Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) Phạm Tuấn Phan nhấn mạnh điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) ngày 29/4.
TGVN xin giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Nhân dân Nhật báo: Tại sao tình hình hạn hán ở lưu vực sông Mekong trong năm nay lại trở nên nghiêm trọng, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Phan: Những tham trắc về nhiệt độ toàn cầu trên đất liền và đại dương cho thấy năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử. Hiện tượng El Nino trong năm 2015 được ghi nhận là mạnh chưa từng có, khiến thời tiết toàn cầu trở lên hỗn loạn. Lưu vực sông Mekong đương nhiên bị tác động mạnh từ những hiện tượng này và phải gánh chịu đợt khô hạn bất thường trong thời gian gần đây.
Trong năm 2015, mùa mưa đến muộn (tới tháng Bảy) ở hầu hết các vùng lưu vực sông. Trong năm 2016, dự kiến có thể mùa mưa sẽ bị trì hoãn đến tháng Sáu hoặc tháng Tám, thậm chí đến cuối tháng Chín. Rõ ràng, mùa mưa càng đến muộn thì tình trạng khô hạn tại lưu vực sông Mekong càng tồi tệ.
Theo thống kê của MRC, hạn hán hiện đã gây ra những những tổn thất kinh tế – xã hội nào cho lưu vực sông Mekong?
Tại thời điểm này, MRC vẫn chưa thu thập đủ thông tin do mùa khô vẫn đang diễn ra còn các nghiên cứu về tác động kinh tế – xã hội của hạn hán sẽ mất một thời gian sau đó. Chúng tôi đang thảo luận với phía Trung Quốc để thực hiện chương trình quan sát và đánh giá chung về việc Bắc Kinh bổ sung nước khẩn cấp từ thượng nguồn dòng Mekong trong thời gian tới. MRC hy vọng có thể đưa ra thảo luận về thiệt hại kinh tế – xã hội của lưu vực sông Mekong trong chương trình này.
Ngoài các biện pháp riêng biệt của mỗi quốc gia, có bất kỳ hoạt động quốc tế nào để đối phó với hạn hán hay không? Là một bên đối thoại của MRC, Trung Quốc cũng tiến hành các nghĩa vụ quốc tế để giảm khô hạn, chẳng hạn như xả thêm nước từ thượng nguồn sông Mekong. Vậy Ngài đánh giá thế nào về hành động này của Bắc Kinh?
Chúng tôi chưa nhận được thông báo về bất kỳ nỗ lực quốc tế nào để giải quyết vấn đề hạn hán sông Mekong ở giai đoạn này, ngoại trừ việc Chính phủ Nhật bản đã tài trợ cho Đội Quản lý Hạn hán MRC (trước tháng 1/2016 gọi là Chương trình Quản lý Hạn hán) vốn đang hỗ trợ các nước thành viên MRC thông qua giám sát, phân tích và thực hiện các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ hạn hán trong khu vực.
Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch “bổ sung nước khẩn cấp vào sông Mekong” từ tháng 3/2016. Vào ngày 15/3, Bắc Kinh thông báo với MRC rằng họ sẽ tăng lưu lượng xả của đập chứa Cảnh Hồng (Jinghong) lên 2.000 m3/s từ ngày 15/3 - 10/4 để giúp giảm bớt tình trạng khô hạn ở các nước hạ nguồn sông Mekong. Lưu lượng xả đó tương đương với 200% lượng xả trung bình năm cùng kỳ và từ 300-350% mức xả tự nhiên của Trung Quốc tại đây.
Ngày 8/4, Bắc Kinh tiếp tục thông báo với MRC rằng sẽ tiếp tục nâng mức xả lên 1.200 m3/s từ ngày 11-20/4, tương đương với 200% mức xả tự nhiên cùng kỳ. Đến ngày 20/4, Trung Quốc thông báo rằng mức xả tiếp tục được nâng lên 1.500 m3/s từ ngày 21/4-21/5 (khoảng 150-2-5% mức xả tự nhiên cùng kỳ). Tuy nhiên, hệ thống giám sát của MRC cho biết Trung Quốc vẫn tiến hành xả nước vào sông Mekong như những gì họ làm vào mùa khô năm 2014 và 2015.
Một số thành viên MRC cũng đã tham gia công tác xả thêm nước tương tự: Lào tuyên bố đã bắt đầu xả nước từ hồ chứa với lưu lượng 1.163 m3/s xuống lưu vực hạ lưu sông Mekong từ 23/3 đến cuối tháng 3. Việt Nam cũng tiến hành xả nước từ đập chứa thủy điện Sesan 4 và Sesan 4A xuống hạ nguồn sông Sesan với lưu lượng 110 m3/s từ ngày 16-30/4.
