📞

Thời thế và anh hùng

10:25 | 17/01/2019
Thất bại trong bỏ phiếu về dự thảo Brexit mà chưa có kế hoạch B, đồng thời phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Thủ tướng Anh đang rơi vào một tình thế khó khăn hơn bao giờ hết.

Tối ngày 15/1, Hạ viện đã chính thức tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch Brexit của bà Theresa May. Không nằm ngoài dự đoán, bất chấp những nỗ lực trước đó của nhà lãnh đạo Anh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ trong nội bộ đảng Bảo thủ, dự thảo Brexit đã không được thông qua với số phiếu áp đảo. Điều này khiến Thủ tướng May tiếp tục rơi vào tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Giữa tâm bão

Với 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống, đây là thất bại nặng nề nhất của một chính phủ kể từ khi nền dân chủ Anh được thành lập. Lần gần đây nhất London chứng kiến một sự phản đối mạnh mẽ như vậy tại Hạ viện là năm 1924 dưới thời Thủ tướng Ramsay MacDonald. Thất bại tại Hạ viện 95 năm trước đã khiến chính phủ của ông sụp đổ và 95 năm sau, điều này có thể tái diễn một lần nữa.

54% người được hỏi muốn Anh ở lại trong EU. (Nguồn: AFP)

Nắm lấy cơ hội, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh Theresa May vào tối ngày 16/1. Quá trình kiểm phiếu và kết quả sẽ được công bố ngay sau đó. Sau cuộc bỏ phiếu tối ngày 12/12, đây sẽ là cơ hội để ông Jeremy Corbyn nắm lấy chiếc ghế Thủ tướng sau 35 năm chờ đợi. Trong cuộc bỏ phiếu về dự thảo Brexit vừa qua, có tới 116 phiếu chống đến từ đảng Bảo thủ và bà May cần khiến những nghị sỹ này hồi tâm chuyển ý nếu muốn tăng khả năng giành phần thắng trong cửa ải sắp tới.

Bên cạnh đó, ngay sau khi kết quả được công bố, Chính phủ Ireland đã khẳng định Brexit không thể đàm phán lại. Trong một Tweet, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bóng gió: “Nếu một thỏa thuận là không khả thi, và không ai muốn không có thỏa thuận nào, vậy thì ai sẽ đủ can đảm để nói giải pháp tích cực duy nhất là gì?”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho rằng Anh sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất nếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận. Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude-Juncker và Thủ tướng Bỉ Charles Michel thì tuyên bố EU sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản Anh rời khỏi khối mà không có thỏa thuận. Dường như thông qua việc cảnh báo về hậu quả của Brexit không thỏa thuận, EU vẫn ít nhiều mong muốn Anh tiến hành đảo ngược Brexit thông qua một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Kết quả trên rõ ràng làm những người ủng hộ Brexit của bà May nản lòng. Tuy nhiên, thời khắc khó khăn này cũng sẽ là cơ hội để bà May chứng tỏ bản lĩnh của mình một lần nữa, trước mắt là với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tối ngày 16/1. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland khẳng định sẽ ủng hộ bà May giành chiến thắng. Trong bối cảnh đảng Bảo thủ và Bắc Ireland chưa muốn tiến hành bầu cử sớm, các nghị sỹ sẽ duy trì sự ủng hộ đối với Thủ tướng. Nỗ lực tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Lao động khi đó sẽ hướng tới làm khó bà May, khiến nhà lãnh đạo này có ít thời gian hơn để thuyết phục những nghị sỹ đảng Bảo thủ.

Thủ tướng Anh chỉ có 3 ngày để trình dự thảo Brexit chỉnh sửa trước Hạ viện, hy vọng vào một chiến thắng nhằm đảo ngược tình thế. Các nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng từ chối thương thảo thêm một lần nữa về Brexit và chỉ để ngỏ khả năng Brexit không thỏa thuận, thậm chí là không Brexit. Thực tế này khiến cơ hội tìm kiếm một dự thảo Brexit mới có sự đồng thuận của EU gần như là con số không. Do đó, nếu muốn duy trì một Brexit hằng mong muốn, bà May cần tìm kiếm sự ủng hộ từ 116 nghị sỹ đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu chống, điều mà bà đã chưa làm được kể từ cuộc bỏ phiếu ngày 12/12.

Trong trường hợp dự thảo Brexit tiếp tục bị bác bỏ tại Hạ viện, nhiều khả năng bà Theresa May sẽ buộc phải kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Kết quả khảo sát của YouGov ngày 6/1 cho thấy có 54% số người được hỏi cho rằng Anh nên ở lại trong EU. Khi đó, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai có thể đảo ngược mọi thành quả của chính quyền Thủ tướng May và đưa London trở về trong vòng tay Brussels. Đây là điều EU hằng mong muốn, song 46% người dân nước Anh thì không. Quan trọng hơn, nó còn đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Anh, người được bầu lên để tiến hành Brexit, gần như chắc chắn phải từ chức.

Rõ ràng bà Theresa May không hề thích điều này, song làm sao để an vị trên chiếc ghế Thủ tướng giữa tâm bão Brexit vẫn là điều mà bà đang tìm lời giải đáp. Người ta thường nói: “Thời thế tạo anh hùng”. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiện nay, liệu Thủ tướng Theresa May có thể vượt qua sóng gió, tiếp tục dẫn dắt tiến trình bước ngoặt trong lịch sử nước Anh?