Trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, thế giới hồi hộp chờ xem vận mệnh của nước này sẽ nằm trong tay ai, ông Macron - người theo đường lối trung dung, hay bà Le Pen - đại diện của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN). Một số người cho rằng cuộc bầu cử tại Pháp sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy và tư tưởng bài ngoại – điều đã một phần dẫn đến chiến thắng của ông Donald Trump ở Mỹ, hay lựa chọn Brexit ở Anh. Tuy nhiên, số đông lại nhận định nước Pháp, với những đặc điểm độc đáo và khác biệt, sẽ không là bản sao của hai sự kiện trên. Và đúng như vậy, ông Macron đã giành chiến thắng khá giòn giã.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng. (Nguồn: Reuters) |
Vậy tại sao phe cực hữu chưa bao giờ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, cho dù nước này dường như là mảnh đất khá màu mỡ cho cực hữu khi có tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan và số lượng lớn người nhập cư?
Thứ nhất là lý do lịch sử. Đảng cực hữu của bà Le Pen luôn thể hiện thái độ bài ngoại, nhiều lần phủ nhận Holocaust (nạn tàn sát người Do Thái thời Hitler, trước và trong Chiến tranh thế giới thứ Hai), trong khi nước Pháp lại rất dị ứng với những hành vi như thế. Pháp từng biết thế nào là cuộc sống dưới chế độ này của chính quyền Vichy - chính quyền đã hợp tác với phát xít Đức để đưa 10.000 người Do Thái vào trại tập trung. Tới giờ, đây vẫn là nỗi nhục của người Pháp.
Hơn nữa, Pháp luôn tự hào về truyền thống đi đầu thế giới trong các tư tưởng triết học tiến bộ, khai sáng nhân loại. Vì thế, bài ngoại, kỳ thị chủng tộc thường được xem là tư tưởng "kém tiến bộ" và cổ hủ. Ở nước này, có những người ngầm ủng hộ đảng cực hữu mà không dám thể hiện, cũng bởi họ tự cảm thấy xấu hổ vì ủng hộ một đảng như thế. Ngược lại, đối với nhiều cử tri Pháp, bầu cho Macron với đường lối trung dung, nhân đạo, tôn trọng sự khác biệt thì nước Pháp "mới đúng là nước Pháp".
Thứ hai là lý do kinh tế - xã hội. Nước Pháp có chế độ bảo hiểm xã hội khá tốt, với hàng loạt hỗ trợ cho người nghèo. Vì thế, cho dù phân cách giàu nghèo ở Pháp có cao, tỷ lệ này không là gì so với Mỹ và Anh, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD). Dù Pháp có áp dụng một vài chính sách kiểu "tân tự do" (neoliberal), nhưng không xóa bỏ hệ thống phúc lợi cho toàn xã hội. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra mối liên quan giữa việc vào những năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan và Thủ tướng Margaret Thatcher đưa vào các cải cách tân tự do nhất (tư nhân hóa, giảm can thiệp của nhà nước, giảm chi tiêu chính phủ, tự do hóa thương mại) tại Mỹ, Anh, và làn sóng phản đối toàn cầu hóa ở hai nước này, dẫn đến chiến thắng của ông Trump cũng như sự kiện Brexit.
Riêng vấn đề khủng bố Hồi giáo cực đoan, với nhiều người Pháp, điều này không thay đổi cái nhìn của họ với người Hồi giáo hay người nước ngoài. Thậm chí, một người Pháp có vợ bị khủng bố bắn chết tại Catalan đã tuyên bố "khủng bố sẽ không làm tôi thù ghét" (người nước ngoài).
Đúng thế, tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017, người Pháp đã chọn sự tiến bộ. Tuy nhiên, Tổng thống Macron đang đứng trước những thách thức rất lớn. Niềm tin hiện tại đặt vào ông không làm biến mất những điểm lỗi hệ thống của nền kinh tế Pháp. Ông Macron không thành công với những đường lối cải cách kinh tế của mình là điều nhiều người Pháp lo sợ nhất. Kinh tế trì trệ, lại mất đi niềm tin vào các giá trị tiến bộ, nước Pháp lúc đó sẽ càng mất phương hướng và khả năng đảng cực hữu lên nắm quyền trong lần bầu cử sắp tới sẽ cao hơn rất nhiều. Từ giờ, không chỉ nước Pháp mà cả thế giới sẽ nhìn vào Macron và những gì ông làm, như thế giới đang quan sát bản đối ngược – Tổng thống Trump ở Mỹ.