Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ phương Tây - Nga nói chung và quan hệ NATO - Nga nói riêng, đã xuống tới mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Kể từ đó, NATO đã hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng NATO - Nga cũng như “đóng băng” hợp tác giữa hai bên.
Không tìm được tiếng nói chung
Đến tháng 4/2016, Hội đồng NATO - Nga đã họp trở lại nhưng hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan. Cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ngày 19/12 là cuộc gặp thứ ba giữa hai bên trong năm 2016. Tại cuộc họp này, hai bên tiếp tục bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề.
Đối với vấn đề Ukraine, NATO vẫn khẳng định quan điểm không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, đồng thời tiếp tục bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình tại miền Đông Ukraine. Các quan chức ngoại giao NATO cũng thúc giục Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk (Belarus) trong các năm 2014 và 2015. Theo các thỏa thuận này, Nga đã đồng ý ngừng hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy ly khai đang kiểm soát một phần khu vực phía Đông Ukraine. Nội dung thỏa thuận cũng yêu cầu rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi các khu vực Donetsk và Lugansk.
Trong khi đó, về phía Nga, Đại sứ nước này tại NATO Alexander Grushko lại cáo buộc Chính phủ Ukraine mới là "thủ phạm" phá hoại các thỏa thuận ngừng bắn. Ông Grushko cho biết đã yêu cầu các nước thành viên NATO gây sức ép để chính quyền Ukraine "có những hành động thực sự thay cho việc phá hoại tiến trình chính trị" như hiện nay.
Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cho rằng Chính phủ Kiev là nhân tố phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: Getty) |
Ngoài vấn đề Ukraine, giữa Nga và NATO còn bất đồng trong các hoạt động quân sự của hai bên. Tại hội nghị, các thành viên NATO tiếp tục bày tỏ "quan ngại đặc biệt" trước việc Nga triển khai các cuộc tập trận chớp nhoáng tại Đông Âu với sự tham gia của khoảng 120.000 người trong những tháng gần đây.
Thế nhưng, bất chấp sự phản đối từ phía Nga, NATO cũng đã thông báo kế hoạch triển khai quân tới Ba Lan và các nước khu vực Baltic trong năm 2017 tới. Tuy NATO đã trấn an Nga rằng việc triển khai binh lính đến các nước Baltic và Ba Lan chỉ đơn thuần là mang mục đích phòng vệ, nhưng đáp lại, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cáo buộc rằng, các hoạt động tăng cường triển khai binh sĩ và trang thiết bị của Mỹ và đồng minh gần biên giới Nga làm cho "tình hình an ninh châu Âu tiếp tục xấu đi".
Cuộc đối đầu căng thẳng
Các nhà phân tích nhận định, việc Nga và NATO tiếp tục tồn tại bất đồng sâu sắc không thể giải quyết tại hội nghị lần này là một điều không mấy bất ngờ. Bởi lẽ, giới phân tích cho rằng những bế tắc khó có thể khai thông trong “một sớm, một chiều” do quan hệ Nga - NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng.
Việc NATO hủy bỏ các cuộc họp tham vấn của Hội đồng Nga - NATO, một cơ chế để hai bên bày tỏ quan điểm, thảo luận cùng đưa ra quyết định chung về an ninh bắt đầu được hình thành từ đầu năm 2002, đã làm đóng băng hợp tác giữa hai bên từ tháng 6/2014.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu như Nga là phía chịu thiệt hại nhiều hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây, thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng nặng nề về mặt an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cả khu vực Trung Đông, và hiện nay là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở trong lòng châu Âu.
Quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO còn làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên, nên càng kéo dài tình trạng hiện nay càng không có lợi. Các nhà phân tích cho rằng, việc Hội đồng Nga - NATO nối lại các cuộc gặp trong năm 2016 cho thấy nỗ lực muốn xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, là động thái tích cực đầu tiên nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi.
Tuy nhiên, giữa Nga và NATO thực tế vẫn còn rất nhiều bất đồng sâu sắc, những khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Cho dù lịch sử đã có nhiều thay đổi kể từ khi NATO được thành lập vào năm 1949, nhưng liên minh này vẫn không từ bỏ mục tiêu lớn nhất là kiềm chế sức mạnh của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng thừa nhận quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại", cho thấy giữa hai bên khó có thể tạo dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Việc NATO không thực hiện cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu là căn nguyên sâu xa khiến quan hệ hai bên luôn trong tình trạng hoài nghi, dè chừng nhau.
Các binh sĩ Mỹ được triển khai đến Ba Lan. (Nguồn: AP) |
Việc NATO thông báo triển khai binh lính đến Ba Lan và các quốc gia Baltic, kích hoạt lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Romania, đồng thời tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận sát biên giới với Nga đang khiến cho Moscow cảnh giác và càng mất lòng tin vào liên minh quân sự của phương Tây.
Cho dù NATO khẳng định những biện pháp quân sự mới chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía Đông chứ không đe dọa an ninh nước Nga, song sức nặng lời nói của NATO đối với Moscow giờ đây không còn giá trị.
Mới đây, tháng 11/2016, Nga tuyên bố đã triển khai lực lượng tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, nhằm tiếp tục cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander, cho phép vượt qua Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu (NMD). Hành động này của Nga được xem như một phản ứng đối xứng với các hành động của NATO, có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ NMD. Ngay lập tức, Mỹ và NATO đã bày tỏ quan ngại động thái này của Nga có thể "gây bất ổn đối với an ninh của châu Âu".
Ngoài ra, quan hệ Nga và NATO trong thời gian gần đây còn trở nên căng thẳng trong vấn đề Syria, đặc biệt sau khi Mỹ cáo buộc Nga tiến hành những vụ đánh bom ở Aleppo, Syria.
Tất cả những bất đồng nói trên khiến cho quan hệ giữa Nga và NATO khó có thể cải thiện đáng kể trong tương lai gần.