Nhỏ Bình thường Lớn

Sudan trước ngưỡng cửa nội chiến

Đã đến lúc các bên liên quan tìm kiếm câu trả lời trên bàn đàm phán thay vì tại chiến trường, hướng tới lập lại hòa bình tại đất nước Đông Phi này.
Làn khói dày đặc bốc lên sau các đợt giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF tại Khartoum ngày 21/4/2023. (Nguồn: Anadolu)
Làn khói dày đặc bốc lên sau các đợt giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF tại Khartoum ngày 21/4/2023. (Nguồn: Anadolu)

Bùng phát ngày 15/4, xung đột vũ trang tại Sudan giữa quân đội của Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) do Tướng Mohammed Hamdan Dagalo chỉ huy vẫn diễn biến ác liệt và chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Sau giai đoạn đầu tập trung ở thủ đô Khartoum, giao tranh đã lan rộng ra nhiều khu vực khác như Darfur, Blue Nile, Kordofan và các bang phía Bắc. Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cập nhật ngày 25/4, khoảng 460 người đã thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng chục nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa, lánh nạn tại các vùng an toàn hoặc bỏ chạy ra nước ngoài.

Tại Khartoum, người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, điện, nước, thuốc men và nhiên liệu. Mạng Internet không hoạt động, trong khi các sân bay đều đóng cửa. Nhiều đại sứ quán nước ngoài phải di tản cán bộ, nhân viên và công dân của mình về nước. Một số đại sứ quán tạm thời đóng cửa. Sudan đứng trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.

Không sai nếu coi đây là xung đột vũ trang ác liệt nhất từ khi chính quyền Tổng thống Omar Al-Bashir bị lật đổ năm 2019.

Tia lửa giữa “đồng minh”

Đây là kết quả trực tiếp của cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong giới lãnh đạo quân sự Sudan, cụ thể là giữa Tướng Al-Burhan và Tướng Hamdan Dagalo.

Trước đó, tháng 4/2019, quân đội chính quy Sudan và lực lượng RSF do hai nhân vật này lãnh đạo từng liên minh lật đổ chính quyền Tổng thống Omar Al-Bashir.

Sau đảo chính, hai bên thành lập Hội đồng tướng lĩnh lãnh đạo. Tại cơ quan này, Tướng Al-Burhan giữ chức Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan (Tổng thống), trong khi Tướng Hamdan Dagalo làm Phó Chủ tịch. Tuy nhiên, cạnh tranh quyền lực giữa lãnh đạo hai thế lực quân sự này càng trở nên gay gắt.

Tháng 12/2022, quân đội Sudan và RSF đạt được thoả thuận khung về chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp dân sự. Tuy nhiên, hai bên liên tục bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là kế hoạch sáp nhập RSF gồm 100.000 người vào quân đội chính quy Sudan, vị trí lãnh đạo lực lượng này và phân bổ ghế trong chính quyền mới. Chính những khác biệt này đã khiến hai tướng lĩnh không đạt được thỏa thuận thành lập chính quyền dân sự theo kế hoạch trước ngày 15/4, nhân dịp bốn năm lật đổ chế độ của Tổng thống Omar Al-Bashir. Đây là tia lửa châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang leo thang hiện nay.

Nỗ lực bất thành

Trước tình hình đó, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi hai bên ngừng bắn. Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ... đều lên tiếng kêu gọi các bên chấm dứt ngay các hoạt động quân sự, sớm bước vào đàm phán để giải quyết bất đồng.

Cơ quan liên chính phủ về phát triển châu Phi (IGAD) có kế hoạch cử Tổng thống ba nước Kenya, Nam Sudan và Djibouti đến Khartoum để hoà giải giữa các bên.

Với sự trung gian hoà giải của quốc tế, đến nay quân đội chính quy Sudan và RSF đã đạt được hai thoả thuận ngừng bắn tạm thời. Cuộc ngừng bắn thứ nhất kéo dài 72 tiếng đồng hồ từ 21-24/4 nhân dịp lễ Al-Fitr kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo, vốn chiếm phần lớn dân số Sudan. Lần thứ hai, kéo dài từ ngày 24-27/4, nhằm tạo điều kiện cho việc sơ tán người nước ngoài và các hoạt động nhân đạo.

Song trên thực tế, có rất ít dấu hiệu về việc các bên tham chiến sẵn sàng chấp nhận giải pháp lâu dài. Tướng Al-Burhan coi RSF là lực lượng nổi loạn và yêu cầu giải thể lực lượng này và sẽ “chỉ rời vị trí trong quan tài”. Trong khi đó, Tướng Hamdan Daglo mô tả lãnh đạo quân đội chính quy Sudan là “tội phạm”, buộc ông phải chịu trách nhiệm về sự hủy diệt của đất nước và sẽ tử thủ tại Khartoum. Theo thông tin sáng ngày 26/4, các bên vẫn giao tranh tại một số khu vực then chốt.

Giới quan sát bi quan về các sáng kiến hòa bình hiện nay. Phát biểu từ Port Sudan ngày 25/4, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Sudan Volker Perthes nhận định: “Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẵn sàng đàm phán nghiêm túc. Dường như họ đều nghĩ rằng vẫn có thể đạt được chiến thắng về quân sự”.

