📞

Thị trường máy bay chiến đấu: Ai sẽ chiếm lĩnh?

11:52 | 12/07/2010
Những năm gần đây, nhu cầu cải tiến, hiện đại hoá một số thiết bị quân sự dành cho lực lượng không quân của một số nước trên thế giới ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh, trong đó máy bay chiến đấu nhận được sự ưu tiên hàng đầu. Mục đích của việc hiện đại hoá và nâng cấp máy bay chiến đấu là kéo dài thời gian hoạt động; bổ sung và trang bị lại những trang thiết bị - kỹ thuật mới; tiết kiệm kinh phí; không đòi hỏi phải đào tạo lại chuyên gia, xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Thị trường hiện đại hóa máy bay chiến đấu ngày nay là hình thức kinh doanh rất có triển vọng đối với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu trong tương lai. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 9.000 chiếc máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất đang được sử dụng (chiếm khoảng 42%); hơn 5.500 chiếc được sản xuất tại LB Nga (chiếm khoảng 25%); 4.800 chiếc của Trung Quốc (22%), 11% còn lại được sản xuất tại Pháp, Thụy Điển, Anh, Đức, Italy.

Nắm bắt được nhu cầu trên thế giới, trên thị trường hiện đại hoá máy bay chiến đấu trong thời gian qua đã xuất hiện một số lượng lớn các công ty đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó đáng chú ý là công ty IAI (Israel Aircraft Industries) và Elbit Systems của Israel; Công ty Thales, Sfim, Sagem, Snecma của Pháp.

Israel bứt phá

Trong những năm qua, Israel đã đạt được những thành công nhất định: Năm 1996, họ đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ hợp đồng trị giá 700 triệu USD để hiện đại hoá 54 máy bay tiêm kích F-4E do Mỹ chế tạo; Công ty IAI và Lockheed Martin đã phối hợp nâng cấp F-16 của Mỹ; Israel ký kết với Rumani, Croatia, Ethiopia, Zambia và Campuchia hợp đồng nâng cấp máy bay tiêm kích MiG-21; Công ty Elbit Systems đã phối hợp với Gruzia nhằm nâng cấp máy bay Su-25 do Nga sản xuất thành thế hệ máy bay Su-25KM; Israel đã tiến hành nâng cấp máy bay chiến đấu Su-27 cho lực lượng không quân Ethiopia. Thời gian gần đây, các công ty của Israel đang soạn thảo một dự án nhằm nâng cấp các loại máy bay tiêm kích trên thế giới, trong đó có cả những loại máy bay của Mỹ và Nga. Hiện Israel tập trung quan tâm đến việc nâng cấp MiG -21, MiG-29, Su-25, Su-27 do Nga sản xuất.

Hiện nay, Nga là một trong số các quốc gia sản xuất máy bay chiến đấu hàng đầu trên thế giới nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt trong phân khúc này. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này không hẳn là do sự cạnh tranh đến từ các công ty của Israel, Pháp mà xuất phát từ chính những vấn đề bên trong nền công nghiệp sản xuất máy bay quân sự của Nga vào đầu những năm 1990. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến các công ty sản xuất máy bay chiến đấu của Nga là họ đã gặp phải những trở ngại lớn về kinh tế, tài chính sau khi Liên Xô tan rã.

Nga giành lại ưu thế

Mặc dù được thừa hưởng "gia tài" khổng lồ về những kinh nghiệm chế tạo máy bay, nhưng Nga lại không được thừa hưởng một chương trình hiện đại hoá và nâng cấp máy bay chiến đấu. Chính vì vậy, các nhà sản xuất máy bay chiến đấu của Nga thường "tụt hậu" hơn so với các đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực sản xuất các trang thiết bị đảm bảo chương trình thông tin trên máy bay. Ngay cả An Độ, một trong không nhiều bạn hàng mua máy bay chiến đấu truyền thống và quan trọng của Nga, cũng thích lắp đặt các trang thiết bị trên máy bay do các công ty của Israel và Pháp chế tạo. Điển hình là năm 2001, các công ty Pháp đã giúp Ấn Độ trang bị lại các thiết bị trên máy bay Su-30MKI do Nga sản xuất. Thậm chí, các công ty này tỏ ý sẵn sàng giúp Ấn Độ nâng cấp mẫu máy bay tiêm kích MiG-21. Công ty Salli của Pháp đã nghiên cứu loại cửa kính mới cho buồng lái của MiG-21, cải thiện các tính năng quang học và khả năng quan sát. Vì những nguyên nhân trên, Nga đã để mất nhiều thứ trên thị trường hiện đại hóa MiG-21, mặc dù số lượng MiG-21 hiện nay trên thế giới là vô cùng lớn (trên 3.300 chiếc còn hoạt động trên 45 quốc gia trên toàn thế giới).

