📞

Thành công của EU: Châu Á học được gì?

16:05 | 31/03/2017
Châu Á có lẽ nên xem xét mô hình hội nhập rất thành công của châu Âu để phát huy tiềm năng to lớn của mình.

Vào ngày 25/3 vừa qua, các nhà lãnh đạo và chính phủ Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Rome để kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp ước Rome, khai sinh ra tiền thân của EU. Trong suốt quá trình phát triển của mình, EU đã trở thành mô hình thành công về hội nhập về thị trường trên thế giới cho nhiều khu vực khác, trong đó có châu Á.

Mô hình mẫu mực

Hội nhập về thị trường là một trong những công cụ giúp đưa châu Âu hồi sinh sau hai cuộc chiến tranh thế giới và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của khu vực này từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh sang hoà bình. Phương châm này cũng đã đưa một lục địa hoang tàn thời hậu chiến, với nhiều khác biệt về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, tới một thời kỳ ổn định về địa chính trị, mang lại sự giàu có và thịnh vượng.

Mặc dù Anh sắp rời khối, EU vẫn là mô hình thành công nhất về phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định chính trị trong lịch sử châu Âu. Ban đầu chỉ có 6 nước, số thành viên của EU lên tới con số 28, với tổng dân số hơn 500 triệu và GDP hơn 14 tỷ Euro.

Trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: CLEPA)

Hội nhập thị trường của EU bắt đầu với việc lưu thông hàng hoá tự do, dựa trên logic rằng khi càng có nhiều quốc gia giao thương và trở nên phụ thuộc lẫn nhau, thì càng ít có khả năng xảy ra chiến tranh. Thành công này đã mở rộng sang việc cho phép người dân đi lại giữa các quốc gia (khuyến khích việc đi lại, làm việc ở nước ngoài và trao đổi văn hoá), khiến các nguồn vốn và dịch vụ được lưu thông dễ dàng hơn. Các quốc gia thành viên EU được khuyến khích tham gia vào chính sách đồng tiền chung.

Mô hình lý tưởng của EU dần được hình thành, khi các quốc gia trong khối làm việc cùng nhau trong một thị trường chung và lựa chọn các chính sách chung của khu vực một cách cẩn thận.

Ban đầu, một số nước tham gia chỉ để lấp đầy khoảng trống địa chính trị mà sự sụp đổ của Liên Xô (cũ) và sự chuyển giao chế độ của siêu cường này để lại. Càng về sau, các thành viên gia nhập EU chủ yếu là vì lý do kinh tế. Ví dụ, các nước Trung Âu và Đông Âu đã được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và nền dân chủ khi gia nhập EU và các tổ chức quốc tế khác.

Không chỉ ký kết về thương mại, các nước còn cam kết thúc đẩy và đảm bảo các giá trị chia sẻ về tự do, dân chủ, nhân quyền, hoà bình, đoàn kết và sức mạnh. 

Tuy nhiên, EU không phải là liên minh hoàn hảo. Thái độ ngày càng tiêu cực đối với EU ở một số quốc gia thành viên, cũng như niềm tin vào tương lai của EU đang lung lay là một dấu hiệu cho thấy tổ chức này đang thiếu sự linh hoạt trong các quyết định và chính sách của mình.

Thủ tướng Anh Theresa May kí lá thư lịch sử đưa Anh rời khỏi EU. (Nguồn: AFP)

Nhưng nếu xét trên tổng thể, châu Á dường như có thể áp dụng kinh nghiệm của châu Âu vào việc xây dựng một mô hình kinh tế - chính trị chung ổn định.

Hội nhập ở châu Á

Châu Á là nơi có hơn một nửa dân số thế giới và phần lớn sản lượng hàng hóa của thế giới. Đây là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới, với tiềm năng kinh tế to lớn.

