Theo 19FortyFive, vũ khí hạt nhân vẫn là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga. (Nguồn: Creative Commons) |
Nga sở hữu rất nhiều vũ khí hạt nhân. Mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm vô hiệu hóa một phần nỗ lực hiện đại hóa quân đội nước này nhưng Moscow vẫn duy trì trang bị nhiều loại vũ khí, trong đó có quy mô vũ khí hạt nhân khổng lồ.
Với các loại vũ khí hạt nhân như RS-28 Sarmat và thiết bị lặn không người lái có tên gọi hệ thống đa năng đại dương Status-6, hiện tại Nga có thể gây ra sự tàn phá lớn hơn rất nhiều đối với bất cứ mục tiêu nào mà nước này nhắm vào so với thời điểm Chiến tranh Lạnh.
Học thuyết về “đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" dường như đã trở thành phương tiện hữu hiệu duy nhất để ngăn chặn chiến tranh quy mô lớn giữa các siêu cường.
Hiện nay, cả Nga và Mỹ đều duy trì các kho dự trữ hạt nhân ít hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong khi Mỹ để một phần trong kho vũ khí hạt nhân của mình trở nên lỗi thời, thì Nga vẫn tiếp tục dựa vào vũ khí hạt nhân như một phương tiện để đạt được mục tiêu địa chính trị.
RS-28 Sarmat
Mỹ hiện có khoảng 5.800 vũ khí hạt nhân, với 3.800 vũ khí được coi là đang hoạt động. Trong kho dự trữ đó có ít nhất 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) LGM-30 Minuteman III.
Minuteman III được đưa vào sử dụng từ năm 1970, có phạm vi hoạt động hơn 6.000 dặm (khoảng 9.600 km) và độ chính xác trong phạm vi 800 feet (khoảng 0,24 km).
Những tên lửa này có thể mang từ một đến ba đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ tối đa là 475 kiloton, hiệu suất gây nổ tối đa là 1,425 megaton. Điều đó có nghĩa là mỗi ICBM của Mỹ có thể mang lại khả năng hủy diệt gấp khoảng 95 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Tuy nhiên, những tên lửa này vẫn hoàn toàn bị “lép vế” trước ICBM tiên tiến (và mạnh nhất) của Nga là RS-28 Sarmat sắp được đưa vào trang bị trong năm nay.
RS-28, còn được gọi là "Satan II", đã được phát triển từ năm 2014 và được truyền thông Nga mô tả là "có khả năng quét sạch một phần của Trái đất có kích thước bằng Texas hoặc Pháp".
Tên lửa này có tầm bắn 6.385 dặm (khoảng 10.216 km) và mang theo đầu đạn đa đầu hướng tiếp cận độc lập (MIRV) có sức công phá tổng hợp là 50 megaton . Nói cách khác, RS-28 Sarmat mang năng suất hủy diệt lớn hơn 35 lần so với Minuteman III.
Quả bom hạt nhân mạnh nhất của Mỹ đang được sử dụng là B83 cũng chỉ có đương lượng 1,2 megaton. Thậm chí, vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ, B53 với 9 megaton, có đương lượng chưa bằng 1/5 so với quả Sarmat hùng mạnh của Nga.
Nhưng nếu sức tuyên truyền về một tên lửa được mệnh danh là "Satan II" với khả năng có thể để xóa sổ Texas ra khỏi bản đồ không đủ lớn, thì Nga cũng tự hào có một loại vũ khí hạt nhân gây hủy diệt khác, một tên lửa được cho là phù hợp hoặc thậm chí gấp đôi năng suất hạt nhân của Sarmat, đồng thời củng cố khả năng hủy diệt của nó bằng cách tạo ra một thảm họa tự nhiên và nhân tạo. Đó là hệ thống đa năng đại dương Status-6.
