Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Sochi ngày 15/5. (Nguồn: AP) |
Ngày 14/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thăm Sochi, gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Từng đảm nhận cương vị Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA), ông Pompeo không còn xa lạ với giới chức Moscow, song đây là lần đầu tiên ông trở lại đất nước xứ bạch dương trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao.
Nhiệm vụ của Ngoại trưởng Mỹ là khởi động lại quan hệ Moscow – Washington, vốn trì trệ bất chấp nhiều cam kết của các bên sau Thượng đỉnh Nga – Mỹ ngày 16/7 năm ngoái. Trong quan hệ song phương, chính quyền của ông Trump tiếp tục trừng phạt và cấm vận kinh tế Moscow. Báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, kết luận không có sự liên quan trực tiếp của Nga tới bầu cử Mỹ năm 2016, chưa thuyết phục được lưỡng viện hay phá băng quan hệ hai nước. Trên chính trường quốc tế, Moscow và Washington tiếp tục cọ sát, thậm chí đối đầu ở nhiều điểm nóng như Venezuela, Ukraine và khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, ngày 3/5 vừa qua, quan hệ song phương đã có bước chuyển mới khi lãnh đạo hai nước tiến hành điện đàm trong hơn 1 giờ 30 phút. Tiếp nối thành công đó, chuyến công du Sochi ngày 14/5 của Ngoại trưởng Pompeo đã không phụ sự kỳ vọng khi đạt được một số kết quả cụ thể. Song từng đó là chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề giữa hai nước.
Điểm sáng hiếm hoi…
Phát biểu sau cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định quan hệ song phương đang “ấm trở lại”. Hai bên đồng ý nối lại các kênh liên lạc, đồng thời tái phủ nhận vai trò của Moscow trong công việc nội bộ của Washington.
Tương tự, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tiếp Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông chủ Điện Kremlin “có ấn tượng rằng Tổng thống Trump muốn khôi phục quan hệ và liên lạc Nga – Mỹ để giải quyết những vấn đề thể hiện lợi ích chung” khi nhắc về cuộc điện đàm ngày 3/5. Ngoài ra, Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định sẵn sàng trở lại đối thoại thực chất về chính sách đối ngoại của hai nước và kiểm soát vũ khí chiến lược mới. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) đã trở thành vấn đề nóng trong quan hệ song phương, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi tháng 2/2019.
Trong cuộc điện đàm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu vấn đề ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới tương tự như START, song có thêm sự góp mặt của Trung Quốc. Bắc Kinh, dù “im hơi lặng tiếng” về năng lực vũ khí hạt nhân, song lại đang là “đối thủ” cạnh tranh chiến lược trực tiếp với Washington trên nhiều lĩnh vực. Do đó, Tổng thống Trump muốn “buộc” Trung Quốc vào thỏa thuận này, nhằm kiểm soát việc phát triển các vũ khí tấn công chiến lược mới đến từ Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).
…trong bức tranh tối màu
Tuy nhiên, đó có lẽ là tất cả những gì tích cực trong chuyến công du Sochi lần này của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. Hai bên có thể đạt được một số đồng thuận cơ bản về phương hướng cải thiện quan hệ song phương thời gian tới, song vẫn tiếp tục “vênh nhau” xét trên giác độ lợi ích chiến lược cơ bản. Đó là lý do khi thảo luận sâu hơn vào các vấn đề đụng chạm lợi ích chiến lược như Iran, Venezuela, Syria và Ukraine, cả Nga và Mỹ đều không lùi bước, chứ chưa nói đến phối hợp và tìm kiếm giải pháp.
Khi đó, Ngoại trưởng Pompeo đóng vai trò “sứ giả” của Tổng thống Trump, trình bày lập trường của Mỹ trong giải quyết những khủng hoảng này tới người đồng cấp Nga Lavrov và Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, Washington không kỳ vọng Moscow hồi tâm chuyển ý trong chiến lược của mình đối với Tehran, Caracas, Damascus hay Kiev. Trong khi đó, Nga cũng chẳng trông đợi Mỹ “quay 180 độ” trong chính sách với Iran, từ bỏ can thiệp vào Venezuela, dỡ bỏ cấm vận Nga liên quan đến Ukraine hay “thả nổi” chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad. Điều hy hữu mà hai bên có thể đồng thuận nằm ở chính sách giải trừ/kiểm soát vũ khí hạt nhân đối với Trung Quốc và Triều Tiên.
Cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ với hai nhân vật then chốt trong chính quyền Nga khi đó chỉ mang tính thông tin về chính sách, hạn chế xung đột lợi ích, thay vì tranh luận hay mở rộng hợp tác. Chừng nào ông Trump chưa thể vượt qua được rào cản đến từ lưỡng viện, quan hệ Nga – Mỹ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và hợp tác giải quyết khủng hoảng quốc tế vẫn chỉ là câu chuyện trên giấy.
Con dao hai lưỡi
Tuy vậy, nếu thượng đỉnh Nga – Mỹ lần hai sớm diễn ra trong thời gian tới, nó có thể mang đến thay đổi căn bản trong quan hệ song phương. Phát biểu trong buổi họp báo sau thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Nga Putin khẳng định tán thành đề xuất này và để ngỏ khả năng gặp gỡ người đồng cấp Mỹ nếu nhận được đề nghị chính thức từ Washington.
Từ lâu, ông Trump đã bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, song đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ lưỡng viện, thể hiện rõ nét qua điều tra về can thiệp của Nga vào bầu cử năm 2016. Thượng đỉnh Mỹ - Nga lần đầu tại Helsinki đã mang đến một số thay đổi tích cực, song chưa thể xoay chuyển cục diện quan hệ song phương. Song bầu cử năm 2020 đang đến gần và ông Trump không còn nhiều thời gian. Khi đó, tận dụng dư âm từ những cuộc gặp vừa qua, Mỹ có thể hướng tới tổ chức thượng đỉnh với Nga trong vài tháng tới, tạo cơ hội cho ông chủ Nhà Trắng thực hiện cam kết cải thiện quan hệ Washington – Moscow, dù điều này có thể đồng nghĩa với một số nhượng bộ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi vấn đề liên quan đến Nga đều là vấn đề nhạy cảm trên chính trường Mỹ và một thượng đỉnh song phương có thể là con dao hai lưỡi đối với uy tín của đương kim Tổng thống: Thành công có thể đưa đến gần hơn tới nhiệm kỳ thứ hai, song một thất bại không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tái đắc cử của ông Trump, mà còn giáng đòn chí mạng tới quan hệ hai nước.
Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, ông Trump thường được biết đến như là một người không ngại đưa ra những quyết định mạo hiểm. Giờ đây, đã đến lúc ông một lần nữa thể hiện phẩm chất ấy nhằm kéo dài sự nghiệp chính trị “khác thường” của mình.