📞

Thổ Nhĩ Kỳ - EU: Sự hiểu lầm tai hại

11:08 | 08/09/2016
Thái độ ngờ vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) khiến cho hai bên khó tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.

Bầu không khí yên tĩnh đã quay trở lại Ankara. 6 tuần sau vụ đảo chính quân sự bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có thể tự tin thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Thái độ "khó chấp nhận" của EU

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2003, chưa bao giờ ông Erdogan tập trung được nhiều quyền lực trong tay như hiện nay. Đây chính là điều khiến các đối tác phương Tây của ông lo ngại. Tại Hàng Châu (Trung Quốc), ông Erdogan đã rất vất vả thuyết phục các nước G20 rằng, nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được giữ vững, bất chấp các cuộc thanh trừng hàng loạt liên tục diễn ra.

Cuối tuần trước, trong buổi tiếp nhóm chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu do cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt dẫn đầu, các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ để chỉ trích sự thiếu đoàn kết của EU với Ankara trong đêm đảo chính 15/7.

Bất chấp những nguy hiểm, việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường trong đêm xảy ra đảo chính không hẳn để bảo vệ Tổng thống Erdogan mà để cứu vãn nền dân chủ. Tinh thần đoàn kết quốc gia, lòng tự hào, cũng như việc phe đối lập đứng về phía Tổng thống được bầu một cách hợp pháp... là những dấu ấn mà theo đánh giá của người Thổ, phương Tây đã không nhìn nhận một cách đúng đắn.

Người dân đổ ra đường ngăn cản xe tăng của phe đảo chính tiến vào trung tâm thủ đô Ankara. (Nguồn: Reuters)

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, thái độ bi quan và lạnh nhạt của EU là rất khó chấp nhận. Từ khi EU làm cho Thổ Nhĩ Kỳ “lóa mắt” với khả năng gia nhập Liên minh, Ankara đã biết rõ thái độ “tiền hậu bất nhất” của EU. Một mặt, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế, chính trị, an ninh đối với liên minh. Tuy nhiên, mặt khác, EU lại liên tục chỉ trích kịch liệt những hoạt động trấn áp phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là sự vi phạm nhân quyền của chính quyền Ankara.

Thế nhưng, phải chăng châu Âu nên dành cho Ankara một ngoại lệ trong tình huống bi kịch đến mức độ như vừa qua? Liệu châu Âu có hình dung được rằng Thổ Nhĩ Kỳ và cả khu vực, trong đó có lục địa châu Âu, sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu như cuộc chính biến thành công?

Cần tìm tiếng nói chung

Trên thực tế, từ trước ngày 15/7, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ lo ngại về xu hướng độc đoán của Tổng thống Erdogan - người đã có nhiều chính sách hạn chế không gian tự do truyền thông và biểu tình. Không có gì ngạc nhiên khi đến nay giới chức EU còn lo ngại nhiều hơn.

Theo quan điểm EU, việc một chính quyền hợp pháp loại bỏ các phần tử đảo chính xuất thân từ chính hàng ngũ của họ là điều hợp logic, nhưng quy mô của các vụ thanh trừng mới là điều đáng nói. Từ ngày 15/7 đến nay, đã có hàng chục nghìn người bị điều tra, rất đông nhà báo và trí thức bị bắt giữ. Điều đó khiến cho người ta nghi ngờ rằng, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa làm chủ hoàn toàn tình hình. Một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, 39.000 người đã tham gia mạng lưới liên lạc bí mật của giáo sĩ lưu vong Gulen. “Chúng tôi đang chuyển từ một cuộc đảo chính quân sự sang một cuộc đảo chính dân sự”, một lãnh đạo của phe đối lập cảnh báo.

Một tướng lĩnh của phe đảo chính bị bắt giữ. (Nguồn: DW)

Châu Âu cho rằng, câu chuyện về phe thân giáo sĩ Gulen đứng sau cuộc đảo chính là điều mơ hồ và nhằm làm lạc hướng dư luận. Tại Ankara, để miêu tả về mạng lưới của ông Gulen, các thành viên chính phủ thường gọi họ là “mafia”, “giáo phái”, “Nhà nước côn đồ”, thậm chí “tổ chức theo kiểu al-Qaeda”... Ông Gulen từng có mối quan hệ mật thiết và chia sẻ nhiều quan điểm chung với Tổng thống Erdogan, cho đến khi cả hai đoạn tuyệt quan hệ cuối năm 2013. Tờ Zaman, mới bị đóng cửa do được coi là cơ quan ngôn luận của phái Gulen, từng là ấn bản chất lượng và là nhật báo có lượng phát hành lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã đến lúc châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ tìm ra một tiếng nói chung, bởi lẽ có quá nhiều hồ sơ quan trọng phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa hai bên như cuộc chiến Syria, ngăn chặn dòng người nhập cư, chống chủ nghĩa khủng bố... và cả tấn thảm kịch người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ - một vấn đề không thể giải quyết thông qua con đường quân sự.

(theo Le Monde)