Danh sách các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. (Nguồn: Insourcing Multiplier) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã chính thức gia hạn Hiệp ước vũ khí hạt nhân New START để cắt giảm vũ khí chiến lược và tránh gây căng thẳng tình hình thế giới.
Tuy nhiên, cuộc đối đầu hạt nhân giữa hai cường quốc Mỹ và Nga đã không còn là tâm điểm của thế giới như thời Chiến tranh Lạnh khi START được ký kết, và giờ đây, chính châu Á mới là “kho thuốc nổ” với 5 trong tổng số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Học cách "sống chung" với Bắc Kinh
Những năm gần đây, cục diện châu Á thay đổi mạnh mẽ vì Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự nhanh chóng, thể hiện qua ý chí chính trị của Bắc Kinh trong việc thể hiện sức mạnh này nhằm giành lợi thế trong khu vực.
Việc gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đã làm giảm sự quan tâm tới những nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, đồng thời gửi đến chính quyền của Tổng thống Biden tín hiệu rằng: vũ khí hạt nhân chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chiến lược tổng thể và chính trị phải đi trước vấn đề kiểm soát vũ khí.
Từ năm 1964, Trung Quốc đã sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng quy mô không lớn và không ảnh hưởng nhiều đến cân bằng vũ khí Xô-Mỹ. Bắc Kinh được cho là đã tránh được cuộc chơi chung khi cả Moscow và Washington bị “trói chân” nhau bằng Hiệp ước New START.
Để tránh lọt vào vòng xoáy cân bằng hạt nhân của Hiệp ước New START, quốc gia Đông Bắc Á đã tự hạn chế kho hạt nhân bằng hàng trăm đầu đạn hạt nhân tầm thấp, thay vì hàng ngàn vũ khí hạt nhân như Nga và Mỹ.
Theo giới chuyên gia, Washington và Moscow đã dần quen với viễn cảnh Bắc Kinh cũng sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, cả 2 cường quốc trên đều muốn Trung Quốc ở trong vòng cân bằng của New START để tránh việc phổ biến vũ khí hạt nhân với các quốc gia khác.
Khuôn khổ cũ bị phá vỡ
Mỹ và Nga được cho là đang vận động những quốc gia có năng lực hạt nhân, bao gồm cả Trung Quốc, phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều đó chắc chắn sẽ khó xảy ra vì khuôn khổ cũ về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã lỗi thời.
Nguyên nhân chính cản trở tiến trình cấm phổ biến hạt nhân toàn cầu nhiều khả năng đến từ sự thay đổi trong nội bộ nước Mỹ và sự bất ổn địa chính trị ở châu Á.
Sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Mỹ cho rằng việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ tạo lòng tin và giảm thiểu căng thẳng, xung đột giữa các siêu cường đã không kéo dài được lâu.
Vào thời điểm cả Washington và Moscow chuyển từ Hiệp ước Hạn chế Vũ khí Chiến lược lần thứ nhất (SALT I được ký vào năm 1972) sang SALT-II năm 1979, nội bộ Mỹ đã có sự phân rẽ sâu sắc về việc tiếp tục ký SALT-II với Liên Xô vào năm 1979.
Thành viên của đảng Dân chủ cho rằng, việc ký hiệp ước là điều tốt, trong khi đa số thành viên của đảng Cộng hòa lại tin rằng, ký thỏa thuận sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường.
Phía Mỹ đã vẫn luôn cho rằng Nga là cường quốc hạt nhân thứ hai thế giới, và cuộc chiến với Nga (nếu diễn ra trong tương lai) sẽ xuất phát từ hành vi của Moscow và khả năng tiến hành cuộc chiến tổng thể, bao gồm chiến tranh thông thường, chiến tranh hỗn hợp và chiến tranh thông tin.
Ở chiều ngược lại, Nga nhận thấy, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là biểu tượng tối cao của cường quốc và quá trình giới hạn vũ khí là biểu hiện “ngang cơ” với Mỹ.
Trang Foreign Policy cho rằng, các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí sẽ là kênh hữu hiệu giúp duy trì quan hệ giữa Mỹ và Nga, nhưng sẽ không phải là công cụ hữu ích để “phá băng” quan hệ song phương.
Bỏ qua hay phá hủy?
Ở châu Á, sự bất ổn về địa chính trị sâu sắc luôn gay gắt, và đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự đổ vỡ khuôn khổ kiểm soát vũ khí hạt nhân kiểu cũ.
