📞

Theo dấu chân Che Guevara

14:00 | 15/10/2017
"Tôi không biết sứ mệnh của mình là gì nhưng biết rằng, tôi sẽ luôn đi theo tiếng gọi của những con đường và đứng về phía những người bị bất công…"

"Tôi sẽ vượt lên trên những lời nói giả dối, chủ nghĩa giáo điều, cầm lấy vũ khí, vượt ra khỏi qui ước và những lối mòn, những rào cản và tiến lên… Tôi có thể sẽ chết trong một cuộc đấu tranh chân chính, mang lại công bằng và bình đẳng cho con người..."

Che Guevara, tên thật là Ernesto Guevara de la Serna, đã viết như vậy trong cuốn Nhật ký hành trình xuyên châu Mỹ Latin bằng xe gắn máy cùng người bạn thân Alberto Granado. Chuyến đi, bắt đầu từ tháng 12/1951, đã ảnh hưởng sâu sắc đến chàng trai 23 tuổi Ernesto, khiến anh từ bỏ cuộc sống tiện nghi cùng danh vọng của một bác sĩ, quyết tâm đem cả sinh mệnh của mình đấu tranh cho tự do, cho quyền được sống bình đẳng và ấm no của những người dân bị áp bức trên thế giới.

Anh hùng Che Guevara. ((Nguồn: Sputnik)

Sau nhiều tháng rong ruổi qua các quốc gia Mỹ Latin trên chiếc xe máy cũ La Poderosa II 500 phân khối, Ernesto trở về Argentina để hoàn thành chương trình đại học. Tháng 7/1953, chàng trai trẻ tiếp tục hành trình Mỹ Latin. Hai năm sau tại Mexico, Ernesto gặp anh em Fidel Castro và Raul Castro - những thủ lĩnh của Phong trào 26/7 nhằm lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista ở Cuba. Lúc này, ngọn lửa cách mạng trong Ernesto thực sự bùng cháy, anh tham gia vào kế hoạch vũ trang này cùng Fidel Castro. Cũng bắt đầu từ đây, Ernesto Guevara có bí danh “Che”, cách gọi thân mật của Người du kích anh hùng. Tháng 11/1956, dưới sự chỉ huy của Fidel, Che cùng với 82 chiến sĩ, trên con tàu Granma vượt biển Caribbean đổ bộ lên đất liền Cuba và tiến hành cách mạng. Sau hơn hai năm gây dựng lực lượng tại vùng núi Sierra Maestra, Đông Nam Cuba và thực hiện chiến tranh du kích, ngày 1/1/1959, đội quân cách mạng hoàn thành sứ mệnh, lật đổ chế độ độc tài Batista, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây bán cầu.

Tổ quốc hay là chết!

Che Guevara sinh ngày 14/6/1928 tại Rosario, miền Trung Argentina, trong một gia đình khá giả. Ông bị quân đội Bolivia hành quyết chiều ngày 9/10/1967, chỉ một ngày sau khi bị bắt.

Ngay sau khi cách mạng thành công, chính quyền mới đã trao quốc tịch Cuba cho Che Guevara. Ông cũng được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Công nghiệp, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia… Tuy nhiên, tháng 1/1965, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn Mỹ Latin và châu Phi khỏi gông cùm của chủ nghĩa đế quốc, Che tự nguyện từ bỏ mọi chức vụ, rời Cuba và đến Congo làm nghĩa vụ quốc tế. Trong lá thư từ biệt nổi tiếng gửi Fidel và nhân dân Cuba, Che viết: "Những miền đất khác trên thế giới đang đòi hỏi sức lực khiêm tốn của tôi... Trên những chiến trường khác, tôi sẽ mang theo niềm tin mà anh đã vun đắp cho tôi, mang theo tinh thần cách mạng của nhân dân tôi, mang theo ý chí thực hiện nghĩa vụ quan trọng nhất: chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc ở bất kỳ nơi nào... Hẹn ngày toàn thắng. Tổ quốc hay là chết!".

Năm 1966, từ châu Phi, Che bí mật trở về châu Mỹ, bắt đầu phong trào du kích mới với ý định tạo ra “hai, ba, nhiều Việt Nam” ở Mỹ Latin. Ông chọn Bolivia để thực hiện lý tưởng của mình. Suốt 11 tháng nỗ lực thắp sáng ngọn lửa cách mạng tại quốc gia Nam Mỹ này, ông đã sống và chiến đấu trong những điều kiện khổ cực nhất, bị thương và bị hành quyết vào chiều ngày 9/10/1967, chỉ một ngày sau khi bị bắt. Những lời nói cuối cùng của ông: "Cứ bắn đi, đồ hèn, các người đang sửa soạn giết một con người mà thôi" - và hình ảnh ông nằm bất động, đôi mắt vẫn mở to - gây xúc động mạnh với hàng triệu triệu người.