Ngày nay, phần lớn các máy bay tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất đang nằm trên lãnh thổ của các nước Trung và Đông Âu, một vài nước đã và đang trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập NATO. Do đó tất cả các trang bị cho lực lượng không quân đều phải đạt theo tiêu chuẩn NATO. Hiện nay, phần lớn các nước Trung và Đông Âu đều thích mua hoặc thuê máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất hơn là bỏ tiền ra nâng cấp MiG-21, MiG-29 của Nga mặc dù việc cải tiến MiG-29 mang lại tính hiệu quả kinh tế hơn hẳn việc mua mới. Hiện tại, trong khu vực này vấn đề kinh tế không còn là vấn đề then chốt nữa, bởi vì chính trị mới đóng vai trò quan trọng nhất.

Để không bị "tụt hậu", năm 1993, Tập đoàn sản xuất máy bay "MiG" của Nga cùng với công ty DASA của Đức đã ký kết thỏa thuận về cải tiến các loại máy bay chiến đấu "MiG" theo chuẩn NATO. Trong dự án này, các chuyên gia Nga chủ yếu tham gia vào khía cạnh kỹ thuật của bản hợp đồng, còn các chuyên gia Đức tham gia tiếp thị và xúc tiến thương hiệu máy bay mới "MiG" trên thị trường khu vực các nước Trung và Đông Âu. Xuất phát từ những nguyên nhân trên đã khiến cho các nhà sản xuất Nga và Đức chỉ nhận được 50% đơn đặt hàng nâng cấp MiG-29 trên thị trường thế giới phần còn lại thuộc về các công ty của Israel.

Để giành lại thị trường hiện đại hoá máy bay chiến đấu Nga đã tập trung điều chỉnh mối quan hệ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự với các quốc gia trên thế giới trong đó tập trung khôi phục lại vị thế đã mất với một loạt quốc gia là bạn hàng truyền thống như Libya, Syria, Cuba, Việt Nam, Iran, Iraq, Triều Tiên và Trung Quốc; Xem xét lại vấn đề quyền sở hữu trí tuệ do một số nước đã cải tiến, sản xuất trái phép máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất mà không được phép của Nga vì Nga với tư cách là người thừa kế chính thức của Liên Xô. Tập đoàn "Sukhoi" đã chuẩn bị các chương trình hiện đại hóa máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30. Hiện nay Nga chiếm 70% thị phần máy bay quân sự được bán tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Để hoạt động thành công nhiều hơn nữa trên các thị trường truyền thống và giành được nhiều thị trường mới các nhà sản xuất của Nga đã tích cực tham gia thường xuyên vào các cuộc triển lãm hàng không quốc tế và tổ chức các cuộc triển lãm hàng không trên lãnh thổ của mình.

Chính phủ Nga cũng đã hỗ trợ về mọi mặt cho các công ty tiêu thụ sản phẩm của mình trên thị trường thế giới để tăng hiệu quả làm việc của các công ty. Trong thành phần của đoàn đại biểu Nga tham gia vào các cuộc triển lãm quốc tế thường là các quan chức cấp cao của chính phủ. Điều này làm tăng lên mối quan tâm tới các cuộc đàm phán từ phía những người đặt hàng nước ngoài. Ngoài ra, Nga cũng đã thiết lập một bản dự báo rõ ràng về tình hình của thị trường nâng cấp máy bay chiến đấu trên toàn thế giới, trước hết là phân tích nhu cầu và các dự án trong tương lai.

Các nhà phân tích quân sự quốc tế cho rằng, trong cuộc cạnh tranh thị trường hiện đại hoá máy bay chiến đấu hiện nay Nga là nước đang có nhiều ưu thế, nhất là về bản quyền và công nghệ. Tuy nhiên, câu hỏi ai sẽ chiếm lĩnh thị trường hiện đại hoá máy bay chiến đấu trên thế giới vẫn còn chưa ngã ngũ.

Nguyễn Nhâm