📞

Quốc hội Trung Quốc: Kỳ họp quan trọng nhất trong 10 năm qua

09:00 | 07/03/2013
Ngày 5/3/2013 vừa qua, Quốc hội Trung Quốc với 2.987 đại biểu đã chính thức khai mạc kỳ họp kéo dài 2 tuần. Có thể nói đây là kỳ họp quan trọng nhất trong 10 năm qua vì tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới.
Kết quả của kỳ họp Quốc hội kỳ này chắc chắn sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn phát triển mới của TQ trong thập kỷ tiếp theo.

Các nội dung chính bao gồm: chính thức phê chuẩn các vị trí, chức danh lãnh đạo Nhà nước, bàn và thông qua kế hoạch cải tổ Quốc Vụ Viện (Chính phủ), các kế hoạch trọng tâm của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới;...

Tại kỳ họp này, ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo sẽ chính thức bàn giao chức vụ Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình và chức vụ Thủ tướng cho ông Lý Khắc Cường, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ lãnh đạo thứ 5.

Trong các vấn đề thảo luận, người dân Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới 3 vấn đề:

Một là, báo cáo công tác của Chính phủ, trong đó có nhiều vấn đề nóng bỏng như chống tham nhũng, thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế, giảm tình trạng chênh lệch giàu nghèo… Một trong những vấn đề nóng nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Hiện ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống nhân dân, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Người dân Trung Quốc chờ đợi chính quyền sớm có các biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng này.

Hai là, về cải cách cơ cấu và chuyển đổi chức năng của chính phủ Trung Quốc. Từ năm 1949 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã trải qua 12 lần cải tổ và lần gần đây nhất là năm 2008. Hướng cải tổ sắp tới sẽ hình thành các “siêu bộ”. Hiện Chính phủ Trung Quốc có 27 bộ và cơ quan ngang bộ, nhưng sắp tới số lượng các bộ sẽ giảm xuống chỉ còn 18 bộ, trong đó có 7 “siêu bộ”. Đáng chú ý nhất là Cục Hải dương Nhà nước sẽ được mở rộng, các chức năng hải giám và ngư chính sẽ được điều chỉnh và tăng cường, tập trung quản lý vấn đề quyền lợi biển về một đầu mối. Dư luận cho rằng các điều chỉnh lần này không có những “thay đổi mang tính cấp tiến”, nhưng do số lượng các cơ quan quản lý nhà nước giảm xuống nên sẽ tác động không nhỏ tới quyền lực và lợi ích của một số người.

Ba là, việc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Ngay trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Hội nghị TW 2 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp từ ngày 26/2 đến 28/2/2013. Hội nghị đã thông qua danh sách giới thiệu nhân sự đưa ra bỏ phiếu tại Nhân Đại, trong đó có 4 cụm chức danh chủ chốt gồm lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc Vụ Viện, lãnh đạo cấp Bộ và các cơ quan tương đương, và lãnh đạo các tỉnh, thành, khu tự trị… Đây là một trong đợt chuyển giao thế hệ lãnh đạo lớn nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1949 đến nay, trong đó có khoảng 70% các vị trí lãnh đạo trong tất cả các cơ quan bộ, ban, ngành được điều chỉnh, thay thế hoặc sắp xếp lại, đặc biệt là cả 3 bộ quan trọng là ngoại giao, quốc phòng và an ninh.

Với hàng loạt các vấn đề lớn như trên, kết quả của kỳ họp Quốc hội kỳ này chắc chắn sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc trong thập kỷ tiếp theo.

Hoàng Tú Linh