📞

Thăm tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ

09:01 | 14/07/2010
Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi cuộc chạy đua vũ trang trong chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ được đẩy lên cao độ, thì Mỹ đã nghiên cứu thành công và cho ra đời chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên USS NAUTILUS (SSN 571). Sau 25 năm ngang dọc để thực hiện “chiến tranh lạnh dưới lòng biển”, tàu ngầm hạt nhân SSN 571 đã được cho“nghỉ hưu” vào năm 1986 và hiện được neo giữ trong Bảo tàng Tàu ngầm Mỹ (Submarine Force Museum) bên bờ sông Thame ở bang Connecticut.
Tác giả bên Tàu SSN 571

Sự ra đời của con tàu NAUTILUS – chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của loài người do Mỹ chế tạo dựa trên kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học và kỹ sư của Trung tâm nghiên cứu nguyên tử thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân hải quân của Ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ. Tháng 7 năm 1951, dưới sự cạnh tranh và chạy đua ngày càng khốc liệt giữa Liên Xô và Mỹ trong việc phát triển các loại vũ khí mới để giành ưu thế vượt trội trong chiến tranh Lạnh, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch nghiên cứu, thiết kế loại tàu ngầm thế hệ mới chạy bằng năng lượng hạt nhân và có thể mang nhiều tên lửa đầu tiên trên thế giới. Sự ra đời của tàu ngầm hạt nhân SSN 571 lúc đó đã làm “cán cân dưới lòng biển” nghiêng về phía Mỹ.

Năng lượng hạt nhân cộng với việc ứng dụng kỹ thuật thuỷ động lực học và thiết kế thân tàu kiểu điếu xì gà, tàu ngầm NAUTILUS đã làm nên cuộc cách mạng trong công nghệ đóng tàu ngầm của Mỹ. Tàu ngầm NAUTILUS của Mỹ lúc đó có thể di chuyển liên tục hàng tháng, dưới độ sâu hàng nghìn mét với tốc độ nhiều khi còn nhanh hơn những chiến hạm lướt trên mặt nước. Để hiện thực hóa kế hoạch bước ngoặt này, ngay trong tháng 12 năm đó (1951), Lực lượng Hải quân Mỹ đã lên một kế hoạch chi tiết và ra thông báo rằng chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước Mỹ sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 14 tháng 6 năm 1952 và sẽ mang tên là NAUTILUS.

Lễ khởi công đóng con tàu lịch sử này sẽ được đích danh Tổng thống Harry S. Truman phát động tại căn cứ Electric Boat Shipyard trên sông Thame ở hạt Groton bang Connecticut. Sau 18 tháng thực hiện một cách tuyệt mật, NAUTILUS đã được Đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc đó là Mamie Eisenhower bật sâm banh hạ thủy ngày 21/1/1954. Tám tháng sau, ngày 30/9/1954, NAUTILUS trở thành tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân của lực lượng Hải quân Mỹ và cũng là chiếc tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Vào ngày 23/7/1958, NAUTILUS được lệnh bí mật rời căn cứ Pearl Harbor ở Hawaii để tiến hành Chiến dịch "Operation Sunshine". Đây là chuyến đi xuyên Bắc cực đầu tiên được thực hiện bởi một chiếc tàu ngầm với 116 thủy thủ trên tàu mà trước đây, là một chuyến đi “bất khả thi” của lực lượng hải quân tất cả các nước. Âm thầm dưới lòng biển liên tục trong 6 năm liền, NAUTILUS tham gia nhiều phi vụ và đã đi qua khoảng 200,000 dặm (321.860 Km).

