Nhỏ Bình thường Lớn

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen về đâu?

“Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” hay “Sáng kiến vận chuyển an toàn ngũ cốc và thực phẩm từ các cảng của Ukraine” là thỏa thuận giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ), nhằm kiềm chế giá lương thực leo thang trên toàn thế giới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
Lễ ký Thỏa thuận “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/7/2022. (Nguồn: AFP)
Lễ ký Thỏa thuận “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen” tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/7/2022. (Nguồn: AFP)

Thỏa thuận cho phép Ukraine vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp từ ba cảng lớn trên Biển Đen là Yuzhny, Odessa và Chornomorsk đến eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị tấn công. Đối với Nga, thỏa thuận cũng đảm bảo để một số sản phẩm nông nghiệp và phân bón không nằm trong lệnh trừng phạt của phương Tây được vận chuyển an toàn trên tuyến đường biển này.

Giải pháp cho bài toán khó

Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, việc vận chuyển các loại ngũ cốc bằng đường biển từ Ukraine - vựa lúa mì của châu Âu - qua Biển Đen bị ngưng trệ hoàn toàn. Điều này khiến giá lương thực tăng vọt. LHQ cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, nạn đói gia tăng ở nhiều nước nếu chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine không được khai thông.

Để giải quyết vấn đề này, các cuộc đàm phán nhằm nối lại hoạt động chuyên chở ngũ cốc qua Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ - nước kiểm soát các tuyến hàng hải từ Biển Đen chủ trì và được LHQ hỗ trợ bắt đầu vào tháng 4/2022. Sau hơn ba tháng đàm phán, thỏa thuận đã được ký vào ngày 22/7/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, đây không phải là thỏa thuận trực tiếp giữa Nga và Ukraine mà Kiev và Moscow đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ. Thỏa thuận cho phép Nga xuất khẩu thực phẩm, phân bón và nguyên liệu thô không bị cản trở.

Để triển khai thỏa thuận, Trung tâm điều phối chung (JCC) được thành lập tại Istanbul ngày 27/7/2022 có nhiệm vụ đăng ký và giám sát việc khởi hành của các tàu thương mại thông qua vệ tinh, Internet và các phương tiện liên lạc khác. Trung tâm JCC do một đô đốc hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu với 20 thành viên từ bốn bên liên quan, mỗi bên năm người.

Ban đầu, thỏa thuận có giá trị trong khoảng thời gian 120 ngày và hết hạn vào 19/11/2022. Khi thời hạn thỏa thuận lần đầu tiên sắp hết hiệu lực, Nga ngừng tham gia thỏa thuận trong vài ngày với lý do các tàu hải quân trên Biển Đen của Nga đã bị tấn công bằng máy bay không người lái.

Sau đó, với sự hòa giải của LHQ, thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày, đến 17/3/2023. Khi hết hạn lần thứ nhất, mặc dù Nga nhiều lần tuyên bố rút, nhưng sau các cuộc đàm phán, thỏa thuận được gia hạn lần hai thêm 60 ngày, đến 17/5 rồi gia hạn lần ba đến ngày 18/7 và chính thức kết thúc vào ngày 17/7.

Theo dữ liệu của LHQ, cho đến khi thỏa thuận đổ vỡ, đã có hơn 1.000 chuyến tàu rời các cảng Ukraine thành công, chở gần 33 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đến 45 quốc gia. Thỏa thuận giúp giảm hơn 23% giá lương thực so với khi cuộc xung đột bắt đầu ở Ukraine.

Tuy nhiên, Nga cho biết nguồn cung lương thực được vận chuyển qua hành lang ngũ cốc ít đến được các nước nghèo nhất. Gần 44% hàng xuất khẩu đã được chuyển đến những nước mà LHQ gọi là có thu nhập cao.

TIN LIÊN QUAN
Giải pháp cho xung đột Nga-Ukraine: Đàm phán hay tập hợp lực lượng?

