Yara Srour, 4 tuổi, cầm cuốn album ảnh của mình trước ngôi nhà bị phá hủy của ông bà sau khi trở về Hanaway, miền nam Lebanon cùng gia đình, vào ngày 28/11/2024. (Nguồn: AP) |
Với lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ 4h sáng ngày 27/11 (theo giờ địa phương), Israel cam kết sẽ rút khỏi miền Nam Lebanon trong vòng 60 ngày. Trong khi lực lượng Hezbollah cũng sẽ rời khỏi các vị trí ở cùng khu vực để di chuyển về phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30km về phía Bắc.
Khu vực miền Nam Lebanon sau khi hai bên rút quân sẽ được đặt dưới sự giám sát của Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (UNIFIL).
Điều khoản của thỏa thuận còn quy định rõ rằng Israel không được thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Lebanon. Đồng thời, chính phủ Lebanon có trách nhiệm đảm bảo rằng Hezbollah hoặc bất kỳ nhóm vũ trang nào khác không tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Không phải thuốc điều trị
Thế nhưng, theo nhiều nhà quan sát, mặc dù ngừng bắn là lựa chọn tốt nhất để giảm bạo lực vốn gia tăng nghiêm trọng trong nhiều tháng qua giữa hai bên, đặc biệt trong vòng 24 giờ trước khi đạt được thoả thuận, nhưng đó chắc chắn không phải là thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh, mang lại hoà bình lâu dài cho cuộc xung đột.
Và thực tế đã chứng minh, ngay sau khi lệnh ngừng bắn hiệu lực, cả hai bên đã cáo buộc nhau vi phạm ngừng bắn. Lực lượng Hezbollah tố cáo Israel nã pháo vào nhiều khu vực của Lebanon, thậm chí sử dụng phốt pho trắng để tạo vùng đệm tại miền Nam Lebanon, một hành động không được đề cập trong thỏa thuận. Cũng theo Hezbollah, Israel còn áp đặt lệnh giới nghiêm và công bố bản đồ các khu vực cấm người dân Lebanon trở về, khiến căng thẳng vẫn không ngừng leo thang, khẳng định các cuộc tấn công của Tel Aviv rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận.
Trong khi đó, quân đội Israel (IDF) cũng cho biết, các xe ô tô chở "một số đối tượng tình nghi" xuất hiện ở một số khu vực ở miền Nam Lebanon. Trước đó, IDF đã kêu gọi người dân các thị trấn dọc biên giới chưa nên quay trở lại vì sự an toàn của chính họ.
Tuy nhiên, Hezbollah đã bác bỏ những ám chỉ của phía Israel, tuyên bố vẫn tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tổng thư ký Hezbollah Naim Qassem khẳng định tổ chức này sẽ phối hợp chặt chẽ với quân đội Lebanon để giám sát việc thực thi thỏa thuận.
Đối với các nhà quan sát am hiểu nội tình khu vực, thì sự mong manh của thoả thuận là điều có thể lý giải. Theo họ, các điều khoản và động lực dẫn tới thỏa thuận ngừng bắn cho thấy có những lý do để lo ngại về thỏa thuận này.
Lý do quan ngại
Các nhà quan sát đặt câu hỏi, rằng điều gì sẽ xảy ra sau 60 ngày với một thoả thuận gồm 13 điểm nhằm chấm dứt thù địch giữa Israel và Hezbollah vốn đã kéo dài hơn 1 năm qua, cho phép hơn một triệu người phải sơ tán khỏi miền Nam Lebanon và hơn 60.000 người phải di dời khỏi miền Bắc Israel trở về nhà.
Từ khi xung đột nổ ra, hàng nghìn người ở miền Bắc Israel đã phải trú ngụ trong các khách sạn, nơi ở tạm bợ trên khắp Israel hơn một năm qua, khiến Tel Aviv đã phải trả những khoản chi phí rất lớn cho việc này. Nay thực hiện thoả thuận, sẽ mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho chính phủ Israel.
Tuy nhiên, với thời gian chỉ 2 tháng và tính mong manh của lệnh ngừng bắn, thì liệu dân thường ở cả hai phía có tận dụng cơ hội này để trở về nhà được hay không. Ngoài ra, mức độ tàn phá ở miền Nam Lebanon là rất nghiêm trọng, khiến người dân khó có thể trở về trong khoảng thời gian ngừng bắn chỉ 60 ngày.
Khi tuyên bố lệnh ngừng bắn, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron khẳng định, lệnh ngừng bắn sẽ tạo cơ sở cho một “sự yên bình lâu dài”, nhưng các điều khoản của thoả thuận không nêu chi tiết về những gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn 60 ngày kết thúc.
Một yếu tố quan trọng khác, đó là nếu xung đột không được ngăn chặn, có thể sẽ lan rộng sang Syria. Bên cạnh đó, một số điều khoản trong thỏa thuận hạn chế khả năng tái vũ trang của Hezbollah trong thời gian ngừng bắn, bao gồm việc phá dỡ tất cả các cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất vũ khí trái phép ở miền Nam Lebanon.
