.table-l-style{width:30%}
Nước cờ chiếu tướng Mỹ
Trong suốt hơn một tháng qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi nhằm thuyết phục chính quyền Tổng thống Vladimir Putin chấp nhận một thỏa thuận “ngọt ngào” trên chiến trường Syria. Theo đó, Mỹ chấp nhận đề nghị lâu nay của Nga về việc hợp tác phát động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng khủng bố ở Syria. Đổi lại, Nga và quân đội Syria phải ngừng ném bom những khu vực nằm trong quyền kiểm soát của phe nổi dậy Syria được Mỹ hậu thuẫn, đặc biệt là ở Aleppo.
Sự kiện Ngoại trưởng Mỹ đến Nga đem theo đề xuất hợp tác quân sự nói trên là động thái hoàn toàn bất ngờ, bởi trước đó chính quyền Tổng thống Barack Obama phớt lờ mọi đề xuất “phối hợp tác chiến” của Moscow. Giới phân tích tin rằng, Washington “quay ngoắt” thái độ như vậy là vì nước này cũng đang bế tắc trong con đường tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời nhận thấy vị thế quan trọng của Nga đối với tiến trình giải quyết khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống khủng bố.
Các tay súng phiến quân nổi dậy tại Aleppo được Mỹ hậu thuẫn. (Nguồn: Financial Times). |
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một lý do quan trọng nữa thúc đẩy Mỹ tìm đến Nga – đó là nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7, Ankara đang quay lưng với Mỹ và muốn khôi phục quan hệ với Moscow. Nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí được với nhau về việc đóng cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ thì rõ ràng, phe nổi dậy Syria được Mỹ hậu thuẫn sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề vì mất nguồn tiếp viện quân và vũ khí lớn từ bên ngoài.
Viễn cảnh hợp tác Nga-Mỹ trên chiến trường Syria đem lại hy vọng về khả năng sẽ có một giải pháp giúp chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài sang năm thứ sáu ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, hy vọng này đang có nguy cơ bị dập tắt bởi sự kiện Nga và chính quyền Syria thông báo mở một loạt hành lang an toàn để giải thoát cho khoảng 250.000 người dân đang bị mắc kẹt ở Aleppo – thành trì lớn và quan trọng hàng đầu của phe nổi dậy Syria.
Thông báo trên của Moscow và Damascus đã khiến Washington “giật mình” lo ngại. Sự hoài nghi sâu sắc vốn tồn tại bao lâu nay giữa Nga - Mỹ vừa được nỗ lực “ép xuống” lại được dịp nổi lên. Mỹ tin rằng, cái gọi là hành lang nhân đạo của Nga và Syria thực chất chỉ là vỏ bọc cho kế hoạch giành chiến thắng toàn diện của Moscow và Damascus trên chiến trường Syria.
Theo giới chức Mỹ, kế hoạch mở hành lang nhân đạo của Nga và Syria là để đưa dân thường ra Aleppo nhằm mở đường cho chiến dịch tiêu diệt và quét sạch phe nổi dậy ra khỏi thành phố quan trọng này. Đây là điều không thể chấp nhận đối với Mỹ. Một số nhà phân tích của Mỹ cho rằng, Tổng thống Putin một lần nữa lại thể hiện sự khôn ngoan khi tung nước cờ “chiếu tướng” Mỹ trên chiến trường Syria.
Chiêu thoát xác lợi hại
Ngoài chuyện mở hành lang an toàn, một bước ngoặt nữa đem đến sự thay đổi lớn đối với tình hình Syria nói chung cũng như toan tính riêng của Nga và Mỹ là việc Mặt trận Al-Nusra tuyên bố cắt đứt quan hệ với Al-Qaeda, đồng thời lập ra một lực lượng mới có tên gọi Jabhat Fateh Al-Sham.
Đây có thể xem là một chiêu “thoát xác” lợi hại của nhóm khủng bố. Trước nguy cơ phải đối diện với những cuộc tấn công phối hợp của cả Nga và Mỹ, Mặt trận Al-Nusra đã “trút bỏ” chiếc áo khoác khủng bố bên ngoài để biến mình thành một lực lượng mà họ gọi là “phe đối lập ôn hòa”.
Dưới cái tên Jabhat Fateh Al-Sham, nhóm từng là chân rết của Al-Qaeda này sẽ mất đi nguồn viện trợ của tổ chức mẹ nhưng đổi lại, chúng có thể sẽ tiếp nhận được nguồn tài trợ từ các lực lượng khác, thậm chí là Mỹ. Ngoài ra, có thể nhiều chiến binh sẽ đầu quân cho tổ chức Jabhat Fateh Al-Sham trong bối cảnh nhóm này đã tự xưng là nhóm đối lập ôn hòa và có một lực lượng mạnh.
Nga và Mỹ đã bị rơi vào thế bị động trước màn thoát xác của Mặt trận Al-Nusra. Hai nước định bắt tay nhau để tiêu diệt các nhóm khủng bố ở Syria, trong đó có Mặt trận Al-Nusra. Vậy mà giờ đây, Al-Nusra biến mất và thay vào đó là một tổ chức hoàn toàn mới dưới danh nghĩa phe đối lập ôn hòa, khiến Nga - Mỹ dường như mất mục tiêu tấn công. Trước đây, Nga và Mỹ đã khó khăn trong việc xác định đâu là mục tiêu khủng bố và đâu là mục tiêu đối lập ôn hòa thì bây giờ, nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, có ý kiến nghi ngờ rằng, chính Mỹ đứng đằng sau “phù phép” để biến Mặt trận Al-Nusra thành một lực lượng đối lập ôn hòa, từ đó tăng sức mạnh đáng kể cho phe đối lập ở Syria, bởi Mặt trận Al-Nusra lâu nay vốn đã là một đội quân mạnh hàng đầu trên chiến trường Trung Đông.