📞

Thấy gì từ chính sách “khuấy đảo thế giới ” của Tổng thống Trump?

15:35 | 29/12/2018
Tổng thống Trump đã tạo ra sự thay đổi lớn không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới với những chuyển biến bất ngờ về chính sách đối ngoại.

Ngày 21/1/2016, Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức. Bước vào Nhà Trắng với cam kết mang đến bộ mặt mới cho nền chính trị Mỹ và theo đuổi học thuyết “Nước Mỹ trên hết”, sau hai năm, Tổng thống Donald Trump đã tạo ra sự thay đổi lớn không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới với nhiều chuyển biến bất ngờ trong chính sách đối ngoại mang đậm dấu ấn cá nhân.

Tổng thống Trump đã nhận được nhiều lời khen ngợi lẫn lời chỉ trích trong chính sách đối ngoại của ông. Trong một nỗ lực “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhiều động thái đối ngoại của ông Trump bị những người phê bình xem là làm xói mòn và gây tổn hại các trụ cột chính của hòa bình quốc tế bao gồm các thể chế, quy tắc thương mại và luật lệ quốc tế mà Mỹ và các đồng minh của nước này đã tiên phong thực hiện sau khi Thế chiến II kết thúc. 

Rút khỏi một loạt các cam kết quốc tế

Trong vòng 2 năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Thỏa thuận hạt nhân Iran. Chưa hết, ông còn mạnh miệng chỉ trích các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  cùng nhiều tổ chức lớn của thế giới như Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và gần đây nhất là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cho rằng Mỹ đang bị lợi dụng. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 vừa qua, ông nhấn mạnh: “Mỹ sẽ luôn chọn sự độc lập và hợp tác hơn là việc kiểm soát, điều hành và thống trị toàn cầu”.  

Tổng thống Donald Trump với chính sách đối ngoại nhiều tranh cãi. (Nguồn: Reuters)

Động thái của Tổng thống Trump đã khiến nhiều học giả bất bình. Vào tháng 7 vừa qua, Tờ thời báo New York đã xuất bản một tuyên bố chung của 42 học giả tại Mỹ, lên án những lời chỉ trích của ông Trump. Tuyên bố nêu rõ: “Là các học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, chúng tôi rất quan ngại về sự công kích này. Chúng ta nên cải cách nhưng không nên phá hủy hệ thống mà đã phục vụ rất tốt cho Mỹ và các đồng minh suốt nhiều thập kỷ qua. Trật tự toàn cầu chắc chắn sẽ cần những thay đổi lớn nhưng tuyệt đối không phải là những thay đổi mà ông Trump đang cố gắng thực hiện”. Theo các học giả, mặc dù Mỹ đã đóng góp nhiều sức lực và chi phí để gây dựng nên các tổ chức này nhưng Mỹ cũng được hưởng những lợi ích đáng kể.

Xa rời đồng minh

Tổng thống Trump thường khẳng định chính sách “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là nước Mỹ đi một mình. Song thực tế lại cho thấy nhiều đồng minh của Mỹ đang tỏ ra thất vọng trước những hành động của ông Trump.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 ở Canada, Tổng thống Trump đã khiến nguyên thủ của các nước thành viên còn lại thực sự choáng váng khi bất ngờ tuyên bố trên Twitter rằng Mỹ sẽ không thông qua Tuyên bố chung của hội nghị. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump còn không ngần ngại công kích các đồng minh đang lợi dụng Mỹ,  chỉ trích mạnh mẽ nhà lãnh đạo Canada - chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G7.  Và thậm chí ngay trước thềm hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế với mặt hàng thép và nhôm của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Trump cũng gây bão dư luận trong chuyến thăm Pháp để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I cùng các lãnh đạo thế giới vào tháng 11 vừa qua. Tổng thống Trump nói rằng đề xuất của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về việc châu Âu nên thành lập quân đội riêng để bảo vệ lục địa già trước Mỹ, Nga và Trung Quốc là sự xúc phạm, đồng thời tái khẳng định Châu Âu phải đóng góp đúng mức cho ngân sách quốc phòng của NATO.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh chưa có dấu hiệu cải thiện, thì ngày 19/12, Tổng thống Trump lại có một động thái gây bão khi quyết định rút hết binh sỹ khỏi Syria. Việc ông Trump cho rút lực lượng Mỹ khỏi chiến trường Syria đảo ngược chính sách trước đây của Washington, khiến giới lập pháp trong nước và đồng minh nước ngoài bất ngờ, thậm chí tức giận. Israel lâu này vẫn là đồng minh được sự ưu ái nhiều nhất của Mỹ. Nước này từng vui mừng trước việc Tổng thống Trump quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, thì nay lại hoang mang lo sợ bị “rơi vào thế cô lập”, khi phải một mình chống chọi với Iran và lực lượng Hezbollah.

Kết quả cuộc thăm dò của Gallup công bố vào đầu năm 2018 cho thấy có sự sụt giảm đáng kể tỉ lệ ủng hộ  từ bên ngoài đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Nhiều người không chấp nhận các động thái trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, đặc biệt là việc rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân của một số nước Hồi giáo.

