Ba tháng sau khi rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và các nước P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), ngày 6/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tái áp đặt cấm vận kinh tế với Iran, hiệu lực ngay lập tức, từ ngày 7/8.
Giải thích cho bước đi của mình, Tổng thống Donald Trump khẳng định sức ép về kinh tế sẽ buộc Iran phải đồng ý với thỏa thuận mới, công bằng hơn so với một JCPOA “tồi tệ và mang tính áp đặt” và từ bỏ các hành động “gây nguy hại”. Ông cũng cảnh báo rằng bất cứ cá nhân hay tổ chức nào vi phạm lệnh trừng phạt sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, nhiều khả năng lệnh trừng phạt sẽ chỉ tạo ra tình huống “cùng thua” cho cả Mỹ, Iran và Liên minh Châu Âu (EU), “dọn đường” cho Nga và Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani, mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị tại khu vực Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định tái áp đặt lệnh cấm vận Iran ngày 6/8 (Nguồn: AFP Getty Images) |
Đòn phủ đầu từ Mỹ
Theo đó, lệnh cấm vận đầu tiên ngày 7/8 sẽ áp đặt cấm vận lên Iran trong việc mua bán sử dụng đồng USD của Mỹ, trao đổi vàng và các kim loại quý hiếm, buôn bán và trao đổi các phụ tùng ô tô, máy bay thương mại cùng các bộ phận liên quan. Lệnh cấm vận thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 4/11, sẽ giới hạn sản lượng khai thác và các sản phẩm làm từ dầu mỏ của Iran. Động thái này là nhất quán với quan điểm của ông Trump về Iran, từ công khai chỉ trích Tehran trước khi đắc cử tới chính thức rút Mỹ ra khỏi JCPOA và áp đặt lại cấm vận.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối yêu cầu cho phép các nước và doanh nghiệp có thể tiếp tục giao dịch thương mại với Iran, bất chấp thực tế rằng điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích của công ty xứ sở cờ hoa. Một trong số đó là việc hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, cùng với tập đoàn Airbus, có thể đánh mất hợp đồng trị giá tới 39 tỷ USD.
Nhận định về tác động gián tiếp đến hợp tác kinh tế với Iran, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch cho rằng các biện pháp cấm vận thêm của Mỹ không ảnh hưởng quá nhiều đến hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Iran so với những lần trước. Hiện nay, một trong những vấn đề khó khăn nhất trong quá trình giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước nằm ở khâu thanh toán, khi Việt Nam chủ yếu sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế chịu sự ảnh hưởng các ngân hàng Mỹ và đồng USD. Điều này tiếp tục gây khó khăn cho hợp tác kinh tế song phương. Mặt khác, “cái khó ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt Nam có thể giao dịch với phía Iran qua phương thức bù trừ, tiến hành mua và bán sản phẩm giữa hai bên mà không thông qua hệ thống thanh toán quốc tế. Đây là một trong những đề xuất được Chính phủ gợi ý, song vẫn chưa được doanh nghiệp triển khai đồng bộ và triệt để. |
Iran “vững lòng”?
Đối mặt với “cơn thịnh nộ” từ Mỹ, song Iran dường như tỏ ra không hề nao núng. Trong phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia IRIB, Tổng thống Hassan Rouhani đã khẳng định Tehran sẽ không đàm phán với chính quyền “thiếu tin cậy” của ông Donald Trump chừng nào cấm vận vẫn bao trùm đất nước.
Đáng chú ý, ông Rouhani đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz nhằm đối phó với cấm vận xuất khẩu dầu mỏ từ phía Mỹ. Tuần trước, Tehran cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiến hành tập trận thường niên tại khu vực này “nhằm kiểm soát và đảm bảo an ninh tuyến hàng hải quốc tế tại khu vực Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, cũng như đáp trả xác đáng với mọi mối đe dọa từ kẻ thù”. Động thái này dường như đã có tác dụng tức thì, khi chỉ một ngày sau, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã có tuyên bố đáp trả, cho rằng phong tỏa Eo biển Hormuz sẽ là “sai lầm lớn nhất của Tehran” và kêu gọi nước này sớm quay lại bàn đàm phán với Washington.
Mạnh mẽ trên truyền thông là vậy, song với nền kinh tế “rệu rã” cùng rối ren trong nước, rõ ràng Iran chưa sẵn sàng để đối mặt với những trừng phạt đến từ phía Mỹ. Lạm phát đạt mức 13.7% tính tới giữa 2018 và đồng Rial đã mất giá tới hơn 50% trong quý II. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thuốc men, liên tục leo thang. Người dân Iran đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình kéo dài hàng tháng để phán đối sự trì trệ của nền kinh tế, đi kèm với nạn tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém.
