Ngày 19/6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley tuyên bố nước này sẽ ngay lập tức rút khỏi UNHRC. Bà cũng cáo buộc tổ chức này là “bảo vệ cho những kẻ vi phạm nhân quyền và thiên vị chính trị… Thật đáng tiếc khi rõ ràng họ không chú ý đến lời kêu gọi cải cách từ phía chúng tôi”. Song Đại sứ Haley cũng khẳng định sự rút lui này không đồng nghĩa với việc Washington từ bỏ cam kết bảo vệ quyền con người, mà đơn giản là do tổ chức này đã “không còn xứng đáng với tên gọi của nó”.
Động thái cứng rắn của Mỹ được đưa ra sau khi UNHRC “đăng đàn” chỉ trích chính sách chia cắt trẻ em với cha mẹ, những người nhập cư trái phép, ở biên giới với Mexico. Tuy nhiên, Đại sứ Nikki Haley và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều cho biết quyết định này của họ được đưa ra sau một năm chứng kiến những nỗ lực cải tổ bất thành tại UNHRC.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc Mỹ rời UNHRC có một phần lớn nguyên nhân đến từ việc UNHRC đã có những động thái gây bất lợi cho Israel, đưa ra tới 78 nghị quyết lên án Tel Aviv kể từ khi thành lập năm 2006, lớn hơn tổng số các quốc gia khác cộng lại. Do đó, có thể lý giải phần nào phản ứng gay gắt từ Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel. Hồi năm ngoái, chính bà Haley đã từng chỉ trích UNHRC là một “cơ quan chống Israel thâm niên”.
Về phần mình, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự đáng tiếc về động thái này của Mỹ. Không quá bất ngờ, song Cao ủy Nhân quyền của LHQ Zeid Ra’ad Al Hussein khẳng định với tình trạng nhân quyền trên thế giới hiện nay, Washington đã có một bước lùi đáng thất vọng. Tương tự, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng đây là quyết định “đáng tiếc” của Mỹ, song London sẽ vẫn tiếp tục duy trì cam kết của mình. Liên minh châu Âu (EU) thì cảnh báo hành động của xứ cờ hoa “có thể gây nguy hại tới vị thế của nước Mỹ như là quốc gia đi đầu và ủng hộ tiến trình dân chủ trên trường quốc tế”.
Chỉ có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ủng hộ bước đi của Washington, ca ngợi đây là một “quyết định dũng cảm".
Mười hai tổ chức quyền con người và cứu trợ, bao gồm Human Rights First, Save the Children và CARE, cũng đã lên tiếng cảnh báo Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng động thái này sẽ khiến “việc phổ biến ưu tiên về quyền con người và hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng trở nên khó khăn hơn”.
Quan trọng hơn, Mỹ dường như đang “tự dẫm lên chân mình”. Ông Jamil Dakwar, Giám đốc Chương trình Quyền Con người thuộc Liên đoàn Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nhận định: “Chính sách tự cô lập một cách sai lầm sẽ gây nguy hại tới lợi ích của nước Mỹ”. Giám đốc điều hành của tổ chức Giám sát Quyền Con người (Human Rights Watch) Ken Roth đánh giá: “UNHRC đã đóng vai trò quan trọng tại nhiều quốc gia như Triều Tiên, Syria, Sudan, song dường như chính quyền của Tổng thống Trump chỉ quan tâm tới việc bảo vệ lợi ích của Israel”. Trong khi đó, những hứa hẹn của Đại sứ Mỹ tại LHQ về bảo vệ quyền con người và có thể trở lại UNHRC nếu nhận thấy sự thay đổi là vô cùng bất định.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc Mỹ rời khỏi UNHRC được đánh giá là “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng sâu sắc tới uy tín của Washington trên trường quốc tế.