Quân đội Israel cam kết sẽ rút khỏi miền Nam Lebanon trong vòng 60 ngày trong khi Hezbollah sẽ di chuyển về phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30km về phía Bắc. (Nguồn: Al Jazeera) |
Trong khi đó, Iran, nhà bảo trợ chính của Hezbollah, chuyển vũ khí cho lực lượng này qua ngả Syria. Các điều khoản của lệnh ngừng bắn sẽ làm tăng khả năng Israel có thể sẽ tiến hành nhiều cuộc không kích hơn bên trong Syria để đảm bảo vũ khí từ Iran không đến tay Hezbollah. Mặc dù điều này không được phép theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn hoặc luật pháp quốc tế, nhưng thỏa thuận này cung cấp cho Israel một số lý do biện minh để thực hiện hành động như vậy. Họ có thể lập luận rằng họ đang thực thi các điều khoản của lệnh ngừng bắn bằng cách không cho phép Hezbollah tái vũ trang thông qua các chuyến hàng vũ khí từ Iran.
Lo ngại này đã được chứng minh. Một ngày sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, Israel đã lần đầu tiên nhắm mục tiêu vào các địa điểm ở biên giới phía Bắc của Lebanon với Syria, động thái được cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran. Thêm nữa, việc thiếu thông tin chi tiết về việc rút quân lệnh ngừng bắn dựa trên nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nghị quyết chấm dứt cuộc chiến sáu ngày năm 2006 giữa Hezbollah và Israel. Điều trớ trêu là các điều khoản của lệnh ngừng bắn lại thừa nhận tầm quan trọng của nghị quyết này khi Israel phần lớn phớt lờ một số nghị quyết khác của LHQ kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza. Và có thể nói, Nghị quyết 1701 chưa bao giờ được Israel hoặc Hezbollah thực hiện đầy đủ.
Do lệnh ngừng bắn không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về hậu cần, nên cũng chưa rõ liệu Lực lượng Phòng vệ Israel có rút quân hay không và như thế nào. Ngoài ra, quân đội và lực lượng an ninh Lebanon thường bị coi là thiếu nguồn lực và kinh phí trầm trọng, cũng như không có khả năng hoặc không muốn thách thức vị thế thống trị của Hezbollah ở Lebanon.
Ngoài ra, một điều khoản khác của lệnh ngừng bắn nêu rõ Mỹ sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Lebanon để đạt được thỏa thuận phân định giới được quốc tế công nhận. Việc đề cập rõ ràng các cuộc đàm phán về biên giới cho thấy biên giới có thể thay đổi do lệnh ngừng bắn. Điều này có nghĩa là Israel có thể tìm cách duy trì quyền kiểm soát và mở rộng lãnh thổ mới.
Mối liên hệ Gaza
Một câu hỏi không kém quan trọng là cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ đi về đâu sau lệnh ngừng bắn này? Thủ tướng Israel Netanyahu từng tuyên bố lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Israel tập trung nỗ lực chống Hamas ở Dải Gaza và ngăn chặn mối lo ngại an ninh chính là Iran. Trong khi đó, các quan chức khác lại gọi lệnh ngừng bắn là “một bước ngoặt” nhằm cho Hamas thấy rằng các cuộc xung đột ở Gaza và Lebanon không còn liên quan đến nhau. Hezbollah trước đây đã khẳng định rằng họ sẽ không đồng ý ngừng bắn cho đến khi xung đột ở Gaza kết thúc. Nhưng thỏa thuận mới này cho thấy điều kiện đó dường như đã được lược bỏ.
Một số ý kiến còn cho rằng, lệnh ngừng bắn với Hezbollah có thể gia tăng áp lực buộc phong trào Hamas phải đồng ý một thỏa thuận với Tel Aviv về việc thả những con tin Israel còn lại mà nhóm này đang giam giữ. Tuy nhiên, điều này dường như trái ngược với thực tế là trước đây là Hamas đã sẵn sàng cho một thỏa thuận ngừng bắn nhưng phía Israel được cho là đã cản trở các cuộc đàm phán bằng cách bổ sung các điều khoản mới vào phút cuối khiến việc trả con tin không thể thực hiện.
Nhưng dù sao, lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah đã mang đến hy vọng dù mong manh cho người dân Lebanon, những người đã phải chịu đựng hơn một năm chiến tranh tàn khốc. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu thỏa thuận này có thể kéo dài khi căng thẳng giữa hai bên vẫn âm ỉ? Nhất là ngay sau ngày thoả thuận hiệu lực, cả hai phía đã có những cáo buộc vi phạm. Nhưng dù sao, một liều thuốc giảm đau cũng mang lại niềm vui và hy vọng dù le lói cho người dân khu vực.