Tuỳ từng quốc gia, tuỳ từng yếu tố đặc thù mà Mỹ sẽ tính đến việc “phá hủy” hoặc bỏ qua. Trước đây, Mỹ và liên quân quốc tế đã tấn công Iraq vào năm 2003 dưới thời Saddam Hussein với lý do quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân. Với Iran, giới chức Mỹ giải quyết theo chiều hướng khác. Tầng lớp tinh hoa của xứ cờ hoa bị chia rẽ vì vấn đề hạt nhân Iran trong việc trừng phạt hay ký kết thỏa thuận nhằm giảm bớt hoặc triệt tiêu hoàn toàn năng lực hạt nhân của Tehran.
Dù có những lúc quan hệ Mỹ-Iran đứng bên bờ vực của chiến tranh, nhưng nhìn chung, các biện pháp được Washington đưa ra chỉ ở mức trừng phạt hoặc thỏa hiệp, chứ không sử dụng vũ lực để phá hủy năng lực hạt nhân như đã từng làm với Iraq.
Với trường hợp của Ấn Độ và Pakistan, vũ khí hạt nhân của 2 quốc gia này có trước khu vực Trung Đông và vì thế nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế hơn.
Nhờ những sáng kiến của cựu Tổng thống George W. Bush, quan hệ song phương Mỹ-Ấn đã được xây dựng dựa trên sự tin tưởng chính trị và hợp tác lẫn nhau. Bởi cường quốc số 1 thế giới nhận thấy khó có thể cô lập Ấn Độ về việc tiêu hủy năng lực hạt nhân.
Tuy nhiên, cách thức cựu Tổng thống Bush giải quyết đã bị Trung Quốc phản đối kịch liệt và đẩy mạnh việc ủng hộ năng lực hạt nhân cho Pakistan.
Nhìn chung, vấn đề Nam Á được Mỹ giải quyết bằng cách “bỏ qua”, thay vì dùng phương thức “phá hủy”.
Về Bán đảo Triều Tiên, đây là trường hợp chưa thành công trong việc hủy bỏ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nội bộ nước Mỹ từ lâu đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về việc áp dụng phương cách để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, bao gồm cả việc nhờ đến sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Theo đó, các cách tiếp cận chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đã được thử nghiệm. Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm đã thay đổi cách tiếp cận so với ông Obama và đã gặp mặt trực tiếp với người đồng cấp Kim Jong Un tại Singapore và Hà Nội.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chính khách nhận định, Mỹ cần đổi mới cách tiếp cận của ông Trump, thay vì tiếp tục tập trung vào giải trừ hạt nhân như dưới thời Tổng thống Obama để đạt được tiến bộ cho hòa giải liên Triều. Trong tương lai, ông Joe Biden sẽ gặp áp lực lớn nếu vẫn duy trì cách tiếp cận cũ, cụ thể là phi hạt nhân hóa rồi đến đàm phán hòa bình.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương ngày càng lớn đã gây sức ép lớn đến các đồng minh thân cận của Mỹ. Hiện nay, không có bất cứ “dây xích” nào có thể “trói” Trung Quốc tuân theo thỏa thuận, và ngay cả hiệp ước giữa Washington và Moscow cũng không làm Bắc Kinh phải lo lắng để hạn chế kho “thuốc nổ”. Lý do được đưa ra là vì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực ngày càng mờ nhạt và “việc nhà” của Washington ngày càng rối ren.
Ông Joe Biden đang chuyển những tín hiệu tích cực đến các đồng minh châu Á của mình. Những tín hiệu này nếu được biến thành các răn đe hữu hình với các hành vi của Trung Quốc trong khu vực, chứ không phải là kiểm soát vũ khí, sẽ là chìa khóa giữ ổn định hạt nhân ở châu Á. Các chuyên gia nhận định, nếu Mỹ không thể ngăn cản Trung Quốc, sẽ có thêm nhiều “kho thuốc nổ” mới được hình thành ở châu Á.
Ở bất cứ khu vực nào của châu Á, thách thức lớn nhất của Mỹ là việc xây dựng trật tự khu vực bền vững. Vấn đề hạt nhân chỉ là phần nhỏ của trật tự khu vực. Vì thế, ông Biden và chính quyền mới của Washington cần tránh việc tập trung vào giải trừ hạt nhân mà quên đi nhiệm vụ chính là làm thế nào để xây dựng cân bằng quyền lực lâu dài ở các khu vực của châu Á.