Ban Thư ký Ủy hội đánh giá cao thiện chí của Trung Quốc và các nước thành viên MRC trong việc giúp giảm bớt tình trạng hạn hán ở hạ lưu sông Mekong. Trung Quốc là một đối tác đối thoại của MRC từ năm 1996. Với cương vị là đối tác đối thoại đã ký kết thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với MRC năm 2002, hằng năm vào mùa lũ (trong 4 tháng), Bắc Kinh cung cấp dữ liệu thủy văn sông Mekong 1 lần/ngày cho MRC. Sau khi gia hạn thêm thỏa thuận vào năm 2013, Bắc Kinh đã bắt đầu nâng mức chia sẻ dữ liệu lên 2 lần/ngày trong 5 tháng mùa lũ (từ 1/6 đến 31/10) hằng năm.
Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác tốt đẹp đã có với Trung Quốc và khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục chia sẻ nguồn thông tin quan trọng này đối với MRC. Ủy hội cũng mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác cũng như cải thiện sự phối hợp giữa MRC và Trung Quốc .
Trong tương lai, chúng ta cần phải làm gì để tự bảo vệ hoặc giảm thiểu hạn hán?
Chúng tôi tin rằng một trong những yếu tố chủ chốt để cải thiện năng lực quản trị và phát triển nguồn nước trong lưu vực sông Mekong, đặc biệt là giúp giảm bớt hạn hán và lũ lụt, trong tương lai chính là cải thiện sự phối hợp giữa các nước hạ nguồn và thượng nguồn. Trong những năm qua, MRC đã tập trung vào công tác tăng cường, cải thiện phối hợp với các đối tác đối thoại của Ủy hội như Trung Quốc và Myanmar ở vùng thượng lưu sông. Kết quả, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ trong các hoạt động phối hợp trên.
Một yếu tố quan trọng khác là việc xây dựng lòng tin và tính minh bạch trong việc ra quyết định. Khi cả các nước ở hạ nguồn và thượng nguồn xây dựng được sự tín nhiệm và niềm tin vào nhau, họ có xu hướng cởi mở hơn và điều này sẽ có lợi cho công việc quản lý sông Mekong và tài nguyên liên quan ở đây.
Chúng tôi tin rằng cơ chế Quản Lý Tổng hợp Tài nguyên Nước (IWRM) là rất phù hợp và quan trọng trong việc cải thiện tương lai phát triển và quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong. Dòng sông Mekong có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển đáng kể, tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp quản lý và phát triển hiệu quả, con sông này cũng có thể mang đến nhiều rủi ro cho khu vực như vấn đề hạn hán, lũ lụt và hơn thế nữa.
Nhận thấy những nhu cầu phát triển và thách thức đặt ra, MRC đã đưa ra cách tiếp cận mạnh mẽ hơn cũng như tiến hành một loạt các chương trình dựa trên IWRM như Chiến lược Phát triển Lưu vực sông Mekong (DBS) 2011-2015 và nay đã được cập nhật thành DBS 2016-2020. Chương trình này không chỉ hiện thực hóa các nguyên tắc IWRM mà còn là triển vọng dài hạn về phát triển sông Mekong. Chiến lược sẽ tập trung vào việc tìm giúp vùng hạ nguồn sông Mekong phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nó cũng giúp các quốc gia hữu quan điều chỉnh kế hoạch của riêng mình sao cho vừa có thể giải quyết nhu cầu dài hạn ở khu vực cũng như đưa ra một phản ứng toàn diện đối với vấn nạn biến đổi khí hậu và các thách thức khác.
Hơn nữa, mục đích của Hiệp định Mekong 1995 được bốn nước hạ lưu sông Mekong thiết lập là thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong cũng như các tài nguyên liên quan. Để tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các nước thành viên MRC, sáng kiến Thủ tục Duy trì Dòng chảy trên dòng Chính sông Mekong (PMFM) đã được phát triển để duy trì dòng chảy chính với thủy văn mà các quốc gia hữu quan có thể chấp nhận cũng như có thể tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu rủi ro cho tất cả các bên. Bên cạnh đó, PMFM còn được sử dụng cho mục đích quy hoạch và giám sát: Ban Thư ký Ủy hội sẽ đánh giá những kịch bản phát triển tương lai của dòng chính sông Mekong, đồng thời giám sát các quốc gia thành viên MRC trong việc duy trì dòng chảy chính vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Hơn thế nữa, MRC tạo lập các quy trình ứng phó khẩn cấp: Khi dòng chính chạm hoặc vượt giới hạn an toàn, MRC sẽ “cảnh báo” các quốc gia về nguy cơ lũ lụt hay hạn hán; sau đó tiến hành các “hành động” giảm thiểu tác động tiêu cực của các thảm họa này.
Dựa trên những nỗ lực, hợp tác giữa MRC và các đối tác đối thoại cũng như sử dụng cơ chế PMFM duy trì dòng chảy chính, MRC tin rằng tinh thần chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững sông Mekong sẽ được duy trì.