Mềm mỏng với Nga và Triều Tiên, cứng rắn với Iran

Một trong những thành tựu ngoại giao nổi bật nhất của Tồng thống Donald Trump là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên diễn ra Singapore hồi tháng 6/2018. Trước đó vào năm 2017, Mỹ gần như đứng trên bờ vực chiến tranh với Triều Tiên khi Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ bị đáp trả bằng “lửa và sự giận dữ” nếu tiếp tục đe dọa Mỹ. Tuy nhiên những hiềm khích và lời chỉ trích đã nhường chỗ cho sự tiếp xúc ngoại giao khi các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí gặp nhau tại Singapore. Giới phân tích cho rằng, dù chưa đạt được bước tiến đáng kể trong tiến trình phi hạt nhân hóa hạt nhân Triều Tiên nhưng Tổng thống Donald Trump đã thắng lợi khi phá vỡ thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên - điều mà nhiều người tiền nhiệm của ông chưa thực hiện được. 

Cái bắt tay lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore sáng 12/6. (Nguồn: BBC)

Một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, lại có một sự kiện ngoại giao khác khiến thế giới đổ dồn sự chú ý đó là cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Tổng thống Nga Putin tại Helsinki, nơi Trump công khai chấp nhận tuyên bố của Putin rằng Nga không can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tiếp đến, chính quyền ông Trump liên tiếp có các động thái nhượng bộ Nga như nới lỏng trừng phạt đối với RUSAL, tập đoàn nhôm khổng lồ của Nga. Ông Thomas Wright, giám đốc Trumg tâm nghiên cứu Mỹ và Châu Âu tại Viện Brookings nhận định, hành động của Tổng thống Donald Trump phát đi tín hiệu cho thấy ông Trump muốn theo đuổi một chính sách thân thiện hơn với Nga, trái ngược với nhiều nhân vật trong chính quyền của ông. 

Thái độ này khác xa so với thái độ cứng rắn của ông Trump với Iran. Vào tháng 5/2018, ông Trump đã thực hiện một trong những cam kết chiến lược trong chiến dịch tranh cử, đó là rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu tổng thống Obama đặt bút ký năm 2015. Quyết định của ông đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số cố vấn cấp cao và của nhiều lãnh đạo các nước đồng minh như Pháp và Đức. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump tiếp tục tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Iran. 

Xoáy sâu vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong thời gian qua. Cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên nhiều chiến tuyến. 

Chiến tuyến thứ nhất là chiến tranh thương mại. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung với việc áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Leo thang căng thẳng tiếp tục lan sang lĩnh vực quân sự khi ngày 21/9, Nhà Trắng đột nhiên tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy trung ương Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này với cáo buộc vi phạm luật pháp của Mỹ khi tiến hành giao dịch mua khí tài quân sự của Nga. Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump còn cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngay giữa phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. 

Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc bắt đầu với thuế quan trị giá 34 tỷ Mỹ kim của hàng hóa Trung Quốc. (Nguồn: Tibet Express)

Chỉ vài ngày sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận 90 ngày hòa hoãn trong cuộc chiến thương mại thì giới đầu tư lại đón nhận một tin vô cùng  sốc là việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc tập đoàn này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Huawei là tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và đã vươn tầm ảnh hưởng tới cả khu vực Châu Âu lẫn Châu Á. Vụ việc này được coi là “cú đòn” giáng mạnh vào vào tham vọng “Made in China 2025” mà Bắc Kinh đang theo đuổi. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trên cả mặt trận thương mại, quân sự và ngoại giao cho thấy Mỹ hiện giờ đã xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của nước này và “kìm hãm giấc mơ Trung Hoa” đang trở thành mục tiêu hàng đầu của ông Trump. Có lẽ chưa một nơi nào trên thế giới lại khiến ông Trump “hao tâm tổn trí” nhiều như Trung Quốc.

2019- năm khó khăn 

Bước sang năm 2019 sẽ có nhiều khó khăn đã đặt ra trước mặt ông Trump. Khó khăn lớn nhất đối với ông có lẽ là sự tác động của phe Dân chủ đối với các quyết sách của chính quyền khi phe này bắt đầu kiểm soát Hạ viện từ tháng 1/2019. Giới phân tích cho rằng, định hướng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ phải điều chỉnh ít nhiều do ảnh hưởng của phe Dân chủ và do có sự thay đổi các vị trí lãnh đạo phụ trách chính sách đối ngoại tại Quốc hội. 

Năm 2019 sẽ là một năm khó khăn đối với ông Donald Trump.

Sức ép của Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, Châu Á trong các vấn đề như san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng, giảm thâm hụt thương mại… nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương có hy vọng được cải thiện. Ngoài ra, do tác động của phe Dân chủ, Mỹ sẽ cứng rắn hơn đối với Nga, Saudi Arabia và Triều Tiên. Tuy nhiên nếu Tổng thống Trump vẫn khăng khăng giữ nguyên lập trường hoặc lưỡng đảng trong Quốc hội không đạt được sự thỏa hiệp trong vấn đề chính sách đối ngoại thì chính trường Mỹ sẽ bước vào thời kỳ bế tắc mới.

(theo VOV)