“Cha đẻ” WikiLeaks Julian Assange phát biểu từ ban công Đại sứ quán Ecuador tại Anh hôm 19/8/2012. |
Giải thích về quyết định này trước dư luận quốc tế, chính phủ Ecuador tuyên bố rằng điều đó xuất phát từ các lý do nhân đạo, vì tôn trọng nhân quyền... Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại gắn sự việc với những thay đổi diễn ra ở Ecuador trong 6 năm qua và vai trò của cá nhân ông Rafael Correa, Giáo sư kinh tế 49 tuổi, người đã trúng cử Tổng thống nước này năm 2006 bằng một chương trình tranh cử có chủ đề "chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21" với những quan điểm cánh tả tương tự như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela và Evo Morales của Bolivia.
Bảo vệ lợi ích quốc gia, hội nhập khu vực
Năm 2007, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông Correa tuyên bố sẽ không ký Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ (FTA) vì sợ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước, đồng thời cũng đề nghị Mỹ xét lại Hiệp định Bảo hộ Đầu tư đã ký trước đây với lý do có những bất lợi cho kinh tế Ecuador. Ông cũng từ chối cho Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ quân sự Manta. Năm 2008, Ecuador thông qua Hiến pháp mới trao cho Tổng thống nhiều quyền lực hơn, tăng cường vai trò kiểm soát của đất nước với các nguồn lợi dầu khí, mỏ, viễn thông, nguồn nước và công nhận các quyền của người bản địa hiện chiếm ¼ dân số.
Năm 2009, Ecuador tham gia Liên minh Bolivia các dân tộc châu Mỹ, một liên kết khu vực của các nước Mỹ Latinh theo đường lối cánh tả có tham vọng sẽ trở thành một liên minh kinh tế-thương mại với ngân hàng chung và một đồng tiền ảo chung để khỏi phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ. Năm 2010, Ecuador thông qua một đạo luật, theo đó các công ty dầu khí tư nhân chỉ được đóng vai trò cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn dầu khí nhà nước nhằm quản lý tốt hơn một lĩnh vực cung cấp đến 40% nguồn thu ngân sách quốc gia. Cho đến nay, có thể nói chính sách kinh tế của ông Correa khá thành công, tỷ lệ tăng trưởng 8% của Ecuador thuộc loại cao nhất trong khu vực, tỷ lệ người nghèo nước này đã giảm từ 47% năm 2005 xuống 29% năm 2011.
Tiên phong trong bảo vệ môi trường
Tổng thống Correa đã làm một cuộc cách mạng trong công cuộc bảo vệ môi trường khi tuyên bố trước LHQ sẽ không khai thác dầu khí tại vùng Yasuni, chiếm tới 1/5 tổng dự trữ dầu khí quốc gia để bảo vệ khu sinh quyển đặc biệt tại đây cùng với cuộc sống của những cư dân bản địa. Việc bảo vệ Yasuni và biến đây thành vườn quốc gia được các nhà bảo vệ môi trường ca ngợi như một tấm gương tiên phong cho toàn thế giới.
Một thành công khác cũng được coi như của ông Correa là việc đầu năm nay, sau 18 năm thụ lý hồ sơ, Tòa án Ecuador ra phán quyết đòi Tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron phải bồi thường 18 tỷ USD cho nước này vì đã làm ô nhiễm môi trường khu vực Amazone từ năm 1962 đến 1994. Đây còn được coi là một thắng lợi lịch sử của 30.000 người bản địa đã tham gia bên nguyên vụ kiện.
Nhiều người dự đoán vụ Assange còn sẽ tiếp tục kéo dài. Người Anh sẽ không dễ dàng để Assange rời khỏi London, còn Tổng thống Ecuador cũng sẽ không thay đổi quyết định của mình. Có người còn cho rằng ông sẽ tranh thủ sự việc này để báo chí quốc tế quan tâm hơn đến Ecuador như một quốc gia đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền và gián tiếp hậu thuẫn cho ông về mặt dư luận trong cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2013.
