📞

Singapore-Malaysia: Không chỉ chuyện con gà

Phan Quân 15:00 | 20/06/2022
Câu chuyện về lệnh cấm xuất khẩu gà của Kuala Lumpur không chỉ khiến người Singapore lo lắng.
Khi câu chuyện giữa Singapore-Malaysia không chỉ là về giá gà - Ảnh: Cửa hàng cơm gà Hải Nam nổi tiếng của bà Tong tại Singapore. (Nguồn: CNN)

Con gà, thịt gà không chỉ có vị trí đặc biệt trong văn hóa, mâm cỗ của người Việt, mà còn đóng vai trò khó thay thế trong nền ẩm thực của nhiều nước Đông Nam Á, cho dù là món cơm gà Hải Nam của Singapore hay Nasi Lemak từ Malaysia.

Quyết định ngưng xuất khẩu gà của Kuala Lumpur ngày 1/6 khiến Singapore không khỏi lo lắng dù hai tuần sau, Malaysia đã gỡ bỏ một phần hạn chế này. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại giữa hai nước Đông Nam Á.

Từ một lệnh cấm…

Trước hết, Singapore coi gà là một phần tất yếu trong mâm cơm hàng ngày. Tuy nhiên, đảo quốc này lại không có nhiều đất nông nghiệp và buộc phải nhập khẩu các thực phẩm thiết yếu, trong đó có gà, từ nước láng giềng Malaysia.

Hiện trung bình Singapore nhập khẩu từ Malaysia gần 3,6 triệu con gà sống/tháng, tương đương 1/3 số gia cầm nhập khẩu; 2/3 còn lại là hàng đông lạnh. Số này sẽ được giết mổ, bảo quản tại chỗ, trở thành nguồn cung thịt tươi cho hộ gia đình, đặc biệt là những quán cơm gà Hải Nam, đặc sản của đảo quốc này.

Tương tự, với phần lớn dân số theo đạo Hồi tại Malaysia, thịt gà đã trở thành nguồn thực phẩm quan trọng vì không vi phạm đức tin, có mặt trong nhiều món ăn với giá thành hợp lý và có thể tiêu thụ mọi lúc, trừ dịp đặc biệt. Với dân số tới 34 triệu người, gấp sáu lần Singapore, nhu cầu gà của Malaysia là rất lớn.

Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung nhiên liệu, ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi đã khiến giá gà tăng “phi mã” trong thời gian qua. Lệnh cấm xuất khẩu gà của chính phủ Thủ tướng Ismail Sabri Yakob là nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề này. Dù vậy, quyết định bất đắc dĩ này cũng để lại một số hệ quả sau.

Thấy tầm quan trọng của tự chủ an ninh lương thực

Trước hết, dù chưa mang lại nhiều hiệu quả, song quyết định này đã tác động đáng kể tới thị trường thực phẩm của hai nước. Thực tế cho thấy một tuần sau khi lệnh cấm xuất khẩu ban hành ngày 1/6, giá gà vẫn chưa giảm. Điều này buộc Kuala Lumpur siết giá trần, đồng thời tăng cường tích trữ gà tươi và đông lạnh.

Ở chiều ngược lại, quyết định của Malaysia đã khiến Singapore đối mặt tình trạng thiếu hàng. Ngay cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ một phần và Singapore có đủ dự trữ ngắn hạn cùng nguồn gà đông lạnh từ Brazil và Mỹ, gà tươi vẫn trở thành mặt hàng khan hiếm.

Nhiều cửa hàng chuyên buôn bán, chế biến các món ăn từ gà đã phải đóng cửa. Giá gà ở đảo quốc sư tử đã tăng ít nhất 3 SGD (50.000 VND)/kg, khiến nhiều người phải cân nhắc hơn khi muốn thưởng thức món cơm gà ưa thích.

Đặc biệt, quyết định của Kuala Lumpur cho thấy xu hướng “bảo hộ lương thực” ngày càng hiện hữu tại một số nước trên thế giới trước làn sóng giá thực phẩm tăng cao do xung đột Nga - Ukraine. Trước đó, Indonesia từng ra lệnh cấm xuất khẩu dầu dừa, Ấn Độ áp đặt hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, hay Serbia và Kazakhstan công bố hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc.

Dù đây chỉ là quyết sách ngắn hạn của các chính phủ nhằm kiểm soát giá cả trong nước, song chúng cũng để lại tác động đáng kể, đặc biệt là tới những nước không tự chủ về mặt lương thực.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và các nguồn cung lúa mì, phân bón, ngũ cốc chưa được nối lại còn phương Tây tiếp tục áp đặt hàng loạt trừng phạt với Moscow, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài, thậm chí rõ nét hơn nữa thời gian tới.

Sự việc này một lần nữa cho thấy trong một thế giới kết nối, khi lợi ích đan xen giữa các nước ngày càng rộng mở và sâu sắc, mỗi sự kiện, dù nhỏ hay lớn, đều có thể đem đến thay đổi khó lường, thậm chí ảnh hưởng tới đất nước, người dân ở cách đó hàng chục nghìn km, như cái cách xung đột Nga - Ukraine đã tác động tới giá gà ở Malaysia và Singapore vậy.

Cuối cùng, câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của duy trì sự độc lập, tự chủ trong các lĩnh vực then chốt với một đất nước, mà ở đây là an ninh lương thực.

Phát biểu sau quyết định của Malaysia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: “Lần này là gà, lần sau có thể là thứ khác. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều này”.

Sự “chuẩn bị” đã được đảo quốc này triển khai từ năm 2019, dưới cái tên “kế hoạch 30”: Cụ thể, Singapore sẽ sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo để sản xuất, đáp ứng 30% nhu cầu thực phẩm trong nước vào năm 2030, giảm phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Nước này đã đầu tư hàng triệu USD hỗ trợ tài chính cho trang trại và nghiên cứu sản xuất lương thực trong đô thị. Chính phủ cũng phân phát hạt giống, khuyến khích người dân trồng rau tại nhà từ tháng 6/2020.

Theo South China Morning Post, hiện chương trình vẫn đang trong giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, những gì vừa diễn ra chắc chắn là động lực để Singapore đẩy nhanh kế hoạch này, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo an ninh lương thực, yếu tố then chốt trong duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước.