📞

R&D: Chìa khóa thành công của Hàn Quốc

09:00 | 02/05/2016
Chỉ trong vòng một thế hệ, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới.

Với chiến lược đầu tư bài bản cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Hàn Quốc đã có những bước đột phá trong đổi mới công nghệ, yếu tố quan trọng để củng cố khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Theo Ngân hàng Thế giới, đó cũng là bí quyết giúp Hàn Quốc vươn lên từ một trong những nước nghèo nhất Đông Á trong những năm 1960 trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới vào năm 2014.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương thuộc hãng phân tích toàn cầu IHS nhận định: "Hàn Quốc đã chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp rất nghèo đến một nền kinh tế công nghệ cao, đô thị hoá với một lực lượng lao động có tay nghề cao".

Hiện tại, Seoul nhận thấy nhu cầu phát triển các ý tưởng mới quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh nước láng giềng Trung Quốc, nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc, đã bắt đầu tìm cách chuyển từ mô hình sản xuất có giá trị thấp, cần nhiều lao động sang lĩnh vực sản xuất có giá trị cao.

Nhà sáng tạo hàng đầu thế giới

Kết quả là, Hàn Quốc đang đầu tư nhiều hơn cho R&D so với các nền kinh tế phát triển khác. Theo số liệu vừa công bố của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Hàn Quốc đã chi 4,29 % (xem biểu đồ) GDP cho R&D trong năm 2014, tiếp theo là Israel (4,11%) và Nhật Bản (3,58%).

Ngoài ra, năm 2016, tổ chức xếp hạng chỉ số đổi mới Bloomberg (Bloomberg Innovation Index) xếp hạng Hàn Quốc là đất nước có nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, vượt qua Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và Thụy Sỹ. Các chỉ số đánh giá quốc gia sáng tạo theo sáu hạng mục khác nhau, bao gồm: R&D, các công ty công nghệ cao, sản xuất, lực lượng nghiên cứu, sáng chế và giáo dục.

Hàn Quốc đầu tư khoảng 11,18 tỷ USD cho R&D trong năm 2016.

Một báo cáo mới đây của Bloomberg cho biết, "Hàn Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cũng như hiệu quả giáo dục đại học, trong đó chú trọng đào tạo sinh viên khoa học và kỹ thuật".  Đổi mới là chìa khóa để các công ty Hàn Quốc tìm đến con đường phát triển khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường toàn cầu. Các công ty đa quốc gia lớn cũng đầu tư mạnh vào R&D và đổi mới - yếu tố rất cần thiết để hỗ trợ bán hàng trên toàn cầu. "Các công ty như Samsung và LG đã đi đầu trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhờ vào công nghệ tiên tiến và thiết kế sản phẩm sáng tạo", Biswas cho biết.

Theo Kyle Ferrier, Giám đốc Học vụ và Nghiên cứu tại Viện Kinh tế Hàn Quốc của Mỹ (KEI), đổi mới và sáng tạo là những yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc. "Hàn Quốc buộc phải đi con đường riêng của mình trong một khu vực phải cạnh tranh lao động giá rẻ của Trung Quốc và công nghệ cao của Nhật Bản. Đầu tư cho R&D nhiều hơn với bất kỳ nền kinh tế nào khác không chỉ phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa về các mặt hàng công nghệ cao mà còn phản ánh mục tiêu của chính phủ để xây dựng một nền kinh tế sáng tạo", Ferrier nói.

Vai trò của chaebol

Thành công kinh tế của Hàn Quốc sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc ban đầu phản ánh chiến lược của chính phủ thúc đẩy sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ. Nhưng sự xuất hiện của các tập đoàn, được gọi là chaebol, như các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, đã trở thành nhân tố chuyển đổi kinh tế đất nước.

Quy mô của các công ty lớn - chẳng hạn như Samsung và Hyundai - không chỉ cho phép tập hợp các nguồn lực mà còn đưa nền sản xuất Hàn Quốc chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Đó là sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, nổi tiếng về chất lượng và sự sáng tạo.

Theo nhà phân tích Biswas, một trong những chiến lược của các chaebol để trở thành các nhà tiên phong trong công nghệ toàn cầu là phải đầu tư mạnh vào R&D, chiếm lĩnh thị trường thông qua sáp nhập và mua lại các công ty của Mỹ và châu Âu, những biện pháp cho phép Hàn Quốc nâng cao năng lực công nghệ trong thời gian ngắn.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng vật chất đẳng cấp thế giới và hệ thống giáo dục chất lượng cao trong nước, làm tiền đề cho các dự án R&D.