Cái chết hóa thành bất tử

Vụ bắt giữ Che do quân đội Bolivia thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Theo The Guardian (Anh), cựu điệp viên CIA Felix Rodriguez, một người Mỹ gốc Cuba đóng giả là sĩ quan quân đội Bolivia, tiết lộ ông ta nhận được bức điện báo với mật mã đơn giản: "500 - 600”.  Trước đó, trong chiến dịch truy lùng và vây bắt Che, chính quyền quân đội Bolivia đã thông báo ba mật lệnh: 500 - Che Guevara, 600 - giết, 700 - để cho sống. Tướng về hưu Gary Prado Salmon, người tham gia bắt giữ Che, thì cho biết chính Tổng thống Bolivia khi đó là Réne Barrientos đã muốn hành quyết Che sớm để hình ảnh của nhà cách mạng gốc Argentina không còn lan tỏa khắp thế giới nữa. Nhưng ông ta đã nhầm. Quyết định hành quyết Che ở tuổi 39 tại Vallegrande (Bolivia) chỉ làm tăng thêm tầm vóc một huyền thoại.        

Trong lòng người dân Cuba, Che Guevara là một anh hùng. (Nguồn: Foxnews)

Trong cuốn tiểu sử Cái chết của nhà cách mạng: Nhiệm vụ cuối cùng của Che Guevara, tác giả Richard Harris cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Walt Whitman Rostow coi mệnh lệnh giết Che Guevara là "ngu ngốc". Ngày 12/10/1967, Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo có tựa đề Cái chết của Guevara và ý nghĩa với Mỹ Latin, trong đó mô tả Che Guevara là "chiến thuật gia tiên phong của chiến lược cách mạng Cuba", người "sẽ được tôn vinh như nhà cách mạng mẫu mực có cái chết anh hùng". Lời dự đoán ấy đã thành sự thật!

"Tại sao họ cho rằng việc hành quyết có thể chấm dứt sự tồn tại của người chiến sĩ này? Đến hôm nay, hình ảnh của ông ấy hiện diện khắp nơi, tại bất cứ nơi nào mà công lý cần được bảo vệ", Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã nói như vậy khi hài cốt của Che Guevara được tìm thấy ở thị trấn Vallegrande và đưa về an táng tại Đài tưởng niệm chiến tranh ở Santa Clara (Cuba) năm 1997. Thực tế, cho đến ngày nay, hình ảnh của người chiến sĩ cách mạng quốc tế không ngừng lan tỏa, vẫn được nhắc đến trong hàng trăm ca khúc, trong những bộ phim… tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Hình ảnh Che với đôi mắt cương nghị, mái tóc dày, râu quai nón đặc trưng của những người du kích và chiếc mũ nồi đính ngôi sao vẫn xuất hiện ở mọi nơi và trong tim nhiều người. 

Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro nói về Che: “Đó là một con người chân chính, một người bạn tuyệt vời và là người mà ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể”

Năm mươi năm sau ngày Che Guevara ngã xuống, hàng nghìn người Cuba đã tham dự một buổi lễ tại thành phố Santa Clara để tưởng nhớ biểu tượng cách mạng. Họ mặc áo có hình Che, cầm ảnh Che, hô vang tên Che và nghĩ về ông. Chủ tịch Cuba Raul Castro, người bạn thân thiết của Che Guevara, đã đặt một đóa hồng trắng lên mộ người anh hùng. Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez trong lễ tưởng niệm hôm 8/10 cũng khẳng định: “Che không chết như những kẻ sát hại ông mong muốn. Hình tượng của ông lớn lên theo thời gian…”. Ra đi ở tuổi 39, Người du kích anh hùng đã trở thành biểu tượng về tinh thần cách mạng cao thượng và quả cảm, xả thân bảo vệ công lý và những người chịu thiệt thòi trên thế giới.

Che Guevara và Việt Nam

Tại lễ truy điệu Che Guevara được tổ chức ở Quảng trường Cách mạng của thủ đô Havana (Cuba) ngày 18/10/1967, Chủ tịch Fidel Castro nói: “Máu của Che đã đổ trên đất nước ta, đã đổ xuống ở Bolivia... Dòng máu ấy đã đổ cho tất cả các dân tộc ở châu Mỹ và cho Việt Nam... Che đã biết là mình hiến dâng cho Việt Nam mối tình đoàn kết cao cả nhất”.

Đúng như lời Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Che Guevara trở nên gần gũi và thân thiết với nhiều người Việt Nam, vì chính ông đã gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Tình cảm sâu sắc mà ông dành cho Việt Nam đã có từ năm 1954, khi những tin vui thắng trận lừng lẫy năm châu của chiến dịch Điện Biên Phủ đem lại cho ông niềm tin thắng lợi vào cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức. Che đã đọc cuốn sách Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đánh giá tác phẩm này "có tầm quan trọng đặc biệt đối với phần lớn nhân dân các nước Mỹ Latin bị đế quốc Mỹ thống trị…".

Chính Che đã cùng Chủ tịch Fidel Castro chủ trương thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam, tổ chức tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam ngày nay. Ông đã nhiều lần nhắc đến Việt Nam và khẳng định Việt Nam “như người anh em chiến đấu, như người đồng chí gương mẫu trong giai đoạn lịch sử thế giới khó khăn”. Theo một tài liệu của Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi - Mỹ Latin, Che Guevara cho rằng: "Việt Nam đã dạy cho chúng ta một bài học bất hủ về chủ nghĩa anh hùng. Trước mắt chúng ta sẽ là một tương lai xán lạn… nếu hai, ba, nhiều Việt Nam nở rộ khắp thế giới”.

Che Guevara, như Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam Melba Hernandez đã từng nói, “là người đi đầu trong phong trào đoàn kết với Việt Nam”.

(tổng hợp)