Nhỏ Bình thường Lớn

Thế kỷ XXI: Thời của phương Đông

Thế giới trong thế kỷ XXI đã dần chuyển dịch trọng tâm từ Tây sang Đông, không chỉ bởi những bất ổn của phương Tây mà còn là sự hồi sinh của châu Á.

Bài viết “Châu Á trong thế kỷ XXI: Sự điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh cân bằng quyền lực thay đổi” được đăng tải mới đây trên trang mạng của Hội đồng Carnegie (Mỹ) đã phân tích những thay đổi căn bản trong cân bằng quyền lực trên thế giới cũng như sự phát triển có tính tất yếu của phương Đông trong thế kỷ mới.

the ky xxi thoi cua phuong dong
Trong những thập kỷ gần đây, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc luôn đạt mức hơn 9%.

Nước Mỹ trước liên minh Nga - Trung

Vị trí thống trị thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua của các nước phương Tây dường như đã quá rõ ràng và nước Mỹ vẫn giữ vững vị trí lãnh đạo khi nói đến kinh tế và tầm ảnh hưởng. Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), GDP năm 2014 của Mỹ đứng đầu thế giới với 17,4 nghìn tỷ USD – gấp ba lần GDP của quốc gia thứ ba là Nhật Bản với 4,6 nghìn tỷ USD. Sự chênh lệch trở nên rõ rệt hơn khi các quốc gia hé lộ con số chi tiêu quân sự. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2015 là 577 triệu USD – gần gấp bốn lần nước đứng thứ hai là Trung Quốc với 145 triệu USD.  Chưa kể, Mỹ vẫn được coi như là điểm đến lý tưởng cho những người di cư với nền văn hóa đa dạng, phong cách sống thoải mái và vô số các trường đại học danh tiếng.

Tuy nhiên, vị thế của Mỹ trong một số lĩnh vực đã giảm từ giữa thế kỷ trước. Tỉ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đã giảm từ khoảng 20% vào năm 2005 xuống còn khoảng 18% trong năm 2015. Vị trí dẫn đầu về cải tiến công nghệ của người Mỹ trong nhiều thập kỷ đã bị Trung Quốc đe dọa khi Bắc Kinh sở hữu gần một phần ba số bằng sáng chế trên toàn thế giới còn Washington chỉ xếp thứ hai với 22%.

Điều không thể phủ nhận là chưa có quốc gia nào có thể vượt qua vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong một thập niên qua. Trung Quốc, mặc dù là một cường quốc đang lớn mạnh nhưng vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp Mỹ. Chặng đường ấy đầy trở ngại như dân số già đi, chênh lệch nhịp độ giữa một nền kinh tế và xã hội năng động với một hệ thống chính trị cứng nhắc, thiếu nước trầm trọng, và hệ quả tiêu cực của ô nhiễm môi trường ở khắp nơi – cái giá phải trả cho phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng sẽ buộc phải từ bỏ chiến lược tăng trưởng dựa vào tăng lao động và vốn sang áp dụng chính sách dựa trên sáng tạo. Nhiều chuyên gia dự đoán GDP Trung Quốc sẽ có giá trị lớn nhất thế giới trong một thập kỷ tới hoặc sớm hơn nhưng bình quân đầu người thì vẫn thuộc nước có thu nhập trung bình.

Các nền kinh tế năng động khác như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc thiếu những đối tác tương xứng, đây là một thực tế không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Mối quan hệ “đối tác chiến lược” Nga-Trung là mối quan hệ quan trọng, nhưng Nga lại đang phải đối mặt với một số vấn đề như nền kinh tế gắn với giá năng lượng, dân số già hóa và khủng hoảng y tế cộng đồng đang làm kiệt quệ nhân lực của nước Nga. Hơn thế nữa, theo như ý kiến được nêu ra trong “Chiến lược Nga 2020” được đề ra năm 2012, Nga cũng không mong viễn cảnh trở thành nước hỗ trợ Bắc Kinh trên chặng đường trở thành bá quyền kinh tế. Thêm vào đó, Trung Quốc đang cạnh tranh vị trí chiến lược của Nga tại Trung Á. Kể từ năm 1992, sự hiện diện của kinh tế Trung Quốc trong vùng lãnh thổ có lịch sử lâu dài thuộc Nga này đã tăng lên nhanh chóng và thay đổi ảnh hưởng chính trị ở đây. Về lâu dài, sự thay đổi nhỏ này có thể lan sang vùng Viễn Đông Nga. Nga thấy rõ sự bất lợi của mình về giao thoa địa lý và nhân khẩu học ở đây. Đương nhiên, cho dù là đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga vẫn luôn cẩn trọng trong việc bảo vệ biên giới phía Đông của mình – điều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến liên minh này.