Đáng ngại hơn, có nhiều dấu hiệu cho thấy Sudan đang dần rơi vào nội chiến. Đầu tiên, RSF chủ yếu bao gồm người đến từ miền Tây Sudan và Darfur, trong đó phần lớn là người Hồi giáo. Họ lo rằng mình sẽ bị gạt ra bên lề xã hội và không được đại diện một khi chính quyền dân sự tại đất nước Đông Phi này thành lập.

Ngoài ra, người dân Sudan duy trì sự ủng hộ cho cả hai bên liên quan. Một bộ phận dân chúng ủng hộ quân đội, trong khi số khác lại nghiêng về phía RSF. Đồng thời, xung đột vũ trang hiện nay hoàn toàn có thể leo thang thành nội chiến kéo dài, không chỉ giữa quân đội và RSF, mà còn giữa các nhóm sắc tộc khác, vốn chiếm tới một phần ba dân số của đất nước Đông Phi. Đó là chưa kể tới sự hiện diện của lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Omar Al-Bashir vẫn nỗ lực khôi phục vai trò và ảnh hưởng qua hợp tác với một số phe nổi dậy sau năm 2019.

Bên cạnh đó, mỗi lực lượng tham chiến lại nhận được sự ủng hộ của một số nước khu vực và quốc tế. Yếu tố bên ngoài khiến xung đột phức tạp, kéo dài hơn.

Để lịch sử không lặp lại

Trong bối cảnh đó, bất đồng lâu nay giữa hai vị tướng có thể khiến Sudan một lần nữa chìm sâu vào bất ổn, chia rẽ như hệ quả từ cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm trước đây giữa hai miền Nam Bắc Sudan. Quá trình chuyển giao quyền lực từ chế độ quân quản sang chính quyền dân sự vì thế mà ngày càng mù mịt.

Tuy nhiên, điều rõ ràng hơn cả là nguyện vọng của người dân Sudan về một nền hòa bình lâu dài. Trong chiều dài lịch sử hiện đại 67 năm qua, đất nước Đông Phi với diện tích gần 1,9 triệu km2, dân số 45 triệu người (năm 2022) cùng nguồn tài nguyên phong phú bậc nhất châu lục đã nhiều lần trở thành “nạn nhân” của xung đột quân sự kéo dài. Việc thiếu vắng một nền hòa bình, ổn định để phát triển khiến Sudan luôn nằm trong danh sách các nước nghèo khó nhất châu Phi.

Tuy nhiên, trên thực tế, xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển rõ ràng không chỉ của riêng Sudan, mà là bài toán chung của tất cả các quốc gia.

Đại thi hào Mỹ Mark Twain từng nói: “Lịch sử ít bao giờ lặp lại chính xác, song nó vẫn vần vần như nhau”. Liệu các bên tại Sudan có thể hiểu được “vần điệu” ấy để cùng ngồi lại trên bàn đàm phán, phá vỡ vòng xoáy xung đột, mở ra chương mới cho đất nước này? Cuộc sống của hàng chục triệu người Sudan nói riêng và hòa bình, ổn định ở Đông Phi, châu Phi nói chung vẫn chờ đáp án cho câu hỏi ấy.

Tình hình Sudan: Thêm nước chuẩn bị sơ tán công dân, tín hiệu đình chiến xuất hiện?

Tình hình Sudan: Thêm nước chuẩn bị sơ tán công dân, tín hiệu đình chiến xuất hiện?

Ấn Độ và Mỹ đã tích cực chuẩn bị các phương án để di dời công dân khỏi Sudan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng ...

Quốc gia đầu tiên sơ tán công dân khỏi vùng chiến sự Sudan

Quốc gia đầu tiên sơ tán công dân khỏi vùng chiến sự Sudan

Tàu chở hơn 150 người, bao gồm công dâu Saudi Arabia và các nước khác từ vùng chiến sự Sudan đã cập cảng Jeddah hôm ...

Tình hình Sudan: Chiến sự 'căng như dây đàn', một loạt quốc gia hối hả sơ tán công dân

Tình hình Sudan: Chiến sự 'căng như dây đàn', một loạt quốc gia hối hả sơ tán công dân

Một loạt quốc gia như Hà Lan, Pháp, Mỹ... đã triển khai sơ tán công dân khỏi Sudan trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp ...

Châu Âu - cái nôi của Cách mạng công nghiệp 'giật mình' trước tham vọng của Mỹ và Trung Quốc

Châu Âu - cái nôi của Cách mạng công nghiệp 'giật mình' trước tham vọng của Mỹ và Trung Quốc

Khủng hoảng năng lượng và đại dịch Covid-19 đã đưa chủ đề "chủ quyền công nghiệp" của châu Âu trở lại vị trí hàng đầu, ...

Tình hình Sudan: Xung đột không thể giải quyết trên chiến trường, Tổng thư ký LHQ ra lời kêu gọi

Tình hình Sudan: Xung đột không thể giải quyết trên chiến trường, Tổng thư ký LHQ ra lời kêu gọi

Ngày 25/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các bên liên quan tuân thủ lệnh ngừng bắn trên toàn ...