📞

Thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima: Không phải Chernobyl 2

10:41 | 23/04/2011
Trong khi các chuyên gia an toàn hạt nhân Nhật Bản đang bối rối đối phó tình hình ngày càng nghiêm trọng ở nhà máy Fukushima I, thì các dư chấn mạnh vẫn liên tiếp xảy ra, khiến không chỉ nước Nhật mà cả thế giới lo ngại. Liệu sự cố hạt nhân ở Fukushima khác gì thảm họa từng xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô) năm 1986?

Hình ảnh Nhật Bản dùng trực thăng đổ nước làm mát lò phản ứng hạt nhân Fukushima I hôm 17/3/2011 đã không khỏi khiến nhiều người liên tưởng những nỗ lực của Liên Xô từng làm với lò phản ứng Chernobyl 25 năm về trước, mà thảm họa hạt nhân khủng khiếp vẫn xảy ra.

Cùng mức báo động cao nhất

Không lo sao được khi ngày 12/4/2011, Viện An toàn Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản (NISA) đã chính thức nâng mức nghiêm trọng của sự cố hạt nhân Fukushima lên cấp độ 7, mức báo động cao nhất theo Thang sự cố phóng xạ hạt nhân quốc tế (INES). Điều này có nghĩa mức độ rò rỉ phóng xạ của nhà máy Fukushima nghiêm trọng tương đương nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Theo báo cáo năm 2005 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sự cố Chernobyl là tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử ngành điện hạt nhân, xếp mức 7 theo INES.

IAEA giải thích mức 7 trong Thang INES là để miêu tả một sự kiện "thải ra một lượng lớn chất phóng xạ có ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe và môi trường, theo đó đòi hỏi thực thi các biện pháp ngăn chặn toàn diện có kế hoạch".

Theo tính toán của INES, mức 7 tương ứng với sự phát tán vào môi trường hơn 10.000 terabecquerel phóng xạ iốt 131. Trong khi đó, NISA đo được cường độ phóng xạ iodine 131 và cesium 137 tại khu vực gần nhà máy Fukushima I ở mức 370.000 terabecquerel. Như vậy, lượng iodine 131 và cesium 137 thoát ra ước tính tới 630.000 terabecquerel.

Tuy nhiên, dù xếp Fukushima ở mức 7 và cần sự chung tay ứng phó của toàn thế giới, song IAEA vẫn cho rằng, sự cố ở Fukushima khác thảm họa Chernobyl 1986.

Nhưng khác…

- Phó Tổng giám đốc IAEA Denis Flory tuyên bố: "Tai nạn tại Fukushima và Chernobyl rất khác nhau. Lò phản ứng của nhà máy Chernobyl bị nổ, gây cháy lớn trong nhiều ngày. Sức nổ khiến các chất phóng xạ bay lên không trung, sau đó lan ra toàn Trái Đất. Trong khi đó, lò phản ứng tại Fukushima không phát nổ. Các lò phản ứng tại Chernobyl vẫn hoạt động khi sự cố xảy ra, khiến lượng phóng xạ nồng độ cao bay ra và phát tán rộng rãi, trong khi các lò phản ứng ở Fukushima đã ngừng hoạt động ngay sau thảm họa kép hôm 11/3”.

- Cục trưởng Cục phòng chống phóng xạ thuộc Viện Bảo vệ bức xạ và An toàn hạt nhân Pháp (IRNS) cũng cho rằng tuy sự cố tại Fukushima là nghiêm trọng, nhưng nó không thể sánh được với thảm họa Chernobyl. Ông này cho biết lượng phóng xạ rò rỉ ra ngoài vào thời điểm trầm trọng nhất (từ 12-21/3) chỉ bằng 1/10 so với lượng phóng xạ tại Chernobyl.

- Kỹ sư hạt nhân từng làm việc tại Chernobyl, Alexander Sich, khẳng định: "Những gì đã xảy ra với Chernobyl sẽ không thể xảy ra ở Nhật Bản. Thứ nhất, các lò phản ứng Chernobyl không có hệ thống vỏ bọc thích hợp, không có cơ cấu ngăn phun chất nhiễm xạ lên không trung, còn lò Fukushima được xây trên nền đá granite và được bao bọc bởi các lớp vỏ thép và bê tông cốt thép, giảm thiểu tác động xấu nếu nổ. Thứ hai, các lò phản ứng ở Nhật chứa các nguyên liệu chính trong những bình thép chịu áp dày từ 15-20cm, trong khi lò phản ứng Chernobyl chỉ có một lớp thép dày khoảng 2 cm bọc xung quanh 1.700 ống làm mát cao áp chứa nhiên liệu hạt nhân. Thứ ba, lò phản ứng ở Chernobyl có kích thước 11,8mx7m, lớn hơn nhiều ở Fukushima (2,5mx3,7m). Với lò lớn, người ta phải liên tục chú ý quá trình vận hành lò".

- Giáo sư Aidan Byrne ở ĐH Quốc gia Australia, nhận định: "Khi xảy ra thảm họa Chernobyl, quá trình phân hạch không được kiểm soát và nhà máy không có kế hoạch ngăn chặn thảm họa nhiều lớp như Fukushima. Trong khi đó, chính phủ Nhật đã lập tức đóng cửa lò phản ứng Fukushima và các thanh kiểm soát đã được đưa vào để kìm hãm các phản ứng phân hạch dây chuyền.