Tăng trưởng chậm lại

Nhưng quốc gia có dân số 50 triệu người này đang đối mặt với các vấn đề như bất bình đẳng và nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Chẳng hạn, suy thoái kinh tế của Trung Quốc và sự tăng giá của tiền Won so với tiền Yên (Nhật) cũng tác động tới khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Hàn Quốc.

Hơn nữa, kinh tế Hàn Quốc cũng dễ bị tổn thương do những rủi ro phát sinh từ những khoản nợ tăng nhanh trong những năm gần đây. "Nợ khu vực tư nhân của Hàn Quốc tăng nhanh trong thập kỷ qua," chuyên gia Krystal Tan tại Viện nghiên cứu Asia Economist, có trụ sở tại Anh nhận định. Mặc dù chuyên gia này nhấn mạnh nền kinh tế Hàn Quốc dường như không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn nhưng mức nợ cao sẽ đè nặng lên tăng trưởng. "Sự cần thiết giảm nợ trong khu vực tư nhân là lý do tại sao chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng trung hạn của Hàn Quốc giảm xuống còn 2,0-2,5 % từ mức trung bình 3,5% trong thập kỷ qua", Krystal Tan nhận định.

Tỷ lệ đầu tư cho R&D của Hàn Quốc trong GDP.

Bất bình đẳng gia tăng

Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc dẫn đến sự bất bình đẳng ngày càng tăng, trong đó có sự bất bình đẳng về cơ hội học tập. Giáo dục được đánh giá cao ở Hàn Quốc. Thành tích học tập được xem là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá địa vị xã hội và kinh tế của một cá nhân. Đó là lý do tại sao phụ huynh Hàn Quốc chú trọng cung cấp giáo dục chất lượng cao cho con cái.

"Tuy nhiên, dù Hàn Quốc được ca ngợi vì thành tích nổi trội trong các kỳ thi quốc tế, OECD cho rằng nền kinh tế này đang phải đối mặt với khoảng cách giữa các kỹ năng được giảng dạy trong trường học và những kỹ năng thị trường lao động đòi hỏi", Ferrier nói.

Dân số Hàn Quốc cũng đang già nhanh hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác, có khả năng trở thành lực cản đối với tốc độ tăng trưởng dài hạn của quốc gia.

Hàn Quốc cũng cần phải vượt qua một số thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh và đổi mới trong tương lai. Ví dụ, nhà phân tích Ferrier giải thích rằng lợi thế so sánh của Hàn Quốc đã đạt được trong quá trình đổi mới là làm cho sản phẩm hiện có hiệu quả hơn và rẻ hơn chứ không phải phát minh ra nhiều sản phẩm hoàn toàn mới.

Hàn Quốc đang tiếp tục cho thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thể hiện ở số lượng các bài báo khoa học được xuất bản, phát minh sáng chế, xuất khẩu công nghệ... Ví dụ, số lượng bài báo khoa học của các học giả Hàn Quốc được trích dẫn nhiều, một thước đo để đánh giá chất lượng của một bài báo khoa học, tăng gấp ba lần trong 10 năm qua . (theo BusinessKorea)

Thích ứng với Trung Quốc

Một thách thức khác cho Seoul là tìm cách đối phó với sự thay đổi chiến lược của Trung Quốc khi quốc gia này  tập trung vào sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, sẽ trở thành một mối đe dọa đối với các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc vào Trung Quốc cũng như các thị trường đang phát triển khác.

Do mức lương tương đối cao so với nhiều nước Đông Á khác, lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc cũng phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh bằng chi phí thấp ở các nước châu Á khác, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ.

Trong khi các chaebol vẫn có thể cạnh tranh bằng cách chuyển cơ sở sản xuất của họ sang các thị trường mới nổi có chi phí thấp hơn nhưng điều này dần dần sẽ làm xói mòn quy mô các khu vực sản xuất ở Hàn Quốc.

Để giải quyết các thách thức nội tại và cạnh tranh từ bên ngoài, các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc cần duy trì vị trí là nhà tiên phong thế giới trong đổi mới công nghệ nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu của mình. Ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc là đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm cả khuyến khích các phát minh có giá trị cao, thúc đẩy các khả năng cạnh tranh toàn cầu và tạo ra các lĩnh vực tăng trưởng mới cho tương lai, đặc biệt trong khu vực dịch vụ.

(theo DW)