📞

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu một thời kỳ ngoại giao mới

08:03 | 23/07/2016
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhiều khả năng sẽ nhanh chóng cải thiện quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong khu vực để củng cố vị thế.

Trong vài năm qua, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước ở Trung Đông, như Israel, Saudi Arabia, Syria và Ai Cập trở nên căng thẳng vì nhiều lý do khác nhau. Mới đây, Ankara đã bắt đầu việc bình thường hóa quan hệ với Israel, tái khởi động đối thoại với các nước vùng Vịnh và cải thiện mối bang giao với Saudi Arabia.

Đối mặt với áp lực trong nước từ phe đối lập, từ lực lượng người Kurd và giới quân sự, ông Erdogan có thể đã nhận thức được rằng vị thế của ông đang bị đe dọa và ông buộc phải giành lại được sự ủng hộ từ một số cường quốc nhiều ảnh hưởng trong khu vực và thế giới. Do đó, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, Israel và Saudi Arabia gần đây đã có sự cải thiện nhất định.

Tìm lại những người bạn Nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Đông Fadi Husseini nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu một thời kỳ ngoại giao mới với các nước khu vực. Ngay trước khi xảy ra vụ đảo chính ngày 15/7, chính phủ mới dưới quyền Thủ tướng Binali Yildirim đã tích cực hướng đất nước trở lại chính sách đối ngoại thực dụng hơn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang quyết tâm giành lại những người bạn khu vực mà mình đã để mất trong 5 năm qua”.

Ông Husseini còn cho rằng việc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh được khôi phục lại sau 3 năm gián đoạn, do căng thẳng sau vụ quân đội Ai Cập hạ bệ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi năm 2013 cho thấy thái độ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nước như Ai Cập và Iraq đã có sự thay đổi.

Đề cập tới cường quốc dầu mỏ vùng Vịnh Saudi Arabia và các nước khác, chuyên gia này cho rằng: “Tiến trình hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bởi một số nước Arab có ảnh hưởng đang thúc đẩy mục tiêu này”.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong đám tang nạn nhân vụ đảo chính. (Nguồn: The Australian)

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Ai Cập trở nên xấu đi khi ông Erdogan nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ quân đội Ai Cập lật đổ ông Morsi và tiến hành các cuộc đàn áp quy mô đối với tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng hiện đã bị Cairo đưa vào danh sách đen.

Ai Cập giữ im lặng khi Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với cuộc đảo chính và thậm chí có ý kiến cho rằng Cairo đã hy vọng cuộc nổi dậy này sẽ thành công. Là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ai Cập tỏ ra khá dè dặt trước bản tuyên bố chung ủng hộ chính quyền của ông Erdogan và phản đối vụ đảo chính. Trong khi nhấn mạnh rằng sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước vùng Vịnh không thể đạt được nếu không có sự dàn xếp với Ai Cập, đồng minh thân cận nhất trong vùng Vịnh, chuyên gia Husseini nói: “Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được ảnh hưởng trong khu vực của Ai Cập. Tôi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sớm muộn cũng sẽ hòa giải với Ai Cập theo đường hướng chính sách đối ngoại hiện nay”.

Châu Âu lo ngại

Sau khi vụ đảo chính bị thất bại, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch thanh trừng và đàn áp quy mô lớn đối với những người chống đối, câu lưu và thẩm vấn khoảng 60.000 người, trong đó có hơn 2.700 thẩm phán, hơn 3.000 binh lính và khoảng 15.000 giáo viên, chưa kể cảnh sát, nhân viên nhà nước và nhiều đối tượng khác. Những người này đều bị cáo buộc có liên quan tới âm mưu đảo chính và trung thành với đối thủ của ông Erdogan là Giáo sỹ lưu vong Fethullah Gullen, hiện đang sống ở Mỹ song có các tín đồ ở Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác. Ông này đã bác bỏ cáo buộc âm mưu tiến hành đảo chính.

Cảnh sát được tăng cường sau vụ đảo chính. (Nguồn: IBtimes)

Trong khi đó, chiến dịch đàn áp của Ankara đang khiến các nước châu Âu lo ngại và có thể ảnh hưởng tới nỗ lực từ lâu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh vụ đảo chính thất bại không phải là cái cớ để ông Erdogan lạm dụng quyền lực và đàn áp phe đối lập.

Nhắc tới việc ngày 20/7 Tổng thống Erdogan đã ngăn cản một số quan chức Đức vào căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ đang được lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu (nhằm chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng) sử dụng, nhà nghiên cứu các vấn đề về Iran và Thổ Nhĩ Kỳ Mohamed Mohsen Abul-Nour nói: “Vụ đảo chính có thể đã phủ bóng đen lên quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-châu Âu bởi ông Erdogan không hài lòng khi đa số các nước châu Âu là những nước cuối cùng lên tiếng phản đối vụ đảo chính, nhất là Đức”.

Theo ông Abul-Nour, “Đức, đầu tàu của EU, vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác mạnh mẽ của NATO, song tôi cho rằng những diễn biến gần đây có thể khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trở nên căng thẳng hơn trong vòng 1-2 năm tới”.

(theo THX)