📞

Quốc hội Mỹ "đóng băng" trong cơn giận sục sôi

15:39 | 19/01/2019
Một tuần không đạt tiến triển trong thương lượng để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ đang khiến các nghị sĩ Mỹ chán nản, dù sự bực tức của họ "đã đạt tới điểm sôi".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ và Tổng thống Mỹ đang đối đầu. Không khí chán nản bao trùm Quốc hội Mỹ trong ngày đóng cửa chính phủ thứ 27. 

Nỗ lực của các thượng nghị sĩ hai đảng trong mở lại chính phủ đã thất bại tuần thứ hai liên tiếp. Không có lịch đàm phán nào về mở cửa lại chính phủ giữa lãnh đạo hai đảng.

Một thượng nghị sĩ đã nỗ lực trong vô vọng để tìm kiếm đột phá nói về tâm trạng với phóng viên: “Tôi cảm giác như tôi sẽ bóp nghẹt anh”. Theo Politico, tất nhiên đó là câu nói đùa nhưng không khí ở Quốc hội Mỹ đang buồn như đưa đám. Trong khi đó, tình trạng đóng cửa chính phủ chắc chắn sẽ kéo dài sang tháng thứ hai.

Đó là thế bế tắc chưa từng có trước đây ở Washington D.C, kể cả trong thời khủng hoảng nợ, bị cắt giảm ngân sách hay có một loạt xung đột chính trị chưa có tiền lệ trong suốt thập kỷ qua.

Cuộc khủng hoảng này khác hẳn. Chính phủ đóng cửa nhưng mọi động lực đều bị đóng băng. 

Bà Nancy Pelosi và Tổng thống Trump không ai chịu lùi bước. (Nguồn: AFP)

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer không muốn cấp tiền cho bức tường biên giới, còn Tổng thống Donald Trump muốn 5,7 tỷ USD. 

Các nghị sĩ cấp cao có thể gây chú ý và tìm cách tạo động lực, nhưng Tổng thống Trump bác bỏ mọi ý tưởng mà họ đề xuất, khiến một số nghị sĩ tự hỏi không biết mình đang làm gì.

Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski dường như đã thử mọi cách để mở cửa lại chính phủ. Bà đã ký tên vào bức thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống Trump chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ để đổi lại cuộc thảo luận ba tuần về vấn đề nhập cư. Bức thư ngay lập tức bị Nhà Trắng bác bỏ. 

Phe Dân chủ đang tìm cách trao cho Tổng thống một con đường giữ thể diện để lùi bước. Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng đang tìm cách để vẽ đường thoát cho Tổng thống Trump, trong đó có cả Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Rob Portman. Họ hy vọng thuyết phục được 20 nghị sĩ Cộng hòa và 20 nghị sĩ Dân chủ ký thư gửi Tổng thống Trump với mong muốn phe Dân chủ cam kết thảo luận về vấn đề an ninh biên giới và đảng Cộng hòa thúc đẩy để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Thượng nghị sĩ John Kennedy. (Nguồn: Getty)

Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa tuần này không mấy mặn mà với bức thư khi họ tin rằng Tổng thống sẽ không ủng hộ mở cửa lại chính phủ khi mà bức tường biên giới chưa được đảm bảo. Bức thứ vẫn có thể được gửi đi nhưng không ai chắc nó có tác dụng gì không.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy đã bay cùng Tổng thống Trump hơn một tiếng hôm 14/1. Theo ông Kennedy, Tổng thống không muốn chính phủ bị đóng cửa nhưng lo ngại sau khi chính phủ mở cửa trở lại thì phe Dân chủ sẽ lờ câu chuyện bức tường biên giới đi.

Tuần trước, bản thân bà Nancy Pelosi cũng thẳng thừng nói với Tổng thống Trump rằng sau khi chính phủ mở cửa, Tổng thống sẽ không có bức tường. Đó là lần cuối cùng họ gặp mặt trực tiếp.

Từ cuộc gặp đó, mối quan hệ của họ đã lao xuống dốc không phanh. Bà Pelosi đã khiến Tổng thống Trump bất ngờ ngày 16/1 khi gửi thư đề nghị ông hoãn đọc Thông điệp Liên bang hoặc truyền đạt dưới dạng thư cho tới khi chính phủ mở cửa trở lại. 

Ngay lập tức, ngày 17/1, Tổng thống Trump đã “phản kích” khi đột ngột hủy chuyến bay bằng máy bay quân sự của bà Pelosi tới Afghanistan. Nhà Trắng đã gửi thư cho phóng viên qua thư điện tử thông báo về việc hủy trước cả khi văn phòng bà Pelosi kịp biết Tổng thống đang làm gì. Động thái này diễn ra vào phút chót, sát chuyến bay  tới mức các nghị sĩ chuẩn bị tháp tùng bà Pelosi đã lên xe buýt để tới sân bay.

Đối với những nghị sĩ mới được bầu vào quốc hội, sự bực tức của họ về tình trạng hiện nay "đã đạt tới điểm sôi". Trong khi những nghị sĩ mới tìm mọi cách để mở cửa chính phủ, thì các thượng nghị sĩ gạo cội cũng có ý tưởng riêng. Tuy nhiên, họ chưa thành công khi mà hai nhân vật chủ chốt không chịu lùi bước.

(theo TTXVN)