📞

Tây Ban Nha làm Chủ tịch luân phiên EC: Đoàn kết để vững bước

Minh Vương 17:08 | 04/07/2023
Ngày 1/7, Tây Ban Nha chính thức đảm nhiệm cương vị nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu (EC) sáu tháng tới khi trong nước cũng như khu vực còn bộn bề vấn đề đặt ra...
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (hàng trên, thứ ba từ trái sang) cùng thành viên của Hội đồng châu Âu (EC) tại Madrid. (Nguồn: EFE)

Bối cảnh phức tạp

Tây Ban Nha đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EC trong bối cảnh tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến đáng chú ý.

Ở trong nước, Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử cuối tháng Bảy. Như nhà lãnh đạo này khẳng định, “đây không phải là lần đầu tiên các cuộc bầu cử diễn ra tại một quốc gia đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của EC", kể cả việc thay đổi Chính phủ trong thời gian này.

Trên thực tế, năm 2022, ông Emmanuel Macron từng đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên EC khi đang tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp. Trước đó, Czech từng chứng kiến sự xáo trộn ở cấp Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên năm 2009.

Tuy nhiên, một cuộc bầu cử và khả năng thay đổi chính phủ ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên lại là một câu chuyện khác. Ông Sanchez thậm chí đã trì hoãn việc công bố chương trình trước Nghị viện châu Âu (EP) để dồn tâm trí cho việc tranh cử. Dự kiến, nhà lãnh đạo này hoặc người kế nhiệm ông sẽ chỉ xuất hiện để nêu chi tiết nghị trình của mình trước EP vào tháng Chín tới.

Trong bối cảnh đó, các nhà ngoại giao Tây Ban Nha tại EU nhiều lần khẳng định dù kết quả bầu cử ra sao, nước Chủ tịch vẫn sẽ thực hiện các mục tiêu đề ra như dự kiến.

Theo họ, Madrid đã dành hàng tháng, thậm chí hàng năm chuẩn bị cho dịp này và đang phối hợp chặt chẽ với Brussels và Budapest, hai Chủ tịch luân phiên của khối vào năm tới. Ngoài ra, đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) của Thủ tướng Pedro Sanchez vẫn chiếm ưu thế và nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.

Tại khu vực, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Xung đột Nga-Ukraine và hệ quả nghiêm trọng của sự kiện này buộc khối phải sớm giải bài toán khó giải về an ninh, kinh tế và năng lượng.

Về cơ bản, EU vẫn duy trì sự thống nhất cơ bản về sự ủng hộ với Kiev về tài chính và quân sự, đặc biệt là trong chiến dịch phản công của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU). Song các gói viện trợ tốn kém, lập trường khác biệt của Hungary về Nga, sự thận trọng từ Đức trong viện trợ quân sự hay thái độ của khối Đông Âu/Baltic về ngũ cốc Ukraine đang ít nhiều thách thức sự thống nhất đó.

“Đây không phải là lần đầu tiên các cuộc bầu cử diễn ra tại một quốc gia đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của EC. Việc thay đổi Chính phủ (trong thời gian này) cũng từng diễn ra”. (Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez)

Ngoài ra, tìm kiếm một chính sách chung, toàn diện và hiệu quả của châu Âu với Trung Quốc cũng là một bài toán không đơn giản trong sáu tháng tới. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 30/6, một mặt, các nước thành viên đã nhất trí về cách tiếp cận “giảm thiểu rủi ro” với Bắc Kinh. Mặt khác, họ khẳng định vẫn sẽ nêu quan điểm về các vấn đề chính trị “nóng” với Trung Quốc, bao gồm kêu gọi cường quốc châu Á đóng vai trò chủ động, tích cực hơn về Ukraine.

Đó là chưa kể tới hàng loạt câu chuyện khác EU và nước Chủ tịch EC cần sớm quan tâm như khảo sát lại ngân sách giữa nhiệm kỳ 2021-2027 và đề xuất thuế mới, tăng cường thảo luận về xây dựng luật với trí tuệ nhân tạo (AI) và không gian mạng, hay đề xuất sáng kiến mới về an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, giải quyết lượng người di cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng...

Vững đối nội, chắc đối ngoại

Trong bối cảnh đó, về đối ngoại, nước Chủ tịch EC sẽ duy trì, thúc đẩy lập trường hiện nay của EU, cụ thể là về xung đột Nga-Ukraine và quan hệ với Trung Quốc.

Ngay trong ngày đầu Tây Ban Nha đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EC, Thủ tướng Pedro Sanchez đã thăm Ukraine, qua đó khẳng định ưu tiên với vấn đề này. Phát biểu tại Kiev với Tổng thống chủ nhà Volodymyr Zelensky, ông nói: “Xung đột tại Ukraine sẽ là một trong các ưu tiên cao nhất của chúng tôi trong nhiệm kỳ Chủ tịch, tập trung vào bảo đảm quan điểm thống nhất giữa các thành viên… Tây Ban Nha tái khẳng định cam kết hợp tác với Ukraine trong quá trình nước này đạt tiến triển, đáp ứng điều kiện để gia nhập EU”.

Trong khi đó, Tây Ban Nha có mối quan hệ tốt với Trung Quốc và hiện hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ. Tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Pedro Sanchez đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Do đó, Madrid sẽ tận dụng mối quan hệ tốt với Bắc Kinh để thúc đẩy cách tiếp cận “giảm thiểu rủi ro” Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đề cập cuối tháng Sáu. Ngoài ra, Tây Ban Nha có thể trở thành một trong các lực đẩy khiến Trung Quốc đóng vai trò chủ động, tích cực hơn về vấn đề Ukraine.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại Trung Quốc cuối tháng Ba. (Nguồn: Moncloa)

Về nội bộ khối, Tây Ban Nha sẽ nỗ lực triển khai một số cải tổ ở cấp độ khu vực. Nhà nghiên cứu cấp cao Federico Steinberg của Viện nghiên cứu Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha), đã vạch ra bảy đề mục lớn của Madrid bao gồm: Sửa đổi các điều khoản về tài chính công trong Hiệp ước về ổn định và phát triển; Hoàn thành dự án Liên minh ngân hàng; Số hóa đồng Euro; Đánh giá giữa kỳ về ngân sách của EU giai đoạn 2021-2027; Xây dựng luật AI; Cải tổ thị trường điện và triển khai Chỉ thị về Năng lượng tái tạo; và Mở rộng khái niệm Tự chủ chiến lược mở, tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh thông qua Thượng đỉnh giữa EU và Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) tháng Bảy tới, thậm chí là thúc đẩy hiệp định thương mại tự do (FTA) với Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur), Chile và Mexico.

Theo học giả này, mục tiêu của Tây Ban Nha tại EC trong sáu tháng tới là duy trì được động lực cải cách của khối những năm qua, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập, chuẩn bị sẵn sàng để EU có thể vững bước trước biến động và cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.