Hệ thống đa năng đại dương Status-6. (Nguồn: Syrializm) |
Hệ thống đa năng đại dương Status-6
Hệ thống đa năng đại dương Status-6 đã trở thành tâm điểm trong các phân tích của phương Tây những năm qua. Một phần vì sức mạnh của loại vũ khí này được đồn thổi suốt một thời gian dài.
Tuy Status-6 phần lớn được biết đến thông qua những đề cập mơ hồ trong các bản tin của Nga, nhưng sự tồn tại của nó đã được xác nhận trong vài năm qua với lần đầu là trong một hình ảnh rò rỉ từ một báo cáo tình báo của Lầu Năm Góc và sau đó là các thông báo chính thức từ Điện Kremlin.
Không giống như các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm, Status-6, còn được gọi là "Poseidon" hoặc "Kanyon", thực sự là một thiết bị dưới nước không người lái.
Sau khi được triển khai bởi tàu ngầm Hải quân Nga, thiết bị không người lái này có thể tự động di chuyển tới mục tiêu, bao quát hơn 5.400 dặm (khoảng 8.640 km) ở độ sâu thấp tới 3.300 feet (khoảng 1 km). Sau khi tìm thấy mục tiêu, Status-6 chỉ cần đậu và chờ lệnh kích nổ.
Bên trên thiết bị lặn không người lái này là một đầu đạn cực lớn. Một số tuyên bố nói rằng nó mang năng suất hạt nhân tương đương với RS-28 và những người khác cho rằng con số là gấp đôi.
Theo một số quan chức Nga, Status-6 có thể được trang bị vũ khí 100 megaton, mạnh gấp hai lần so với vũ khí hạt nhân lớn nhất từng được thử nghiệm.
Một tiếng nổ có cường độ lớn đó sẽ không chỉ phá hủy và chiếu xạ một khu vực rộng lớn. Ảnh hưởng lớn của nó ở dưới nước sẽ dẫn đến một cơn sóng thần phóng xạ vào sâu trong đất liền hơn là vào chính tâm vụ nổ.
Rõ ràng, Status-6 được thiết kế để sử dụng như một vũ khí dành cho ngày tận thế. Đó là loại vũ khí mà người chế tạo ra không phải để chiến thắng các cuộc chiến tranh mà để chấm dứt chúng.
Giá trị chiến lược của vũ khí hạt nhân
Một số người cho rằng nên duy trì tư duy của Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn chiến tranh. Cũng giống như trong Chiến tranh Lạnh, cả Nga và Mỹ đều nhận thức được rằng việc phóng một vũ khí hạt nhân duy nhất là tất cả những gì cần thiết để bắt đầu một loạt cuộc tấn công trả đũa.
Chiến tranh hạt nhân sẽ dẫn đến một ngày tận thế bằng hạt nhân đối với hầu hết các công dân của mỗi quốc gia.
Khi kết quả là ngày tận thế, thì vụ nổ đầu tiên là của ai, sức mạnh lớn đến đâu đi chăng nữa thực sự không quan trọng.
Vậy một vũ khí mang 50-100 megaton trong kho vũ khí của Nga có giá trị gì? Mặc dù chúng không thực sự mang lại nhiều giá trị chiến lược trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, tuy nhiên, chúng lại đóng một vai trò quan trọng như là một lực lượng đáng gờm trong việc giúp nước này duy trì danh tiếng toàn cầu.
Danh tiếng đó là điều cần thiết, không chỉ đối với cách tiếp cận quyết liệt của Moscow về chính sách đối ngoại, mà còn để duy trì vị thế là nhà cung cấp vũ khí được nhiều quốc gia lựa chọn.
Thông qua hàng tá đơn hàng mua bán vũ khí hay hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, hoặc tuyên bố thường xuyên của Nga về lính robot hay thiết bị tàng hình, nước này gửi đi thông điệp rằng Moscow là nhà thiết kế và sản xuất vũ khí tiên tiến.
Nói một cách đơn giản, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga không thực sự thể hiện khả năng chiến lược, mà nhằm biểu hiện về nhận thức, khẳng định khả năng kinh tế và sức răn đe quân sự.