Cũng giống như EU và các nước thành viên, một số nước trong khu vực châu Á cảm thấy thất vọng vì sự chậm chạp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách nhất. Mặc dù điều này có thể khiến hội nhập khu vực như của EU lý tưởng, tuy nhiên việc châu Á có thể đạt được những thành tựu như vậy là rất mơ hồ.

Tình trạng của mỗi quốc gia và ý thức hệ trong khu vực, cũng như cấu trúc kinh tế, sự khác biệt về thể chế, điều kiện địa chính trị, văn hoá và lịch sử ở châu Á là rất khác nhau. Động lực để châu Á để tiến tới hội nhập lớn hơn nằm ở sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, thông qua những mạng lưới sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cờ của các nước ASEAN. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, châu Á có nhiều nhóm nước theo kinh tế - địa lý có thể dẫn đến hội nhập giống như EU, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Đông Á (EAFTA), Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện ở Đông Á (CEPEA), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Chỉ riêng những tổ chức này đã biến châu Á thành khu vực có mức độ hội nhập thứ hai, chỉ sau EU.

Các quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực để thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) như là một giải pháp thay thế cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ. Nếu trở thành hiện thực, RCEP sẽ là một khởi đầu tốt, tạo cơ sở hợp tác kinh tế, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thương mại, dịch vụ và hơn thế nữa.

Những trở ngại cho hội nhập sâu hơn

Tuy nhiên, những trở ngại đáng kể sẽ cần phải được khắc phục nếu dự án này muốn đạt được thành công của EU.

Vấn đề thứ nhất liên quan đến việc kết nối những quan điểm khác nhau, một trong những nền tảng của EU. Các nền văn hoá, chế độ chính trị, hệ thống kinh tế và niềm tin tôn giáo của châu Á khác biệt hơn nhiều so với châu Âu. Đó là chưa kể đến việc nhiều chính phủ chống lại sự thống nhất về mặt thể chế, khi họ cho rằng điều này sẽ làm suy yếu chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời vi phạm phương châm không can thiệp vào nội bộ đất nước.

Các quốc gia thành viên của hai hiệp định RCEP và TPP. (Nguồn: Bloomberg)

Trở ngại thứ hai liên quan đến việc liệu các siêu cường mong muốn nhìn thấy hội nhập ở khu vực châu Á này hay không, cũng như tổ chức hội nhập này sẽ hình thành như thế nào. Châu Á hiện nằm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt của các cường quốc khi Trung Quốc, Mỹ và Nga đều có những xung đột về lợi ích trong khu vực.

Cuối cùng, cần có một sự tương đồng giữa một số nước để cùng hiện thức hóa quyết tâm hội nhập; trong trường hợp của EU, có thể kể đến Đức và Pháp. Những quốc gia, không chỉ hiểu biết về xã hội và văn hoá, mà trên tất cả, họ chia sẻ niềm tin mạnh mẽ vào sự hội nhập của châu Âu. Vậy nước nào trong châu Á là động lực để thúc đẩy quá trình hội nhập này?

"Mỏ vàng" chờ khai thác

Quan chức các nước thành viên RCEP tại vòng đàm phán mới ở Kobe, Nhật Bản, ngày 27/2. (Nguồn: Kyodo)

Nếu châu Á có thể hội nhập theo cách riêng của mình – có thể sẽ không gắn kết chặt chẽ như EU, với ít những thể chế và chính sách chung hơn, thì tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực có thể trở thành động lực tuyệt vời để đương đầu với những thách thức lớn nhất hiện nay, cũng như là trong tương lai.

Tháng 12/2016, EU và ASEAN kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ. Cả hai khối này đều cho rằng, “hội nhập khu vực là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự ổn định về chính trị, xây dựng sự thịnh vượng về kinh tế và giải quyết những thách thức toàn cầu”. Tuy nhiên, lý tưởng này cần được thực hiện dựa trên hoàn cảnh mỗi khu vực để thành công.

(theo The Conversation)