Một khi đi vào triển khai, các cấm vận của Mỹ có thể khiến lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran, trị giá 36 tỷ USD hai năm trước, giảm tới 2/3 chỉ trong năm 2018. Cần nhớ rằng năm 2017, 3/4 khối lượng giao dịch thương mại trị giá 23 tỷ USD giữa EU và Iran nằm ở lĩnh vực năng lượng. Đây cũng là quân bài để Iran níu kéo sự ủng hộ của EU, Nga và Trung Quốc “về phe” bảo toàn JCPOA.
Có lẽ chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đúng khi cho rằng bằng cách triệt tiêu nguồn thu nhập từ dầu mỏ, Mỹ có thể khuất phục Iran. Tuy nhiên, ngay cả khi thành hiện thực, Washington sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ và một trong số đó là quan hệ với EU. Việc tái áp đặt cấm vận bất chấp khuyên can của EU sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín Mỹ, đặc biệt là trong quan hệ với Brussels, khi nhiều doanh nghiệp của khối là “nạn nhân” của lệnh trừng phạt.
EU nổi giận, Nga – Trung “mừng thầm”
Bên cạnh Iran, EU, với tư cách là quốc gia có khối lượng giao dịch thương mại lớn thứ hai với quốc gia Trung Đông, là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cấm vận của Mỹ. Brussels từng kỳ vọng Tehran sẽ là vùng đất hứa để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư, thúc đẩy phát triển. Song, đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ, trong cùng ngày 7/8, EU đã kích hoạt đạo luật nhằm “bảo vệ các doanh nghiệp EU giao dịch thương mại hợp pháp với Iran khỏi ảnh hưởng từ cấm vận”.
Quan trọng hơn, EU mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Iran, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí đốt đến từ Nga, tránh rủi ro về xung đột chính sách với Mỹ. Còn nhớ ngày 11/7, Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích Berlin vì có “mối quan hệ không phù hợp” khi xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt với Moscow. Tuy nhiên, hy vọng về Iran của EU đã dần đóng lại kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và quyết định cấm vận của Nhà Trắng.
Do đó, không khó để hiểu phản ứng mạnh của Brussels trước động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong một tuyên bố chung hiếm hoi thời hậu Brexit, Ngoại trưởng Anh, Pháp và Đức khẳng định rằng thỏa thuận hạt nhân đang “có tác dụng” và có vai trò “quan trọng” với an ninh toàn cầu. Tương tự, Cao ủy về các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini đã kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đồng thời tiếp tục mua dầu từ Iran, bất chấp lệnh cấm từ Mỹ, đồng thời cam kết duy trì JCPOA “vì lợi ích an ninh khu vực và trên thế giới”.
Tương tự, cả Nga và Trung Quốc đều chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ hợp tác với lệnh cấm vận đến từ phía Mỹ, với nhiều tập đoàn lớn của hai nước này, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, ở lại Iran. Theo The Wall Street Journal, Bắc Kinh tiếp tục mua dầu thô với số lượng lớn của Iran bằng Nhân dân tệ và Euro, thông qua tài khoản Ngân hàng Trung ương Iran mở tại Ngân hàng Kunlun thuộc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc. Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đảm bảo tốc độ phát triển, duy trì vị thế sống còn trong cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nga cũng không kém khi đầu tư tới 50 tỷ USD vào khai thác dầu và khí đốt của Iran thông qua công ty dầu khí Gazprom. Quan chức ngành năng lượng từ Moscow và Tehran đã có nhiều buổi gặp gỡ nhằm trao đổi chi tiết về hợp tác kinh tế. Có thể nói, bằng việc đóng vai “người bảo hộ Iran”, Moscow đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông, thông qua thắng lợi tại cả chiến trường Syria và mặt trận kinh tế.
Rõ ràng rằng, Tổng thống Donald Trump đang đi ngược lại với cái lẽ “thêm bạn bớt thù” thường thấy trong quan hệ quốc tế, khi dồn ép Iran vào chân tường, khiến mối quan hệ giữa Mỹ và EU tiếp tục căng thẳng, tạo điều kiện cho Nga cùng Trung Quốc mở rộng quan hệ hợp tác – chính trị với Tehran. Có thể nói, triển vọng về giải quyết vấn đề Iran đã xa lại càng xa.