Hồ sơ Julian Assange Có thể nói, một trong những bê bối gây chấn động chính trường thế giới lớn nhất thời gian qua chính là việc mạng tin WikiLeaks công bố hàng trăm ngàn trang tài liệu quân sự-ngoại giao mật của Chính phủ các nước từ nhỏ đến lớn. Qua đó, Julian Assange, “cha đẻ” của WikiLeaks, đã trở thành một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất và cũng là người bị các cơ quan mật vụ thế giới truy lùng gắt gao, có lẽ chỉ sau Bin Laden. Lật lại hồ sơ, mạng tin WikiLeaks của Julian Assange có trụ sở tại Thụy Điển, đã gây sự chú ý của thế giới ngay từ lúc khởi đầu năm 2006 khi thường xuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố. Đòn tấn công đầu tiên của Assange nhằm vào châu Phi. Tháng 12/2006, trên WikiLeaks xuất hiện một tài liệu có chữ ký của thủ lĩnh Hồi giáo Hassan Dahir Aweys ra lệnh phải “trừng trị” các quan chức nhà nước Somalia. Tháng 8/2007, tờ Guardian của Anh cho đăng trên trang nhất bài viết về sự dính líu của gia đình cựu Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi đối với các mạng lưới tham nhũng tại nước này, mà nguồn gốc tài liệu trên do chính WikiLeaks cung cấp. Tiếp sau đó, Assange lại tấn công vào những bí mật của giới ngân hàng, tiết lộ nhiều tài liệu về việc ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) che giấu những khoản tiền bất minh cho khách hàng của mình ở nước ngoài, khiến ngân hàng này đệ đơn kiện đòi đóng cửa WikiLeaks. Đi xa hơn, Assange quyết định "cày xới" lĩnh vực hồ sơ mật của Mỹ, vốn được nhìn nhận là có nhiều chuyện dễ khai thác và ít có nguy cơ bị phản đòn, nếu dựa theo luật pháp nước này. Đầu tiên, Assange chỉ cho công bố những hướng dẫn nội bộ của việc bảo vệ nhà tù Guantanamo, nơi giam giữ nhiều tù nhân là nghi can khủng bố ngay trước mắt Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Nhưng những tài liệu được công bố sau đó ngày càng tác động mạnh hơn. Ví dụ, tháng 4/2010, WikiLeaks bắt đầu công bố những tài liệu mật đầu tiên của giới chức quân sự Mỹ, tung video cảnh trực thăng Apache xả súng bắn 12 dân thường, trong đó có cả 2 phóng viên Reuters của Anh tại Baghdad năm 2007. "Hồ sơ hình ảnh về Baghdad" trên chỉ trong tuần đầu tiên đăng tải đã có gần 4,8 triệu người vào WikiLeaks để xem. Kể từ đó, cứ 3 tháng một lần là hai đợt công bố tài liệu mật lớn về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq. Cụ thể, tháng 7/2010, WikiLeaks công bố hơn 92.000 trang tài liệu mật của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan và tháng 10/2010, trang mạng tiếp tục công bố 400.000 tài liệu mật về chiến tranh Iraq. Nhưng rúng động nhất vẫn là vụ WikiLeaks tiết lộ những bí mật ngoại giao của Mỹ ngày 28/11/2010. Phiên bản điện tử của tờ New York Times, là tờ báo đầu tiên công bố nội dung của những trang tài liệu mật trên. Các bức điện tín này được thu thập từ lượng điện tín khổng lồ trao đổi liên tục hằng ngày giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và 297 đại sứ quán và lãnh sự Mỹ trên toàn thế giới. Sau vụ tiết lộ 250.000 điện tín trên, WikiLeaks liên tục phải thay tên miền. Việc công bố những tài liệu mật của WikiLeaks đã gây nhiều phản ứng trái ngược. Người thì gọi Assange là “người hùng thông tin”, nhưng số khác lại cho rằng nhiều điệp viên được nhắc tới trong các tài liệu về Afghanistan có thể bị Taliban lần ra và thanh trừng. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố, Assange phải chịu trách nhiệm về những nguy hiểm có thể gây ra với mạng sống của nhiều người được nhắc tới trong các tài liệu. Tuy nhiên, nguy hiểm thực sự đến với Assange khi chính quyền Thụy Điển ngày 18/11/2010 chính thức ra trát truy nã ông ta vì tội xâm hại tình dục, trước khi Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế từ yêu cầu của Stockholm ngày 1/12 năm đó. Assange bị bắt tại Anh ngày 7/12, nhưng được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 240.000 bảng, chủ yếu do những người ủng hộ ông quyên góp. Song với lý do "vi phạm các điều kiện bảo lãnh", nên ngày 15/8, Anh đã quyết định dẫn độ Julian Assange, 41 tuổi, quốc tịch Australia sang Thụy Điển để thẩm vấn về những cáo buộc xâm hại tình dục. Reuters dẫn lời Sở Cảnh sát London nói rằng ông Assange “sẽ bị bắt” vì không đến trình diện tại địa chỉ bảo lãnh tối 20/6. Cảnh sát không thể tiếp cận Assange vì ông ở trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh và đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Ecuador với lý do bị truy bức tại nhiều nước sau khi cho công bố hàng trăm nghìn bức điện mật ngoại giao của Mỹ. Ngày 16/8, Ecuador đã chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị cho Julian Assange, trong khi bên ngoài lãnh thổ ngoại giao luôn có sự túc trực của lực lượng an ninh Anh. |
Vũ Hải - Hoàng Minh (tổng hợp từ báo chí nước ngoài)