📞

Sứ mệnh khó thành của Mỹ ở Trung Đông

21:10 | 07/04/2016
TG&VN giới thiệu bài viết của nhà báo Thomas Friedman, đăng trên tờ New York Times ngày 6/4.
Nhà báo Thomas Friedman (trái) và Giáo sư Michael Mandelbaum. (Nguồn: Bloomberg)

Tôi vừa đọc một cuốn sách mà chắc là cả hai ông Barack Obama và Donald Trump đều sẽ thích nó.

Cuốn sách này cho rằng, trong hai thập kỷ qua, chính sách đối ngoại của Mỹ đã sai lầm. Theo đó, Mỹ đã quá tự tin vào sức mạnh của mình so với các đối thủ trên thế giới, để rồi Washington liên tục vướng vào các xung đột địa chính trị. Mỹ luôn ảo tưởng rằng, sứ mệnh của họ không chỉ là bảo vệ đất nước mình, mà còn là một nhà cứu trợ, một kiến trúc sư cho sự phát triển của nhiều quốc gia khác.

Với ý tưởng này, Mỹ cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Nhưng có thể nói, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể tạo nên được nền dân chủ bền vững tại các quốc gia mà họ can thiệp. Đó cũng là lý do tại sao Tổng thống Obama và thậm chí người kế nhiệm ông cũng không hề muốn tiếp tục sứ mệnh bất khả thi này.

Dù biết như vậy, nhưng liệu nước Mỹ có thể tiếp tục theo đuổi lý tưởng xây dựng một thế giới dân chủ hay không?

Trong cuốn sách “Chúng ta đã từng như thế” (That used to be us) mà tôi vừa đọc, Giáo sư Michael Mandelbaum thuộc Đại học Johns Hopskin cho rằng, kể từ năm 1991, khi Tổng thống Bush (cha) quyết định can thiệp vào Iraq và thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ người Kurd thoát khỏi nạn diệt chủng, “các sáng kiến quốc tế của Mỹ trong hai thập kỷ tiếp theo chỉ quan tâm đến chính trị nội bộ và vấn đề kinh tế, hơn là sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia”.

Cũng theo Mandelbaum, “trọng tâm chính sách đối ngoại Mỹ chuyển từ chiến tranh (war) sang quản lý (governance), từ việc nghiên cứu các nước tiến hành chiến tranh với nhau như thế nào sang việc xem xét họ quản trị đất nước như thế nào”. Để minh chứng cho luận điểm này, ông Mandelbaum đã chỉ ra hàng loạt ví dụ như các chiến dịch của Mỹ ở Somalia, Haiti, Bosnia, Kosovo, Iraq, Afghanistan hay thái độ của Washington về chính sách nhân quyền ở Trung Quốc, tiến trình dân chủ hóa ở Nga hay đàm phán hòa bình Israel – Palestine.

Trong mỗi trường hợp, Mỹ luôn tác động đến việc quản trị nội bộ của các quốc gia khác theo hướng dân chủ, tôn trọng Hiến pháp như mô hình phương Tây. Mandelbaum nhận xét: “Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn muốn kiềm chế nước khác, nhưng sang thời hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ muốn các nước khác bị chuyển hóa, đi theo tư tưởng và chính trị phương Tây”.

Những sứ mệnh kể trên, Mandelbaum nhấn mạnh, có kết cục giống nhau là đều bị thất bại. Theo vị Giáo sư trường Johns Hopskin, tại Bosnia, Somalia, Kosovo…, Mỹ đã triển khai các chiến dịch quân sự khá thành công, nhưng những nỗ lực sau đó nhằm biến chuyển nền chính trị của những vùng đất này lại không đi đến đích như Washington mong muốn.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì các vấn đề chính trị nội bộ của nước khác chưa bao giờ nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Những biến chuyển chính trị phải xuất phát từ nội tại chính quốc gia đó, từ ý chí của các nhà lãnh đạo địa phương, mới có thể vượt qua những rào cản vốn bám rễ từ lâu.

Iraq là một ví dụ điển hình củng cố cho luận điểm của Mandelbaum. Quốc gia Trung Đông đã nhận được nhiều hỗ trợ của Mỹ, nhưng tình hình tại đây trong nhiều năm qua vẫn rất bất ổn. Thực tế này lại đặt ra thêm một câu hỏi lớn khác: Ai sẽ giữ gìn trật tự tại những khu vực hỗn loạn này?

Thời Trung Cổ, các cường quốc luôn tìm cách bành trướng và thôn tính các quốc gia nhỏ yếu hơn, như đế chế Ottoman đã từng kiểm soát Trung Đông trong 500 năm. Sau đó là đến thời của các thế lực thực dân phương Tây. Kế đến, trong vài thế kỷ qua, các nước Trung Đông đặt dưới sự điều hành của các vị vua, tướng lĩnh quân sự và các nhà độc tài.

Tình hình hiện nay đã khác rất nhiều. Các vị vua, các tướng lĩnh và các nhà độc tài không còn có thể “bóp miệng” các công dân của họ, trong bối cảnh truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ. Ngày trước, các nhà độc tài dùng lợi nhuận có được từ nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ hay viện trợ từ phương Tây để làm yên lòng dân chúng. Nhưng khi dân số tăng lên, tài nguyên dần cạn kiệt, và người dân cảm thấy bất mãn, những nhà lãnh đạo Trung Đông phải làm gì?

Giải pháp duy nhất đó là xây dựng một chính phủ tôn trọng và ủng hộ lợi ích của người dân hơn. Nếu đi theo hướng này, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước Trung Đông trong chừng mực nhất định. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, liệu có chắc là bất ổn tại đây sẽ giảm bớt và người dân khu vực này sẽ thôi tìm đường đến châu Âu và Bắc Mỹ?

Câu hỏi này chính là một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại mà vị Tổng thống Mỹ tiếp theo phải tìm cách giải quyết.

*Bài viết phản ánh quan điểm cũng như văn phong riêng của tác giả.

(lược dịch)