📞

Smartphone - Vũ khí quan trọng thời Covid-19

08:26 | 01/04/2020
TGVN. Điện thoại thông minh (smartphone) sẽ là công cụ hữu hiệu giúp phòng chống, đẩy lùi tới kiểm soát hoàn toàn dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19).
Smartphone đang trở thành công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. (Nguồn: Getty Images)

Kiểm soát đại dịch Covid-19 đang trở thành ưu tiên hàng đầu của toàn thế giới. May mắn thay, bên cạnh chức năng truyền thống như liên lạc, truy cập Internet, smartphone có thể là thứ vũ khí hữu hiệu giúp loài người vượt qua cơn bĩ cực này với hai công dụng sau.

Thứ nhất, smartphone có thể đóng vai trò then chốt trong xét nghiệm Covid-19. Ngày 27/3, một nhóm nhà khoa học làm việc tại Đại học Brunel London, Lancaster và Surrey (Anh) cho biết đã thiết kế và phát triển thiết bị xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thông minh. Thiết bị chạy pin, được điều khiển bởi smartphone, sẽ cung cấp thông tin về việc người sử dụng có nhiễm Covid-19 hay không. Vốn là thiết bị khoa học thường được dùng để phát hiện cúm gà tại Philippines, song nó đã được điều chỉnh để phát hiện Covid-19 ở người.

Cụ thể, thiết bị lấy thông tin từ miếng gạc từ mũi/cổ họng của người dùng, cho ra kết quả chỉ sau nửa giờ và có thể kiểm tra tới 6 người trong một lúc. Quan trọng hơn, các nhà phát triển thiết bị cũng muốn thiết lập khả năng theo dõi những người có liên hệ gần gũi với người dùng, cảnh báo họ về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các bước tiếp theo sẽ được thông báo qua ứng dụng.

Hiện chưa có nhiều thông tin về thiết bị này, song nếu thành hiện thực, nó có thể đóng vai trò những bộ xét nghiệm nhanh nhằm giải tỏa áp lực đáng kể với các cơ quan y tế toàn cầu, tạo điều kiện cho bệnh nhân tiến hành tự cách ly thích hợp. Tuy nhiên, sản phẩm này cần được thử nghiệm lâm sàng về độ nhạy, tính khả thi và cân nhắc về giá thành trước khi sản xuất đại trà.

Thứ hai, smartphone đang được nhiều quốc gia tận dụng để theo dõi hoạt động và định vị người dân, góp phần quan trọng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Sau khi Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đạt được thành công nhất định bằng phương pháp này, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đang xem xét có hành động tương tự.

Ngày 27/3, Anh xác nhận Chính phủ có thể sử dụng dữ liệu smartphone để chống lại sự lan rộng của Covid-19. Italy, Đức và Áo cũng đã có bước đi tương tự. Ngày 25/3, Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận với Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) về giám sát phối hợp. Thậm chí, GSMA có thể xây dựng chương trình trung tâm với 700 tổng đài thu thập thông tin xuyên biên giới, lịch sử di chuyển và tiếp xúc giữa chủ nhân smartphone phục vụ công tác chống dịch.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với việc smartphone cá nhân bị theo dõi, đặc biệt là đối với công dân các nước phương Tây, vốn đề cao quyền riêng tư. Nhiều người lo ngại rằng một khi xuất hiện, những chương trình và cơ chế theo dõi sẽ được duy trì ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc, ảnh hưởng tiêu cực tới tự do cá nhân.

Vì thế, theo dõi smartphone cá nhân là con dao hai lưỡi, song ở thời điểm hiện tại, đến ngày 31/3, khi thế giới đã vượt mốc 800.000 ca nhiễm và sắp chạm ngưỡng 40.000 người tử vong, các quốc gia không còn nhiều lựa chọn và tính mạng công dân cần là ưu tiên cao nhất. Do đó, smartphone sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của loài người nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của Covid-19.