📞

Tanzania: Trạm trung chuyển vào Đông Phi

09:08 | 08/03/2016
Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania từ năm 1965, chưa đầy một năm sau khi Nhà nước Đông Phi này được hình thành.
Dar Es Salaam - thành phố lớn nhất Tanzania.

Ngoài việc là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ ba châu Phi, Tanzania vẫn còn rất nhiều tiềm năng khác có thể phát triển.

So với các quốc gia châu Phi khác, Tanzania có tình hình chính trị khá ổn định.

Với diện tích 900 nghìn km2, dân số gần 52 triệu người, nền kinh tế Tanzania chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Đây là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sisal  (lá cây dùng để bện dây thừng và lợp nhà) khoảng 181.000 tấn/năm. Rừng cũng là một nguồn lợi lớn của Tanzania với sản lượng khai thác hàng năm hơn 30 triệu m3 gỗ. Nhận thức được thế mạnh này, trong những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động cải cách kinh tế, Chính phủ Tanzania còn thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, đặc biệt là khuyến khích phát triển kinh tế khu vực tư nhân, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư. Hiện nay, Tanzania chủ trương phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế tạo nhằm sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, đất nước này cũng đang có chính sách đặt trọng tâm vào thu hút du lịch để tận dụng lợi thế thiên nhiên hoang dã, nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

Tuy nhiên, Tanzania vẫn là quốc gia nhập siêu, chủ yếu là hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, quần áo, hóa chất, dược phẩm... Riêng về gạo, hiện nay Tanzania có nhu cầu nhập khẩu khoảng 100.000 tấn/năm. Lĩnh vực chế biến nông sản còn non trẻ. Ngành ngư nghiệp ở đây cũng là một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng kỹ thuật còn thủ công nên chưa phát huy được hết khả năng.

Chính vì vậy mà Tanzania mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Phía Tanzania cho biết sẵn sàng dành diện  tích đất canh tác nông nghiệp lớn cho Việt Nam để khai thác và hợp tác và đề nghị Việt Nam cử sang chuyên gia nông nghiệp, thuỷ lợi. Về y tế, bên cạnh hình thức trao đổi chuyên gia, Việt Nam giúp Tanzania chữa bệnh sởi, sốt rét, lao… Tanzania rất quan tâm hợp tác về chế biến thuốc Đông dược và học tập Việt Nam trong lĩnh vực y học cổ truyền. Hơn thế nữa, Tanzania rất muốn học hỏi kinh nghiệm về thực hiện chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách ưu đãi của Việt Nam nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Ngoài thúc đẩy trao đổi thương mại trực tiếp, với vị trí địa chiến lược của cả Việt Nam và Tanzania, hai quốc gia đều có thể phấn đấu trở thành các trạm trung chuyển hàng hóa vào ASEAN và khu vực Đông Phi. Với vị thế là thành viên của Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng kinh tế khu vực đông Phi (EAC), Tanzania chính là cầu nối để không chỉ Việt Nam mà còn là ASEAN tăng cường mối quan hệ hợp tác với khu vực Đông Phi, rộng hơn là châu Phi.