📞

Thông điệp quốc gia cuối cùng của ông Duterte: Ít tầm nhìn, nhiều hoài niệm

Minh Vương 10:30 | 27/07/2021
Thông điệp quốc gia ngày 26/7 là dịp để Tổng thống Philippines Duterte điểm lại thành tựu và khẳng định nỗ lực thực hiện cam kết trước khi mãn nhiệm năm 2022.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trình bày Thông điệp quốc gia cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình ngày 26/7 tại Tòa nhà Quốc hội Philippines. (Nguồn: Reuters)

Do tác động của dịch Covid-19, đây là năm thứ hai liên tiếp buổi lễ được tổ chức theo hình thức nửa trực tuyến, nửa trực tiếp với sự hiện diện của 350 khách mời tại Tòa nhà Quốc hội Philippines.

Đây cũng là lần cuối cùng của ông Rodrigo Duterte đọc Thông điệp quốc gia trên cương vị Tổng thống. Là người luôn biết cách tạo dấu ấn, nhà lãnh đạo này một lần nữa khiến người dân phải ngỡ ngàng khi có phần trình bày dài 2 tiếng và 46 phút, qua đó thiết lập kỷ lục mới kể từ năm 1986.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh còn chưa đầy một năm cầm quyền, thay vì đề xuất nhiều ý tưởng táo bạo hay tầm nhìn mới mẻ như mọi lần, Tổng thống Rodrigo Duterte đã dành phần lớn thời lượng này đề cập những thành tựu, cam kết mà ông đã hoàn thành với người dân Philippines.

Vậy Tổng thống Rodrigo Duterte “hoài niệm” về những gì trong phát biểu trước lưỡng viện?

“Ngày hôm nay, khi sắp mãn nhiệm, thay vì các kế hoạch hay tầm nhìn năm nào, trong tôi giờ chỉ còn sự hoài niệm. Nó không khiến tôi hối hận, hay suy nghĩ về những gì có thể đã xảy ra. Hơn cả, sự hoài niệm ấy nhắc nhở tôi về trách nhiệm, nghĩa vụ phải đưa đất nước tiếp tục tiến lên, vượt qua nhiều vấn đề cấp bách và khó lường ở phía trước”. (Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte)

Trọng tâm đối nội

Đầu tiên, ông đã nhắc tới nhiều vấn đề đối nội nổi trội của Philippines thời gian gần đây, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong ngày 26/7, Philippines ghi nhận thêm 6.664 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 1,555 triệu ca. Với 23 ca tử vong trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên 27.247 người.

Tình hình này khiến Philippines là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và thuộc nhóm số quốc gia phải phong tỏa để phòng dịch lâu nhất thế giới.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng nhìn vào thực tế, biến thể Delta của SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trong khu vực Đông Nam Á với sức tàn phá khủng khiếp. Thừa nhận rằng Philippines “đã dành quá nhiều nguồn lực vượt qua đại dịch” và không thể phong tỏa thêm nữa, ông kêu gọi người dân chờ tiêm vaccine Covid-19, bởi đây là vũ khí tốt nhất chống lại đại dịch vào lúc này.

Tuy nhiên, Philippines không vì thế mà bi quan. Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh năng lực phòng, chống Covid-19 của Philippines đã cải thiện đáng kể. Hiện nước này có 260 phòng khám đạt chuẩn với năng lực xét nghiệm 50.000 mẫu/ngày, cùng 9.000 cơ sở khám chữa và điều trị.

Ông khẳng định Thông điệp quốc gia không phải là “tiếng hót cuối cùng” và trong những ngày còn lại, nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước vượt qua thách thức từ đại dịch Covid-19.

Về kinh tế, Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng nền kinh tế đã dần xây dựng được lòng tin của các nhà đầu tư và trên đà tăng trưởng tích cực “cho đến khi đại dịch Covid-19 đánh cắp tất cả”.

Đề cập một số vấn đề đã được giải quyết như giá nước, đạo luật bảo vệ người trồng dừa, thúc đẩy Đạo luật Kinh doanh thuận lợi, ông khẳng định đã mang tới “sự phát triển bình đẳng” cho Philippines. Chính phủ nước này đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, dù đó là Tuyến Metro tại Manila hay con đường ven biển ở Sorsogon, và giảm thiểu câu chuyện ùn tắc giao thông tại thành phố lớn.

Cuối cùng, ông cho biết đã đẩy mạnh chống tham nhũng, dù chưa mang lại kết quả như mong muốn. Cuộc chiến chống ma túy “vẫn còn một chặng đường dài" và nhà lãnh đạo này vẫn tự hào vì Manila đã bắt giữ và xét xử hàng nghìn kẻ phạm tội và thiết lập ổn định, trật tự tại Marawi.

Có thể thấy, trong bối cảnh không còn quá nhiều thời gian trong nhiệm kỳ, Tổng thống Duterte hướng tới củng cố vững chắc di sản đối nội, đồng thời tiếp tục thực hiện những cam kết đã đề ra.

Trung Quốc, Mỹ và Biển Đông

Dù không nhắc nhiều tới đối ngoại, song Thông điệp quốc gia lần này vẫn ít nhiều cho thấy một số chi tiết đáng chú ý về lập trường của Tổng thống Duterte với các người chơi lớn trong khu vực.

Thời gian qua, Philippines đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia, đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác với mọi quốc gia và tìm kiếm quan hệ đối tác.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Rodrigo Duterte khẳng định người đầu tiên ông gọi để tìm kiếm sự giúp đỡ về vaccine trong đại dịch Covid-19 là Chủ tịch Tập Cận Bình. Với ông, 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 đã chứng minh rằng Bắc Kinh là một “người bạn thật lòng” của Manila.

Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định người Philippines sẽ “chiến đấu và lấy lại những gì thuộc về mình”. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (ICC) năm 2016 về Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc đối đầu không cân sức giữa Manila và Bắc Kinh.

Đổi lại, nhà lãnh đạo này đã chỉ trích thỏa thuận quân sự với Mỹ. Theo ông, Washington từng khẳng định sẽ đáp trả một khi Manila bị tấn công, song lại ra tuyên bố rằng nước này sẽ không can thiệp vào xung đột liên quan tới biên giới lãnh thổ của các nước khác.

Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng “nước xa không cứu được lửa gần”. Với quy trình phức tạp tại Quốc hội Mỹ, rất khó để Quân đội nước này phản ứng kịp thời trước thách thức nguy hiểm mà Philippines phải đối mặt.

Đặc biệt, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cảm ơn “bạn bè các nước ASEAN và thế giới”, khẳng định sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và hợp tác vì mục tiêu chung.

Trong những ngày gần đây và bài phát biểu này, ông Duterte đã nhắc đến khả năng trở thành Phó Tổng thống thời gian tới. Do đó, nhấn mạnh thành tựu, lập trường về đối nội và đối ngoại là cách ông Duterte củng cố di sản, đồng thời thể hiện bản thân như một nhà lãnh đạo hiệu quả, với tầm ảnh hưởng, lực đẩy chính trị quan trọng với các ứng cử viên Tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.