📞

‘Snapback’: Bóng bầu dục, thời trang hay chuyện về Mỹ-Iran

Minh Vương 19:30 | 21/08/2020
TGVN. “Snapback” hiện là từ khóa nóng trong quan hệ Mỹ-Iran 24 giờ qua. Đâu là ý nghĩa và vai trò của cụm từ này trong câu chuyện Washington - Tehran? Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Mỹ sẽ triển khai đề xuất táo bạo về kích hoạt cơ chế snapback. (Nguồn: Reuters)

Trong bóng bầu dục, cụm từ này được dùng để chỉ đường chuyền ngược lại về phía sau từ vị trí Tiền vệ trung tâm cho Trung phong, khởi đầu trận đấu hoặc mở màn cho đợt tấn công. Trong thời trang, cụm từ này được chỉ một loại mũ được thiết kế lấy cảm hứng từ mũ bóng chày, với kích thước có thể điều chỉnh được bởi khóa ở phía sau, phần lưỡi che nắng phía trước được thiết kế phẳng, thay vì có độ cong như chiếc mũ lưỡi trai thông thường. Trong tiếng Anh, “snapback” được dùng để chỉ hành động bật trở lại vị trí cũ một cách tức thời, trả đũa hay quay lại.

Vậy cụm từ này có liên quan gì đến câu chuyện Mỹ-Iran?

Ngày 20/7/2015, một tuần sau khi các nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đức cùng Iran ký Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2231. Nghị quyết thể hiện sự ủng hộ, kêu gọi các nước thành viên HĐBA LHQ tuân thủ và thực hiện theo JCPOA, đồng thời để ngỏ khả năng thực hiện cơ chế “snapback”. Một khi Iran vi phạm thỏa thuận, các bên còn lại có quyền tái áp đặt những nghị quyết trừng phạt bị vô hiệu hóa phần nào bởi JCPOA và Nghị quyết 2231, mà không cần phê chuẩn của HĐBA LHQ. Đây là điều khoản được Mỹ “cài” vào JCPOA và giờ nó đã có đất dụng võ.

Cụ thể, cơ chế này đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo đề cập tới trong lá thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres ngày 20/8. Theo ông, Iran đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận và việc áp dụng cơ chế “snapback” là cần thiết. Nếu điều này thành sự thực, 6 nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ được khôi phục, trong đó có cấm thử nghiệm và phát triển tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, hạn chế đi lại và đóng băng tài sản các quan chức then chốt trong chính quyền Tehran.

Để chống lại việc kích hoạt điều khoản này, HĐBA sẽ phải thông qua một nghị quyết nới cấm vận Iran trong 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Mỹ. Song, với tư cách là thành viên của HĐBA LHQ, Mỹ có tư cách để phủ đầu bất kỳ nghị quyết cấm vận Iran nào trong thời gian đó, nhằm theo đuổi đến cùng chính sách cứng rắn của mình.

Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ cũng đang gặp phải sự phản đối quyết liệt của các bên trong JCPOA. Trước đó, ngày 14/8, HĐBA LHQ đã không thông qua đề xuất của Mỹ về gia hạn lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Iran, vốn sẽ được nới lỏng vào ngày 18/10 tới theo JCPOA.

Về phía Iran, trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng: “Việc Mỹ thúc đẩy tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm… Iran đã thực hiện kiềm chế một cách thiện chí… Giờ đây, đến lượt cộng đồng quốc tế chống lại sự thúc đẩy bất hợp pháp của Mỹ”.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), ngày 16/8, Cao ủy EU về Chính sách đối ngoại Joseph Borrell khẳng định rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 đồng nghĩa rằng Washington không còn là một bên trong thỏa thuận và không thể áp đặt các cơ chế dành riêng cho các bên trong JCPOA.” Anh, Pháp và Đức cũng đã ra tuyên bố chung chỉ trích động thái của Mỹ. Đáp lại, sau khi chính thức đề xuất dự thảo về triển khai cơ chế “snapback”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Không quốc gia nào, ngoại trử Mỹ, có đủ can đảm và cam kết để đưa ra một nghị quyết như vậy, Thay vào đó, họ lựa chọn đứng về phe của các giáo chủ Iran.”

Ngày 20/8, Người Phát ngôn Phái đoàn Thường trực của Trung Quốc tại HĐBA LHQ cũng cho rằng yêu cầu của Mỹ là “không có cơ sở pháp lý và lý lẽ thông thường…và chẳng khác gì một màn kịch chính trị”. Cùng ngày, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Nga tại HĐBA LHQ Vasily Nebenzya cũng khẳng định nỗ lực của Mỹ là “bất hợp pháp” và cho biết Moscow sẽ sớm có tuyên bố chính thức về tình hình, bao gồm những thiếu sót trong lập trường của Washington.

Đứng trước sự phản đối như vậy, đề xuất về triển khai cơ chế snapback của Mỹ đối với Iran sẽ khó được HĐBA LHQ thông qua. Tuy nhiên, Washington rõ ràng đã lường trước kết quả này. Khi ấy, hành động của Mỹ hướng tới gửi một thông điệp, thể hiện thái độ quyết liệt, sẵn sàng “mạnh tay” với chính quyền Iran khi cần thiết. Cơ chế “snapback” là cái cớ, song cũng là cột mốc buồn mới trong quan hệ Mỹ-Iran.