ hồi đầu thế kỷ này. Trong thời gian chiếm đóng, IS đã kiếm được hàng triệu USD từ việc đánh thuế điện do các tua-bin của đập Mosul chính là nguồn cung cho cả thành phố. Sau đó, các quan chức người Kurd có ý định đóng cửa các tua-bin, nhưng phía Mỹ phản đối vì cho rằng điều này sẽ khiến tăng nước vào hồ chứa.
Tháng 2/2015, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad phát đi cảnh báo về nguy cơ vỡ đập Mosul. Liên hợp quốc cũng đưa ra một báo cáo dự đoán “hàng trăm nghìn người có thể bị thiệt mạng” nếu vỡ đập. Nếu trường hợp đó xảy ra, con nước cao hơn 100 feet (30,48m) sẽ đổ xuống sông Tirgris và nuốt chửng mọi thứ ít nhất là trong phạm vi 100 dặm (160,93 km). Toàn bộ thành phố Mosul sẽ chìm trong biển nước chỉ trong 3 giờ. Các thành phố chính ven theo bờ sông cũng sẽ ngập nước, trong khi lũ cao sẽ chảy tới thủ đô Baghdad - nơi có 6 triệu dân sinh sống - trong vòng 4 ngày.
Bất chấp cảnh báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Mohsen al-Shammari tuyên bố với báo giới không có khả năng vỡ đập Mosul. Sau đó, chiếc ghế Bộ trưởng được chuyển giao cho Hassan al-Janabi Janabi, người mà The New Yorker nhận định là hoàn toàn nhận thức được vấn đề ở đập nhưng đã né tránh phỏng vấn. Còn Giám đốc Ban quản lý đập Riyadh al-Naemi cho rằng người Mỹ đã phóng đại và “đập này sẽ không sụp vỡ. Tất cả mọi thứ sẽ ổn thôi”.
Sống chung chờ giải pháp
“Việc vỡ đập Mosul chỉ là vấn đề thời gian. Nếu điều đó xảy ra, nó còn tồi tệ hơn việc ném một quả bom hạt nhân vào Iraq”. Giáo sư Nadhir al-Ansari,chuyên gia nghiên cứu về đập Mosul, Đại học Lulea (Thụy Điển). |
Theo Filkins - cây viết của The New Yorker, qua nghiên cứu hồ sơ có thể thấy biện pháp đơn giản nhất là Iraq loại bỏ đập Mosul và thực hiện một thỏa thuận cho thuê đập của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc biên giới. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị trong khu vực làm cho điều này không khả thi. Một lựa chọn khác là tiếp tục hoàn thiện đập Badsuh để chia sẻ áp lực cho Mosul, nhưng điều này không dễ vì để xây dựng các hồ chứa, cần thu hồi hàng chục ngàn mẫu đất được lấy từ đất nông nghiệp. Lựa chọn thứ ba gần đây được ủng hộ là xây dựng một tấm chắn bê tông tạm thời dài 800 feet (khoảng 244m) sâu vào lòng đất. Tuy nhiên, chi phí lên đến 3 tỷ USD khiến Chính phủ Iraq gần như tê liệt bởi mâu thuẫn nội bộ.
Đầu năm 2016, dưới sự thúc giục của phía Mỹ, Iraq mở lại các cuộc đàm phán với Trevi S.p.A. Tháng 9 năm ngoái, một đội ngũ kỹ sư được thuê với giá 300 triệu USD đã bắt đầu lắp đặt thiết bị và triển khai lấp đầy các khoảng trống dưới lòng đập. Theo hợp đồng, người Italy sẽ làm vữa trong một năm và sau đó chuyển giao cho Iraq. Các kỹ sư nói họ tự tin rằng có thể ngăn chặn móng của đập bị nứt vỡ. Nhưng Pierluigi Miconi, quản lý dự án của Trevi không quá lạc khi cho biết cần tới hàng chục ngàn lít vữa để lấp các lỗ hổng dưới móng.
Một trong những yếu tố tác động đến việc kiểm soát đập Mosul chính là môi trường quân sự hóa căng thẳng ở đây bởi IS có thể tấn công bất cứ lúc nào. Dù vậy, với cư dân địa phương, sự cảnh giác về các mối đe dọa bạo lực ở nơi đây còn nghiêm trọng hơn so với nguy cơ từ con đập. Mohammed Nazir, một nông dân thuộc cộng đồng Wanke (hỗn hợp người Arab - Kurd) sống ven đập, cho biết nếu Mosul vỡ, khu vực này có thể chìm dưới 60 feet (hơn 18m) nước trong một vài phút nhưng chẳng mấy ai bận tâm về điều đó. Người dân đã quen với cuộc sống liên tục thay đổi. “Chúng tôi sống sót dưới thời Saddam. Chúng tôi đã sống sót khi IS kiểm soát và chúng tôi sẽ tiếp tục tồn tại bên cạnh đập Mosul", Nazir nói.