📞

Tại sao Mỹ thất bại ở Afghanistan? (Kỳ I: Thắng nhờ... ma túy)

07:00 | 14/02/2018
Mười sáu năm tiêu tốn 1.000 tỷ USD, cuộc chiến không có hồi kết - song sự can thiệp của phương Tây đã biến Afghanistan thực sự trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ ma túy hàng đầu thế giới.

Sau cuộc chiến dài nhất trong lịch sử, Mỹ đứng bên bờ thất bại ở Afghanistan. Tại sao trong hơn 16 năm qua, một siêu cường thế giới đã triển khai hơn 100.000 quân vào thời điểm đỉnh cao của cuộc chiến, hy sinh mạng sống của gần 2.300 binh lính, tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, hơn 100 tỷ USD cho “xây dựng quốc gia”, gây quỹ và đào tạo đội quân 350.000 người… mà vẫn không thể trấn an nổi một trong những quốc gia nghèo khó nhất thế giới? Thất vọng trước bất ổn ở Afghanistan, năm 2016, Mỹ đã hủy việc rút hầu hết quân theo kế hoạch và vẫn giữ hơn 8.000 quân ở lại nước này vô thời hạn.

Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ lần đầu tiên can thiệp vào Afghanistan, ủng hộ các chiến binh Hồi giáo nhằm đẩy sự hiện diện của Liên Xô ra khỏi nước này. Liên Xô đã có mặt ở Kabul từ tháng 12/1979. 10 năm sau đó, CIA tiếp tục cung cấp cho các chiến binh Hồi giáo Mujahideen khoảng 3 tỷ USD vũ khí. Các quỹ này, cùng với việc mở rộng trồng và buôn bán ma túy, đã duy trì cuộc chiến ngầm ở Afghanistan trong suốt thập kỷ đó và buộc Liên Xô phải rút quân.

Binh lính Mỹ tuần tra trên một cánh đồng hoa anh túc ở Afghanistan. (Ảnh: The Guardian)

Thuốc phiện thống trị nền kinh tế

Mục tiêu tiếp theo của Mỹ là Taliban sau cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001. Mặc dù cuộc chiến chống Taliban liên tục được đẩy mạnh từ tháng 10/2001, nhưng các nỗ lực của Mỹ vẫn không thể xóa sổ được Taliban, chủ yếu là vì Mỹ đơn giản không thể kiểm soát được lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy của đất nước này. Trồng và sản xuất ma túy từ khoảng 180 tấn vào năm 2001 lên hơn 3.000 tấn một năm sau đó, và lên đến hơn 8.000 tấn vào năm 2007. Mỗi vụ thu hoạch thuốc phiện lại làm đầy kho bạc của Taliban, gây quỹ cho một mùa chiêu mộ chiến binh mới của tổ chức này.

Theo The Guardian, tại mỗi giai đoạn trong lịch sử Afghanistan gần 40 năm qua - cuộc chiến bí mật những năm 1980, nội chiến những năm 1990 và cuộc chiến chống khủng bố sau năm 2001 - thuốc phiện đóng vai trò trung tâm trong việc định hình số phận của đất nước này. Chính sự can thiệp của Mỹ đã biến quốc gia xa xôi và không có biển thực sự trở thành nơi sản xuất và tiêu thụ ma túy hàng đầu thế giới.

Trong những năm 1980, cuộc chiến bí mật của CIA chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan đã biến biên giới Afghanistan và Pakistan trở thành bệ phóng cho việc buôn bán ma túy toàn cầu. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1986 viết rằng, ở khu vực bộ tộc, không có lực lượng cảnh sát, không có tòa án, không có thuế quan..., thuốc phiện được trưng bày như triển lãm.

Sản xuất thuốc phiện của Afghanistan tăng từ 100 tấn mỗi năm trong những năm 1970 lên 2.000 tấn vào năm 1991. Năm 1979 và 1980, khi nỗ lực của CIA bắt đầu leo ​​thang, mạng lưới các cơ sở điều chế heroin đã được mở ra dọc biên giới Afghanistan - Pakistan. Từ năm 1984, khu vực này đã sớm trở thành nơi sản xuất heroin lớn nhất thế giới, cung cấp 60% ma túy cho thị trường Mỹ và 80% cho thị trường châu Âu. Trong khi đó tại Pakistan, số người nghiện ma tuý đã tăng từ mức gần như bằng 0 năm 1979 lên con số 5.000 người năm 1980 và 1,3 triệu người vào năm 1985 - một tỷ lệ nghiện cao đến mức Liên hợp quốc phải gọi là “đặc biệt gây sốc”.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1986, thuốc phiện “là một loại cây trồng lý tưởng ở một quốc gia bị chiến tranh tàn phá vì nó cần ít vốn đầu tư, phát triển nhanh và dễ dàng vận chuyển và buôn bán”. Hơn nữa, khí hậu của Afghanistan rất phù hợp trồng cây anh túc. Nông dân Afghanistan chuyển sang trồng thuốc phiện vì nó tạo ra “lợi nhuận cao”, có thể bù đắp tình trạng giá lương thực tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố thúc đẩy quá trình sản xuất và buôn bán thuốc phiện tại Afghianistan là “để cung cấp lương thực cho dân chúng và để mua vũ khí”.

Việc “nhắm mắt làm ngơ” để cho những cánh đồng trồng thuốc phiện ở Afghanistan không ngừng được mở rộng, giúp nước này trở thành “vương quốc ma túy” số một thế giới khiến cộng đồng quốc tế phải trả giá đắt. Theo Báo cáo thường niên của LHQ về kiểm soát ma túy, hiện khoảng 246 triệu người, chiếm 5% dân số thế giới sử dụng ma túy. Chỉ tính riêng ở các nước Tây Âu mỗi năm có khoảng 10 nghìn người chết vì sử dụng ma túy. Nguồn cung chủ yếu là từ Afghanistan, quốc gia cung cấp 90% nguồn thuốc phiện để sản xuất ma túy.

