📞

Táo tợn như cướp biển Somalia

15:59 | 04/06/2011
Bất chấp nỗ lực của LHQ trong việc trấn áp các hoạt động của cướp biển Somalia, số lượng tàu thuyền đi lại trên tuyến hàng hải quan trọng này bị tấn công vẫn không ngừng gia tăng. Đặc biệt, gần đây các nhóm hải tặc đã mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều khu vực trên Ấn Độ Dương, biển Nam châu Phi... và tập trung tấn công các tàu thuyền lớn, kể cả tàu chở dầu một cách táo bạo, liều lĩnh hơn.
Những tên cướp biển Somalia thường được trang bị rất cơ động và đi trên những chiếc thuyền nhỏ.

Ngày 16/4, sau khi nhận được khoản tiền chuộc hàng triệu USD từ chủ tàu Interglobal (Ấn Độ), cướp biển Somalia đã "nuốt lời", chỉ trả lại tàu MV Asphalt Venture chứ không trả tự do cho 7 thủy thủ trên tàu. Đây là lần đầu tiên bọn cướp biển giữ lại con tin. Mục đích của chúng là dùng những con tin này để trao đổi với 120 tên cướp biển đang bị giam giữ trong nhà tù Ấn Độ.

Sự ra đời của cướp biển Somalia

Somalia là quốc gia nằm ở phía Đông của Châu Phi (vùng Sừng châu Phi), có bờ biển dài 3.300km và ngư trường cá ngừ rất phong phú. Kể từ khi chế độ Siad Barre sụp đổ năm 1991, đất nước Somalia lâm vào cảnh nội chiến, nạn cướp biển được hình thành.

Trong tình trạng bất ổn và chính phủ hoạt động không hiệu quả, cộng với vị trí địa lý ở Sừng châu Phi, đã tạo điều kiện cho hoạt động cướp biển phát triển bắt đầu từ những năm đầu 1990. Kể từ khi nhà nước sụp đổ, tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp trong lãnh hải Somalia hoạt động một cách công khai. Tình trạng hỗn loạn khiến hải tặc hoành hành.

Thời gian đầu, hải tặc thường làm công việc như bảo kê trên biển và hoạt động chủ yếu ở khu vực Vịnh Eden, nhưng sau khi bị hải quân quốc tế truy đuổi, những nhóm cướp biển Somalia dạt xuống phía Nam Ấn Độ Dương. Tại đây, chúng tiếp tục hoành hành ở khu vực biển thường được gọi là Lưu vực Somalia và tồn tại tới ngày nay.

Tại sao hải quân quốc tế bất lực?

Thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất mà lực lượng hải quân quốc tế gặp phải là vấn đề địa lý. Các tàu hải quân quốc tế này phải tuần tra trên một khu vực biển có diện tích tương đương với cả Tây Âu. Thông thường, họ hoạt động cách các tàu bị hải tặc Somalia tấn công vài ngày đi đường, nên mọi sự can thiệp đều quá muộn. Vì lý do này, nên hải quân quốc tế có rất ít cơ hội để có thể "bắt quả tang" cướp biển đang đổ bộ lên một chiếc tàu chở hàng. Ngay cả khi có cơ hội đó thì họ cũng không thể làm được gì nhiều, vì họ không thể tuỳ ý sử dụng hoả lực có trên tàu để tấn công hải tặc.

Hơn nữa, những tên cướp biển Somalia thường được trang bị rất cơ động. Chúng đi trên những chiếc xuồng hoặc tàu cao tốc nhỏ chỉ dài vài mét và một con tàu mẹ lớn hơn một chút, trên đó chở thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược. Nếu bị tàu hải quân quốc tế đuổi theo, chúng sẽ nhanh chóng vứt bỏ toàn bộ vũ khí hay bộ đàm vệ tinh nên hải quân không có cớ gì để bắt giữ chúng. Sau khi được thả vì không có chứng cứ, những tên cướp biển chỉ cần quay về bờ và tái trang bị những thứ đã vứt xuống biển là có thể tiếp tục ra khơi tìm những con tàu có giá trị để cướp. Mỗi lần thành công, số tiền chuộc hàng triệu USD thừa sức giúp chúng có thể trang bị lại những gì bị mất.