- Chuyên gia an toàn hạt nhân Nhật Bản Hidehiko Nishiyama cho biết, vụ nổ ở Chernobyl về bản chất khác vụ nổ khí hydro tại các lò phản ứng Fukushima. Tại Chernobyl, vỏ lò bị vỡ toác và nóng chảy, trong khi các vỏ lõi lò phản ứng Fukushima vẫn gần như nguyên vẹn. Hơn nữa, Chernobyl có bán kính nhiễm xạ tới 500km và một "vùng đất chết" có bán kính 30km không thể cư trú suốt 25 năm qua, trong khi dân chúng quanh Fukushima với bán kính 30km chỉ bị buộc sơ tán và vẫn có khả năng trở về nhà.

Theo ông Nishiyama, nguyên nhân khiến bức xạ từ Chernobyl khuếch tán rộng và gây ra tác động hủy diệt là do lửa carbon. Khi nổ, 1.200 tấn carbon trong lò phản ứng đã tạo ra ngọn lửa khủng khiếp, kéo các chất phóng xạ lên và khuếch tán trên bầu trời. Tuy nhiên, không có carbon trong lò phản ứng ở Fukushima, nghĩa là kể cả khi đã có phóng xạ rò rỉ từ nhà máy thì nó chỉ gây ảnh hưởng ở khu vực gần, không thể khuếch tán trên diện rộng.

“Còn quá sớm để đánh giá đầy đủ"

Đó là nhấn mạnh của ông Wolfgang Weiss, Chủ tịch Ủy ban Khoa học của LHQ về tác động của phóng xạ nguyên tử, về cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima I.

Thật vậy, Thủ tướng Nhật Naoto Kan khẳng định tình hình tại Fukushima "đang được ổn định". LHQ cho rằng quyết định nâng báo động hạt nhân lên mức cao nhất "không có nghĩa là tình hình tồi tệ hơn". Còn Mỹ nói rằng tình hình Fukushima "không thay đổi, nhưng cũng không ổn định"...

Ông Weiss cho biết dấu vết phóng xạ hạt nhân từ Fukushima được phát hiện trên khắp thế giới. Còn theo đánh giá của Hội Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản, tính đến 16/4, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, nhiên liệu hạt nhân tiếp tục rò rỉ, lượng phóng xạ ngoài môi trường tăng cao. Sự tích tụ nhiên liệu hạt nhân dưới đáy bể có thể trở thành một khối nóng chảy phá hỏng các thùng chứa, làm rò rỉ lượng lớn phóng xạ. Ngay cả khi việc xử lý sự cố suôn sẻ, ông Takashi Sawada, Phó Chủ tịch Hội, cho rằng cũng phải mất ít nhất 2-3 tháng để nhiên liệu hạt nhân ổn định, giảm rò rỉ phóng xạ.

Chưa kể một loạt dư chấn mạnh tới 7 độ Richter do Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, đang gây trở ngại cho các nỗ lực sửa chữa tại nhà máy Fukushima. Chỉ có điều, theo nhiều chuyên gia, tại Chernobyl, nhà máy đã bị nổ không có vỏ bọc thép bảo vệ lò phản ứng, trong khi ở Fukushima thì khác, lò phản ứng có vỏ bọc và các vỏ này vẫn chịu đựng được các cú sốc.

Tuy nhiên, nữ kỹ sư nhiệt động lực Natalia Mironova, người trở thành nhà hoạt động phản đối hạt nhân hàng đầu ở Nga sau thảm họa Chernobyl, phản pháo: Chernobyl ở bậc 7 và nhà máy này chỉ có 1 lò phản ứng, khủng hoảng chỉ kéo dài hai tuần. Trong khi đó, tình hình rò rỉ phóng xạ ở Nhật đã kéo dài hơn một tháng và có tới 4 lò phản ứng trong tình trạng nguy hiểm.

Cho dù nghiêm trọng, nhưng theo các chuyên gia, tình hình ở Fukushima không biến chuyển nhiều, nên trước mắt không có lý do để đánh đồng Fukushima với Chernobyl.

Viên Hòa (Tổng hợp từ Time, BBC, Kyodo, NHK)

Tai nạn tại nhà máy điện Chernobyl (1986) đã gây thảm hoạ hạt nhân lớn nhất thế giới. Sai lầm trong thiết kế và điều khiển tạo thành vụ nổ mạnh đến mức thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4, phát tán vô số chất phóng xạ. Một vùng cách ly có bán kính 30 km quanh Chernobyl là nơi nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất hành tinh. Con số thiệt hại về người đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Theo số liệu chính thức, chỉ có 31 nạn nhân chết tại chỗ, song tổ chức Hoà bình Xanh cho rằng con số này là 93.000 người.

Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa kép động đất và sóng thần hôm 11/3/2011 gây ra, tuy bị xếp ở cấp độ ngang bằng sự cố Chernobyl, nhưng mức độ rò rỉ phóng xạ chỉ bằng 1/10. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, việc Nhật Bản nâng mức độ nghiêm trọng của tai nạn hạt nhân không có nghĩa là nguy cơ sức khỏe của cộng đồng tăng lên, cũng không có nghĩa là tai nạn tại Nhật Bản tương tự như tai nạn Chernobyl.

(Theo Reuters)