Lập luận của Nga

Tổng thống Putin từng tuyên bố thỏa thuận là “trò chơi một phía” và không có gì được thực hiện liên quan đến lợi ích của Nga. Moscow cũng tố cáo Kiev liên tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng của mình, mới nhất là vụ tấn công vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol ngày 16/7 và vụ tấn công cầu Crimea ngay trong ngày thỏa thuận hết hạn. Ngày 17/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì các quyền lợi của Nga không được thực thi. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, “không có tiến triển nào trong việc đưa nông sản và phân bón của Moscow ra khỏi các lệnh trừng phạt đơn phương phi pháp từ phương Tây”.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moscow sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu “thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn” và cảnh báo sẽ coi bất kỳ con tàu nào ở Biển Đen hướng đến cảng của Ukraine là một mục tiêu quân sự hợp pháp, bất kể chúng mang cờ gì.

Là một bên ký kết thỏa thuận, Nga được LHQ cam kết tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm phân bón và nông sản. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, tiến độ thực hiện các điều khoản ghi trong Biên bản ghi nhớ này chậm chạp và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có việc ngừng kết nối các ngân hàng của Nga với hệ thống SWIFT gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga.

Ngày 25/7, Nga cho biết đang thúc đẩy các tuyến đường xuất khẩu mới thay thế Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Phát biểu tại Thượng đỉnh Nga-châu Phi tại thành phố St. Petersburg hôm 27/7, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng thay thế Ukraine xuất khẩu ngũ cốc tới châu Phi, cả trên phương diện thương mại và hỗ trợ nhân đạo. Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẽ tặng các nước châu Phi 10.000 tấn ngũ cốc, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.

TIN LIÊN QUAN
Vụ đảo chính tại Niger: Chuyện riêng, lo chung

Hệ lụy khó lường

Việc thỏa thuận không được gia hạn chắc chắn sẽ gia tăng áp lực cho thị trường toàn cầu, đe dọa các quốc gia đang thiếu lương thực. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, quyết định từ bỏ thỏa thuận của Nga “giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu lương thực ở khắp mọi nơi”. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính, khoảng 345 triệu người sẽ rơi vào cảnh mất an ninh lương thực ngay trong năm 2023, với khoảng 129.000 người phải đương đầu với nạn đói ở Burkina Faso, Mali, Somalia và Nam Sudan...

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc chấm dứt thỏa thuận có thể gây thiệt hại cho Ukraine lên tới 800 triệu USD/tháng. Một hệ quả khác sau khi Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận là giá lúa mì thế giới bắt đầu tăng mạnh. Giá lúa mì giao tháng Chín trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago tăng hơn 3% ngay trong ngày thỏa thuận đổ vỡ, đến nay đã tăng khoảng 17% kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận.

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nhấn mạnh: “Giá ngũ cốc toàn cầu đã tăng đột biến, đe dọa phá hủy những tiến bộ mà chúng ta khó khăn lắm mới đạt được trong năm qua. Điều này có thể khiến nạn đói trở nên tồi tệ hơn đối với hàng triệu người”.

Bên cạnh đó, nông dân trên thế giới có thể thiếu phân bón, do Nga và Belarus là hai nước cung cấp phân bón hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 14% sản lượng và xuất khẩu phân bón toàn cầu.

Về mặt an ninh, nếu Nga đình chỉ thỏa thuận vô thời hạn, thì các tàu hướng đến cảng Ukraine không còn được bảo đảm về an ninh khi đi qua Biển Đen do lo ngại bị tấn công hay trúng thủy lôi. Nếu không đủ điều kiện an toàn, các chủ hàng và công ty bảo hiểm coi việc đưa tàu vào Biển Đen là hoạt động quá mạo hiểm, từ đó làm tăng đáng kể chi phí xuất khẩu lương thực.