Thậm chí lực lượng chống hải tặc quốc tế có thể nhìn thấy các tàu bị cướp biển Somalia bắt giữ đang neo đậu ngoài khơi bờ biển quốc gia Đông Phi này. Với số súng ống và thiết bị quân sự vượt trội, họ hoàn toàn có thể tiêu diệt những tên cướp biển, nhưng sợ gây nguy hiểm cho tính mạng con tin trong tay chúng.

Nguyên nhân cốt lõi

Nhiều người có thể nghĩ rằng, người dân Somalia làm cướp biển là do lòng tham đối với số tiền chuộc hàng triệu USD. Nhưng thật ra, nguyên nhân cơ bản của vấn nạn này lại là tình trạng bạo lực, nghèo đói cùng cực đang diễn ra ở Somalia. Đối với nhiều người Somalia, đặc biệt là thanh niên thất nghiệp, những rủi ro khi dấn thân làm cướp biển không là gì so với những hiểm nguy mà họ phải đối mặt hàng ngày tại đất nước nghèo đói, bị nội chiến tàn phá này. Hình ảnh thường thấy ở Somalia là những ngôi nhà đổ nát cùng hàng dãy thuyền méo mó nằm dọc bờ biển. Nước này thường xuyên hứng chịu hạn hán trầm trọng, còn người dân phải đối mặt với nạn đói và bạo lực hàng ngày.

Người Somalia đã học cách sống trong những điều kiện mà nhiều người khác có thể từ bỏ. Đối mặt với các tai ương khủng khiếp, họ đã tạo nên những việc làm sinh lợi, hoạt động hoàn toàn trong lĩnh vực kinh tế không chính thống, xây dựng và duy trì các bệnh viện một phần bằng số tiền mà họ cướp được. Vì lý do này, những nỗ lực hiện thời nhằm chống hải tặc từ ngoài khơi chỉ là đối phó với các triệu chứng bên ngoài. Chúng không giải quyết được căn nguyên khiến những người trẻ tuổi sẵn sàng liều mạng để săn tìm tàu thuyền khắp đại dương.

Giải pháp toàn diện?

Ngày 11/4/2011, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết đặc biệt, theo đó nhất trí xem xét khẩn cấp việc thành lập các tòa án ở Somalia để xét xử cướp biển tại Somalia và ở nước khác. Nghị quyết do Colombia, Pháp, Italy, Nga, Tây Ban Nha và Ukraine soạn thảo, khẳng định cộng đồng quốc tế cần thiết phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường các nỗ lực toàn cầu chống cướp biển, đồng thời thúc giục các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là cộng đồng hàng hải quốc tế, hỗ trợ các dự án về pháp lý, xét xử và giam giữ các phần tử cướp biển không chỉ ở Somalia mà cả ở các nước trong khu vực.

HĐBA LHQ cũng đặc biệt chú trọng tới hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề bắt giữ con tin, khuyến khích các nước và các tổ chức quốc tế giúp đỡ Somalia tăng cường khả năng bảo vệ ven biển, xét xử tội phạm cướp biển theo luật mỗi nước, nhấn mạnh nhu cầu điều tra và truy tố những cá nhân và tổ chức tài trợ bất hợp pháp, lập kế hoạch, tổ chức, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ các hoạt động cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Somalia.

Bên cạnh những biện pháp quân sự pháp luật, LHQ cũng cần đưa ra những giải pháp giúp cải thiện tình trạng bất ổn tại Somalia, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Hiện nay, một số giải pháp lâu dài đang được LHQ cân nhắc bao gồm: Triển khai lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ cùng với lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) lập lại an ninh trật tự ở Somalia; Đầu tư tiền bạc, trang thiết bị giúp người dân Somalia phát triển ngành đánh bắt thủy hải sản; Tăng cường các biện pháp ngăn ngừa và trừng phạt quốc gia có hoạt động đổ chất thải độc hại xuống vùng biển gần Somalia, hủy ngoại môi trường của các loài sinh vật biển; Đảm bảo nguồn thủy sản dồi dào cho người dân… Tuy những biện pháp này có thể rất toàn diện, nhưng chắc chắn chúng không thể đem lại kết quả một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có hợp tác chặt chẽ của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước có đường giao thương hàng hải qua khu vực này và các nước láng giềng của Somalia.

N.V.D (tổng hợp)