Sự hồi sinh của châu Á

Mỹ và phương Tây, nói chung, đã luân phiên thống trị thế giới, nhưng nhìn từ góc độ lịch sử, chỉ đến thế kỷ thứ XV khoảng cách giữa phương Tây và các khu vực còn lại mới bắt đầu gia tăng đáng kể với cuộc Cách mạng Công nghiệp là một nhân tố gia tốc quan trọng. Nhiều thế kỷ trước đó, các trung tâm văn hóa huy hoàng, sự giàu có và các thành tựu khoa học, kỹ thuật đều nằm ở châu Á. Vị thế của châu Á có thể bị suy giảm nhưng, từ năm 1980, châu lục này đã bắt đầu trở lại. Sự hồi sinh dần dần của Trung Quốc, cùng với các quốc gia khác ở Nam và Đông Á, đưa lại những thay đổi đáng kể nhất trong trật tự thế giới từ những năm 1980. Sự hồi sinh của Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương thể hiện qua sự đóng góp đáng kể của họ vào sản lượng, thương mại và đầu tư toàn cầu, không phải qua sự suy yếu gần đây của nền kinh tế – chính trị phương Tây. Tuy nhiên, xu thế này – sự thay đổi vị thế của châu Á – sẽ có những hệ quả chính trị và quân sự đáng kể, kể cả khi không xảy ra sự sụp đổ của trật tự thế giới mà phương Tây là trung tâm như bấy lâu nay.

Mỹ và phương Tây, nói chung, đã luân phiên thống trị thế giới, nhưng nhìn từ góc độ lịch sử, chỉ đến thế kỷ thứ XV khoảng cách giữa phương Tây và các khu vực còn lại mới bắt đầu gia tăng đáng kể với cuộc Cách mạng Công nghiệp là một nhân tố gia tốc quan trọng. Nhiều thế kỷ trước đó, các trung tâm văn hóa huy hoàng, sự giàu có và các thành tựu khoa học, kỹ thuật đều nằm ở châu Á.

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc từ cuộc cách mạng năm 1978 của Đặng Tiểu Bình đã làm xói mòn lợi thế của Mỹ đã có ở Đông Á hơn nửa thế kỷ qua, và xu thế này sẽ tiếp tục trừ phi Trung Quốc trải qua khủng hoảng kinh tế kéo dài hoặc biến động chính trị sâu sắc. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đáng được nhắc đến ở đây. Từ năm 1978, tăng trưởng kinh tế thường niên của Trung Quốc luôn đạt mức trung bình 9%, kết quả là giá trị nền kinh tế tăng gấp 48 lần. GDP của Trung Quốc đạt 168 tỉ USD vào năm 1979, giờ đã là hơn 10 nghìn tỉ USD. Năm 1980, Trung Quốc chỉ chiếm 4% sản xuất kinh tế toàn cầu, Mỹ là 22%; tỉ lệ này hiện nay là 16,3% và 16,1%. Năm 2006, Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của 127 quốc gia, Trung Quốc là của 70 quốc gia; vào năm 2012, các con số đã bị đảo ngược: Trung Quốc 124, Mỹ 76. Năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia thương mại hàng đầu thế giới – với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 4,2 nghìn tỉ USD so với 3,8 nghìn tỉ USD của Washington. Đặc biệt là khi Mỹ có số nợ công đáng kinh ngạc (gần 18 nghìn tỉ USD) và thâm hụt ngân sách liên tục (483 tỉ USD vào năm 2014) còn Trung Quốc trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (3,5 nghìn tỉ USD vào năm 2015) và nắm giữ 1,3 nghìn tỉ USD (tương đương với 8%) tổng số nợ của Mỹ. Như đã nói ở trên, ngân sách quốc phòng của Mỹ vượt xa Trung Quốc, nhưng khoảng cách đang thu hẹp lại, mặc dù chậm. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang không chỉ trở thành lớn thứ hai thế giới, mà còn gấp đôi của Nga, nước đứng thứ ba. Và vì nền kinh tế của Trung Quốc trở nên lớn hơn, Bắc Kinh sẽ dễ dàng tăng chi tiêu quốc phòng.

Vào đầu những năm 1990, một gã khổng lồ khác của châu Á - Ấn Độ, quốc gia sẵn sàng vượt qua Trung Quốc về số dân, nay đã thức tỉnh sau giấc ngủ dài 25 năm và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vì tốc độ mở rộng nền kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại vào năm 2014, New Dehli đã đuổi kịp Bắc Kinh với mức tăng trưởng 7,4%. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tỉ lệ đáng kể người dân sống trong nghèo khổ, cơ sở vật chất tồi tệ và hệ thống trường học không phù hợp với thế kỉ XXI. Nhưng những nguồn lực kinh tế của nước này vẫn đang gia tăng. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Ấn Độ dẫn đến sự tăng cường sức mạnh quân sự của cường quốc Nam Á này. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đạt 38 tỉ USD, xếp thứ chín thế giới trong năm 2015 với lực lượng vũ trang rất chuyên nghiệp và khả năng phô diễn sức mạnh đang gia tăng, mặc dù còn chậm.

Sự hồi sinh của châu Á còn cần nhiều điều hơn là “phong độ” của Ấn Độ và Trung Quốc. Có thể nói đến sự nổi lên trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc là những sức mạnh kinh tế của toàn cầu và những thành công của Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Kết quả là sự thay đổi sức hút kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, với việc phương Đông chiếm 30% GDP toàn cầu vào năm 2015, tương ứng với phần của Mỹ sau Thế chiến II.

Minh Tuấn (lược dịch)