Đến tháng 1/1966, chiếc tàu lịch sử này đã đạt kỷ lục chưa từng có với 300,000 dặm lặn dưới lòng biển (khoảng 482.700 Km). Đến đầu năm 1979, NAUTILUS rời khỏi căn cứ Groton, Connecticut cho chuyến đi cuối cùng của mình đến căn cứ tàu ngầm khác của Mỹ là Mare Island ở Vallejo, California. Tàu NAUTILUS cập căn cứ này vào tháng 5/1979 – đây cũng là ngày lặn dưới đáy biển sâu cuối cùng của con tàu. Sau chuyến đi này, NAUTILUS được kéo quay trở lại nơi nó đã được hạ thủy ở Connecticut để “nghỉ hưu” vào ngày 3/3/1980 sau 25 năm âm thầm hoạt động trong lòng Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và cả Biển Bắc cực.

Với vai trò tiên phong trong thực nghiệm sử dụng năng lượng hạt nhân và việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dưới lòng biển trong suốt 25 năm, NAUTILUS đã được nước Mỹ vinh danh là biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ (National Historic Landmark) vào năm 1982. Sau đó, tháng 6/1985, NAUTILUS đã được lai dắt trở về Groton, Connecticut – nơi nó được sinh ra. Đến ngày 11/4/1986, nhân kỷ niệm 86 năm ngày lực lượng tàu ngầm Mỹ ra đời, chiếc tàu ngầm lịch sử của nước Mỹ - NAUTILUS đã được trưng bày tại Bảo tàng của Lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Connecticut cho khách du lịch mục sở thị báu vật và là niềm tự hào của lực lượng Hải quân Mỹ trong rất nhiều năm. Bảo tàng tàu ngầm Submarine Force Museum của Mỹ cũng là bảo tàng đầu tiên trên thế giới trưng bày về tàu ngầm.

Tại Bảo tàng, ngoài những chứng tích nói riêng của con tàu lịch sử NAUTILUS, chúng ta còn có thể tận mắt chứng kiến những bước phát triển rất nhanh chóng của lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Chúng ta có thể bước lên tàu như những thủy thủ oai hùng của con tàu lịch sử đã “vang bóng” một thời. Cũng tại Bảo tàng Submarine Force Museum này, chúng ta còn có thể cảm nhận được sức mạnh hiện tại và sức mạnh trong tương lai của lực lượng tàu ngầm nước Mỹ.

Đức Khải

Đoàn cán bộ trẻ Việt Nam đang theo học tại Connecticut College thăm Bảo tàng tàu ngầm ngày 12/7/2010
Người thăm quan được phát 1 thiết bị để khi đến phòng nào, nhấn vào nút tương xứng sẽ được giới thiệu về phòng đó như kiểu hướng dẫn viên du lịch.
Phòng ăn chung trên tàu
Tác giả với một cựu sỹ quan của Tàu SSN 571
Các thủy thủ trong phòng dưỡng áp
Các sỹ quan (mô hình) đang làm việc trên tàu SSN 571
Khu gường tầng của các thủy thủ tàu SSN 571

Lực lượng tàu ngầm của Mỹ hiện nay:

Số lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ đã giảm từ 102 chiếc năm 1987 xuống chỉ còn 53 trong năm 2009. Theo nghiên cứu cơ cấu lực lượng tàu ngầm của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) năm 1999 kết luận rằng số lượng tối ưu các tàu ngầm tấn công nhằm đáp ứng tất cả các yêu cầu thu thập tin tức và tác chiến của Mỹ sẽ là 68 chiếc SSN vào năm 2015 và 76 chiếc SSN vào năm 2025. Một lực lượng bao gồm 55 chiếc SSN vào năm 2015 và 62 chiếc vào năm 2025 sẽ tạo ra nguy cơ tương đối về an ninh. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm của Mỹ đang bị dàn trải. Trong khi đó, theo kế hoạch mua sắm dài hạn của Hải quân Mỹ, số lượng SSN sẽ giảm xuống chỉ còn 48 chiếc trong giai đoạn 2022 và 2033 và xuống mức thấp nhất chỉ còn 41 chiếc vào những năm 2028-2029.