Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc gặp ngày 19/9 tại New York, Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Đầu tiên, ngày 19/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp đầu tiên bên lề phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.
Trong các bức ảnh do Văn phòng truyền thông của ông Erdogan đăng tải lên nền tảng X (trước đó là Twitter), hai nhà lãnh đạo ngồi gần nhau và có sự tham gia của các quan chức chủ chốt như Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cùng người đứng đầu cơ quan tình báo nước này.
Theo tuyên bố từ văn phòng truyền thông của Tổng thống, nhà lãnh đạo này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác với Israel về công nghệ, đổi mới, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng. Tuyên bố nêu rõ: “Trong cuộc gặp, hai bên thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước, cùng những diễn biến mới nhất liên quan đến xung đột Israel-Palestine”.
Điểm đáng chú ý thứ hai là sau cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau. Theo đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 10 hoặc tháng 11. Đáp lại, Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết, ông sẽ sớm công du tới Nhà nước Do Thái ít lâu sau đó.
Tài khoản X của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh các chuyến thăm lẫn nhau sắp tới nhằm xây dựng, củng cố mối quan hệ mới giữa hai quốc gia, đồng thời lưu ý các cuộc thảo luận về bình thường hóa quan hệ Israel-Saudi Arabia, một quốc gia khác mà Ankara gần đây đã hàn gắn quan hệ.
Tài khoản này cũng cho biết: “Các nhà lãnh đạo quyết định tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong các vấn đề thương mại, kinh tế và năng lượng”.
Những diễn biến trên thu hút nhiều sự chú ý bởi dù là hai quốc gia có tiềm lực và tầm ảnh hưởng trong khu vực của mình, song Israel và Thổ Nhĩ Kỳ lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp trong hơn một thập kỷ qua.
Một lý do dẫn đến thực trạng này là sự ủng hộ của Ankara với Palestine, cũng như thái độ gay gắt của nước này trước hoạt động của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tại dải Gaza và Bờ Tây. Quan hệ song phương đã dần xấu đi sau xung đột năm 2008-2009 ở Palestine, với rạn nứt nghiêm trọng sau cuộc đột kích chết người của IDF vào con tàu chở các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ tới nước này. Hai bên chính thức cắt đứt quan hệ vào năm 2018, sau khi Ankara phản đối các binh sĩ IDF hành động trấn áp bạo lực, khiến người tuần hành Palestine thiệt mạng.
Vậy đâu là lý do cho việc nối lại quan hệ giữa hai quốc gia này?
Ông Ryan Bohl, nhà phân tích về Trung Đông và Bắc Phi tại mạng lưới tư vấn rủi ro RANE (Mỹ) cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đem lại kết quả tích cực với Israel. Đặc biệt, dường như Thổ Nhĩ Kỳ dịu giọng hơn về vấn đề người Palestine trong bối cảnh quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và Ankara cải thiện.
Còn ông Omer Özkizilcik, nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Ankara lưu ý vị thế địa chính trị hiện tại giữa hai nước phù hợp với đường lối “đôi bên cùng có lợi” để đạt mục tiêu chung.
Những mục tiêu này bao gồm mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành trung tâm năng lượng cho khí đốt Israel và xuất khẩu sang châu Âu. Ông nói: “Nhận thấy lợi ích phù hợp về chính trị, kinh tế và năng lượng, ông Netanyahu và ông Erdogan đã gác lại những bất bình trong quá khứ và hành động với tư cách là những lãnh đạo quốc gia”.