Nỗ lực nối lại thỏa thuận

Moscow khẳng định chỉ quay lại thỏa thuận khi các điều kiện được đáp ứng, bao gồm: Đưa Ngân hàng nông nghiệp Nga quay trở lại hệ thống thanh toán SWIFT; gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga; Nối lại việc cung cấp cho Nga các linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp và sản xuất phân bón; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong toả tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp; khôi phục bản chất nhân đạo ban đầu của thỏa thuận.

Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Hệ thống lương thực LHQ tại Rome, Italy ngày 24/7, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga đàm phán nối lại thỏa thuận. Ông cho biết đã gửi thư tới Tổng thống Putin để tìm cách cứu vãn. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế tìm kiếm các giải pháp hiệu quả bảo đảm an ninh lương thực. Tổng thư ký Guterres cho biết, LHQ sẽ hỗ trợ kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhoz Bank với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Phó Tổng thư ký LHQ Martin Griffiths kêu gọi “tất cả các bên thực hiện trách nhiệm của mình để nối lại sáng kiến”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Putin đầu tháng Tám để thảo luận chi tiết và tin rằng, ông Putin “vẫn muốn cây cầu nhân đạo này được tiếp nối”. Ông cũng xác nhận các cuộc thảo luận tiếp theo với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Istanbul để tìm giải pháp nối lại thỏa thuận. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây vấp phải một số trở ngại, vì vậy, không rõ Ankara có thể tác động tới Moscow ở mức độ nào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi các nước phương Tây cân nhắc các yêu cầu của Moscow, nêu rõ việc chấm dứt thỏa thuận kéo theo nhiều hậu quả, từ tình trạng tăng giá lương thực toàn cầu tới nạn khan hiếm lương thực ở một số vùng và có thể dẫn tới những làn sóng di cư mới.

Italy ủng hộ đối thoại hành lang ngũ cốc Biển Đen, cảnh báo giá ngũ cốc sẽ leo thang

Italy ủng hộ đối thoại hành lang ngũ cốc Biển Đen, cảnh báo giá ngũ cốc sẽ leo thang

Italy cho rằng việc nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là vô cùng cần thiết, mọi giải pháp khác đều không phải là ...

Giáo hoàng Francis kêu gọi 'những người anh em' Nga quay lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Giáo hoàng Francis kêu gọi 'những người anh em' Nga quay lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Giáo hoàng Francis bày tỏ: “Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các cơ quan chức năng ở Liên bang Nga, thiết lập ...

Loay hoay về xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga rời đi, Ukraine yêu cầu một điều khiến EC 'vò đầu bứt tai'

Loay hoay về xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga rời đi, Ukraine yêu cầu một điều khiến EC 'vò đầu bứt tai'

Hãng tin Reuters cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) không có tiền ngay lập tức trong ngân sách và không có phương án rõ ...

Mỹ được thông báo Nga sẵn sàng đàm phán thỏa thuận ngũ cốc; Italy quan ngại vấn đề liên quan đến châu Phi

Mỹ được thông báo Nga sẵn sàng đàm phán thỏa thuận ngũ cốc; Italy quan ngại vấn đề liên quan đến châu Phi

Ngày 1/8, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield tiết lộ, Washington đã được thông báo rằng Moscow sẵn sàng quay trở ...

Kinh tế thế giới nổi bật (28/7-3/8): Nga kiên định với thỏa thuận ngũ cốc, ‘đầu tàu’ châu Âu đang ‘tụt lại sau’, Australia bắn tin tới Trung Quốc

Kinh tế thế giới nổi bật (28/7-3/8): Nga kiên định với thỏa thuận ngũ cốc, ‘đầu tàu’ châu Âu đang ‘tụt lại sau’, Australia bắn tin tới Trung Quốc

Moscow vẫn kiên định với thỏa thuận ngũ cốc, thương mại khí đốt Nga-Trung Quốc lập kỷ lục; Eurozone phục hồi, Đức có dấu hiệu ...