Dù còn nhiều căng thẳng, quan hệ Nga-Mỹ đã có một số tiến triển thời gian qua. (Nguồn: Reuters) |
Căng thẳng bên ngoài
Tưởng chừng như chẳng có nhiều thay đổi trong quan hệ Nga-Mỹ kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống, ngay cả sau Thượng đỉnh song phương 3 tháng trước.
Mới đây, Nga được cho là đã điều động tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tới biên giới Ukraine, thậm chí để ngỏ khả năng can thiệp quân sự. Đồng thời, Moscow đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa siêu thanh để qua mặt hệ thống tên lửa của Washington.
Về chính trị, Nga đã đóng cửa văn phòng đại diện tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tiếp tục đối đầu nhiều nước châu Âu sau căng thẳng ngoại giao.
Cùng lúc đó, Mỹ tiếp tục chịu nhiều đợt tấn công mạng xuất phát từ lãnh thổ Nga. Cuối tháng 10, Microsoft tiết lộ Moscow đã triển khai một chiến dịch theo dõi và kiểm soát trên không gian mạng lớn, bất chấp cảnh cáo trước đó từ Washington.
Đáp lại, từ khi ông Joe Biden nắm quyền, Mỹ đã áp thêm trừng phạt với Nga, đẩy mạnh hỗ trợ huấn luyện và khí tài cho Ukraine, đồng thời đe dọa trả đũa các đợt tấn công mạng từ lãnh thổ Nga. Đại sứ quán Mỹ tại Moscow gần như đã ngừng cấp visa.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ hội về Rome, Italy dự Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chẳng thể gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bởi lấy lý do quan ngại dịch Covid-19, ông chủ Điện Kremlin đã dự sự kiện theo hình thức trực tuyến.
Đối thoại bên trong
Tuy nhiên, ở bên trong, đại diện Nga-Mỹ lại tích cực đối thoại, đẩy mạnh trao đổi trong những lĩnh vực cùng quan tâm. Các đối thoại mới đây giữa quan chức hai bên được kỳ vọng có thể mở đường cho sự trở lại của hợp tác song phương thời gian tới.
Thượng đỉnh Nga-Mỹ hồi tháng 6 tại Geneva, Thụy Sỹ đã khơi mào cho nhiều hoạt động tiếp xúc, bao gồm 3 chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ tới Nga, cùng nhiều cuộc gặp gỡ khác giữa hai bên tại địa điểm trung lập ở Phần Lan và Thụy Sỹ.
Theo đó, hợp tác trong kiểm soát vũ khí được cho đã được thảo luận sâu ở phương diện song phương, với mức độ chưa từng có trong nhiều năm qua. Tương tự là vấn đề an ninh mạng.
Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva hồi tháng 6 khởi đầu cho hàng loạt hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa các quan chức hai bên. (Nguồn: AFP) |
Theo một quan chức Mỹ, cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về các công nghệ mới nổi và không gian mạng Anne Neuberger nhiều lần trao đổi với người đồng cấp Nga, thậm chí cung cấp danh sách các tin tặc chịu trách nhiệm tấn công mạng Mỹ. Đây được coi là sự kiện hợp tác “sâu sắc nhất” giữa hai bên trong nhiều năm.
Quan chức giấu tên cũng cho biết Mỹ đang chờ xem liệu danh sách trên có dẫn tới các vụ bắt giữ không. Điều này sẽ phản ánh mức độ nghiêm túc của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi ông chủ Điện Kremlin tuyên bố sẽ thúc đẩy chiến dịch truy quét tin tặc tấn công bằng mã độc và tội phạm mạng khác.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya xác nhận Nga và Mỹ đã đồng ý thông báo cho nhau về các mối đe dọa an ninh mạng tiềm tàng: “Hiện tại, hai bên đã bắt đầu tái khởi động và đối thoại về an ninh mạng. Theo tôi biết, hai nước đã đồng ý thông báo các sự cố không gian mạng hai bên cùng quan tâm.”
Không xác nhận về danh sách tin tặc trên, song ông Nebenzya tiết lộ Moscow đã nhiều lần đề nghị Washington tổ chức “đối thoại có ý nghĩa” về an ninh mạng nhưng bị từ chối.
Ít hiệu quả, nhiều hứa hẹn
Vậy hiệu quả của các cuộc đối thoại này thì sao? Quan chức Nga-Mỹ cho rằng các hoạt động tiếp xúc trao đổi nêu trên rõ ràng chưa mang lại nhiều kết quả thực chất, song phần nào giúp căng thẳng song phương leo thang, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Phát biểu ngày 2/11, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết quan hệ Nga-Mỹ năm qua đã có chuyển biến dù nhỏ song tích cực. Theo ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý với đề xuất của Nga về gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới trong 5 năm mà không đi kèm điều kiện nào.
Hai bên cũng nỗ lực thiết lập đối thoại ổn định thông qua Hội đồng An ninh và Bộ Ngoại giao, đẩy mạnh tiếp xúc về nhiều vấn đề như khí hậu, phát triển và bảo vệ Bắc Cực, cũng như hợp tác kinh doanh và thương mại.
Với Nhà Trắng, đối thoại với Nga sẽ bảo đảm rằng không có bất ngờ nào có thể xáo trộn ưu tiên hiện nay của ông Biden, vấn đề đối nội và cạnh tranh với Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Washington nhận định Mỹ “thấy rõ” ý định của Moscow, tuy nhiên cho rằng hai bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát vũ khí.
Nhân vật này cho rằng dù không ít lần Moscow “ngáng đường” Washington trong các vấn đề quốc tế, Nga vẫn có lập trường khá tương đồng với Mỹ về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và ở góc độ nào đó, trong phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Ông Biden hiểu rằng mình không thể thay đổi quan điểm của Nga. Nước Nga sẽ mãi là như vậy” - Nhà phân tích Fyodor Lukyanov, cố vấn chính trị cho Moscow nhận định. |
Trong khi đó, đối thoại với Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới sẽ góp phần mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, củng cố vị thế nhà lãnh đạo này như người bảo đảm sự ổn định cho tương lai xứ bạch dương.
Bà Fiona Hill, chuyên gia về Nga, cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhận định Nga không muốn bị gạt ra khỏi sân khấu chính trị toàn cầu: “Nga muốn là nhân vật chính trên sân khấu. Do đó, nếu như chúng ta không để ý đến họ, họ sẽ tìm cách để thu hút sự chú ý của chúng ta”.
Quan trọng hơn, cách tiếp cận hòa hoãn của ông chủ Nhà Trắng đã nhận được một số phản hồi tích cực từ các quan chức phụ trách lĩnh vực đối ngoại của Điện Kremlin.
Nhà phân tích Fyodor Lukyanov, cố vấn chính trị cho Moscow, tin Washington nhận thức rõ cần “tiếp cận một cách tỉnh táo” đế thúc đẩy hợp tác Nga-Mỹ: “Ông Biden hiểu mình không thể thay đổi quan điểm của Nga. Nước Nga sẽ mãi là như vậy”.