Lỗ đen không thể bịt kín?

Theo The New York Times, khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, các chiến binh Mujahideen bắt đầu thu thuế từ nông dân, trồng cây anh túc và buôn bán ma túy. Các đoàn xe mang vũ khí của CIA đến khu vực này cho quân nổi dậy thường trở về Pakistan với đầy xe thuốc phiện, đôi khi được sự đồng ý của các sĩ quan tình báo Pakistan hay Mỹ ủng hộ. Ông Charles Cogan, cựu Giám đốc CIA ở Afghanistan, đã nói thẳng về những lựa chọn của cơ quan này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 1995, ông Cogan thừa nhận: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi là gây thiệt hại cho Liên Xô càng nhiều càng tốt. Chúng tôi thực sự không có nguồn lực hay thời gian để điều tra việc buôn bán ma túy. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi cần phải xin lỗi vì điều này... Đúng là có vấn đề về ma túy. Nhưng mục tiêu chính đã được hoàn thành. Liên Xô đã rời Afghanistan”.

Về lâu dài, sự can thiệp của Mỹ đã tạo ra một lỗ đen của sự mất ổn định về địa chính trị mà sẽ không bao giờ có thể bịt kín hoặc chữa lành. Trong khi Washington lơ là Afghanistan để tập trung vào châu Phi và Vịnh Persian, một cuộc nội chiến ác liệt đã xảy ra ở Afghanistan từ năm 1979-1989, khiến 1,5 triệu người thiệt mạng, chiếm tới 10% dân số nước này vào thời điểm đó. Trong thời gian nội chiến, các lãnh chúa có vũ trang đã khuyến khích nông dân chỉ trồng thuốc phiện để đảm bảo lợi nhuận tức thời trong cuộc tranh giành quyền lực. Vì vậy, sản lượng thuốc phiện đã tăng gấp đôi trong thời kỳ này.

Đến năm 1996, sau khi chiếm Kabul và kiểm soát phần lớn đất nước, chế độ Taliban khuyến khích trồng thuốc phiện tại địa phương, đề nghị chính phủ bảo hộ buôn bán, thu thuế đối với việc thu hoạch thuốc phiện và sản xuất heroin. Các cuộc điều tra của LHQ cho thấy, trong suốt ba năm đầu tiên dưới chế độ Taliban, Afghanistan chiếm 75% sản lượng thuốc phiện thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2000, khi hạn hán tàn phá và nạn đói lan rộng khắp Afghanistan, Taliban đã đột ngột ra lệnh cấm trồng cây thuốc phiện, kêu gọi sự công nhận của quốc tế. Cuộc khảo sát 10.030 làng ở Afghanistan do LHQ tiến hành cho thấy lệnh cấm này đã làm giảm 94% lượng thu hoạch thuốc phiện. Ba tháng sau đó, Taliban đã cử một phái đoàn đến trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) để mặc cả việc cấm ma túy nhằm đạt được sự công nhận quốc tế đối với Taliban. Theo The Guardian, LHQ một mặt áp đặt những chế tài mới đối với Taliban vì đã bảo vệ trùm khủng bố Osama bin Laden, mặt khác lại viện trợ nhân đạo 43 triệu USD.

Yếu tố quyết định

Sau khi bỏ lửng Afghanistan một thập kỷ, Washington đã quay lại đất nước này sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Tháng 10/2001, Mỹ bắt đầu ném bom Afghanistan với sự hỗ trợ của quân đội Anh, khởi động một cuộc chiến do các lãnh chúa địa phương đứng đầu. Chính quyền Taliban sụp đổ với tốc độ nhanh đến mức khiến nhiều quan chức chính phủ ngạc nhiên. Nhìn lại, dường như việc cấm thuốc phiện là một yếu tố quyết định.

Có thể nói, Afghanistan đã phải mất hai thập kỷ để cống hiến nhiều nguồn tài nguyên - vốn, đất đai, nước và lao động - để sản xuất thuốc phiện và heroin. Cho đến lúc Taliban cấm trồng thuốc phiện, nông nghiệp của Afghanistan chẳng còn mấy. Buôn bán ma túy chiếm phần lớn doanh thu thuế, lợi nhuận từ xuất khẩu và cả số lượng việc làm.

Các chuyên gia nhận định, việc cấm ma túy đột ngột của Taliban là hành động tự sát kinh tế, đưa một xã hội suy yếu đến bờ vực sụp đổ. Cuộc điều tra của LHQ năm 2001 cho thấy lệnh cấm đã «làm mất thu nhập của khoảng 3,3 triệu người”, tương đương 15% dân số Afghanitstan. Trong bối cảnh này, theo LHQ, “các lực lượng phương Tây dễ dàng hơn trong việc thuyết phục dân chúng chống lại chế độ”.

Chính vì vậy, trong chưa đầy một tháng, chiến dịch ném bom của Mỹ, kết hợp với các cuộc tấn công của quân đồng minh trên mặt đất, đã phá vỡ các hệ thống phòng thủ yếu ớt của Taliban. Nhưng chiến lược dài hạn của Mỹ lại gieo những hạt giống, theo nghĩa đen, giúp Taliban phục hưng đáng kinh ngạc chỉ bốn năm sau đó.

(Xem tiếp Kỳ II, ngày...)

(Theo The Guardian)