Hiệp định này tạo ra một thị trường bao gồm 635 triệu người tiêu dùng, chiếm 30% GDP thế giới. Đây là một hiệp định đơn thuần về thương mại bởi vì EU và Nhật Bản đã không đưa vào trong hiệp định một chương đặc thù về bảo hộ đầu tư. Hiệp định quy định giảm tổng thể thuế hải quan đối với sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Theo Ủy ban Châu Âu (EC), nông nghiệp của EU sẽ được hưởng nhiều lợi thế khi nhập khẩu vào Nhật Bản. Chẳng hạn mức thuế này sẽ là 0% đối với rượu và rượu vang (so với 15% trước đây), thịt lợn đã qua chế biến (8,5% trước đây). Thuế hải quan đối với thịt bò sẽ giảm từ 38,5% xuống còn 9% trong vòng 15 năm tới và sản phẩm bơ của châu Âu nhập vào Nhật Bản cũng sẽ không bị đánh thuế trong 15 năm tới (mức thuế trước đây là 29,8%). Tóm lại, khoảng gần 1 tỷ Euro thuế hải quan sẽ được bãi bỏ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: European Commission) |
Nhưng tiến bộ đạt được ở đây không chỉ về thuế suất, mà còn cả việc các chỉ dẫn địa lý của Châu Âu được bảo vệ với việc Nhật Bản đã công nhận 205 chỉ dẫn địa lý của châu Âu. Ngoài ra, EU cũng được Nhật Bản mở cửa thị trường trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ đường sắt mà lâu nay vẫn đóng cửa, và cả lĩnh vực bệnh viện và phân phối điện. EU tin tưởng xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ tăng 25% và tăng gấp 3 lần về xuất khẩu thực phẩm.
Về phần mình, Nhật Bản sẽ được châu Âu mở cửa thị trường cho các sản phẩm điện tử và công nghiệp xe hơi. Như vậy, với hiệp định tự do thương mại này, Nhật Bản sẽ được cạnh tranh bình đẳng với đối thủ Hàn Quốc - nước đã ký hiệp định tự do thương mại với EU và có hiệu lực từ tháng 7/2011.
Về mặt chiến lược, sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và châu Âu là một thách thức đối với Mỹ, nước hiện vẫn chưa thể ký hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản. Bằng việc đưa hàng hóa ồ ạt sang Nhật Bản, châu Âu đã giành chiến thắng trước Mỹ. Tại châu Á, ngoài hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản và Hàn Quốc, EU cũng đã ký FTA với Singapore (đang chờ phê chuẩn) và kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam (đang chờ ký và phê chuẩn).