📞

Thủ tướng Angela Merkel – nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015

20:58 | 29/12/2015
Hãng thông tấn AFP (Pháp) vinh danh Thủ tướng Đức nhờ những đóng góp của bà trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở châu Âu năm 2015.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được AFP bình chọn là nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015. (Nguồn: AFP)

Trong một năm châu Âu “rung chuyển” với nhiều cuộc khủng hoảng, từ xung đột Ukraine cho đến khủng hoảng tài chính Hy Lạp và đỉnh điểm là dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào lục địa già, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định mình là nhà lãnh đạo số một của châu Âu, bằng sự dũng cảm đương đầu với khó khăn và với nhiệt huyết cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Đương đầu với “bão”

Trên mọi mặt trận, dù là đàm phán với Moscow để giải quyết khủng hoảng Ukraine, thương lượng với Athens về các điều khoản cứu trợ tài chính, hay ứng phó với làn sóng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai, bà Merkel luôn đóng vai trò trung tâm, chống đỡ cho lục địa già khỏi chao đảo trước những “cơn bão” lớn.

Trong thời điểm bất ổn nhất của châu Âu, “Mutti” (Mẹ - biệt danh của bà Merkel) đã có một nước đi táo bạo bất ngờ, khi mở cửa nước Đức, chào đón người tị nạn từ Syria, những người khốn cùng nhất của thế giới. Điều này khiến bà đã phải đứng trước nhiều áp lực đòi bà từ chức ở trong nước, cũng như vấp phải sự phản đối, cô lập của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

“2015 là một năm thật đáng kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua một chuỗi các sự kiện lớn và có ý nghĩa như vậy” - nữ Thủ tướng Đức, người không mấy khi dùng ngôn từ cường điệu, cũng phải bày tỏ cảm xúc của mình sau khi trải qua một năm đầy biến động.

Danh hiệu mà bà Merkel được AFP trao tặng thật sự xứng đáng với “người con gái của một mục sư theo đạo Tin Lành, người lớn lên sau Bức màn sắt, người đã dùng lòng thương xót như một thứ vũ khí, xem những người tị nạn là nạn nhân cần được giải cứu, thay vì coi họ là một đội quân xâm lược”, trích lời Tổng biên tập tạp chí TIME Nancy Gibbs.

Người cầm lái EU

Sự gia tăng ảnh hưởng của nước Đức tại EU trong gần thập kỷ cầm quyền của bà Merkel đã được thể hiện qua sự chèo lái để hỗ trợ thành công các nước láng giềng châu Âu.

Trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bà Merkel đã kiên quyết thuyết phục các thành viên khu vực đồng Euro cắt giảm chi tiêu công, nhằm cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các chủ nợ quốc tế có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, “bà đầm thép” nước Đức vẫn giữ niềm tin có thể đạt được một thỏa thuận về khủng hoảng nợ Hy Lạp. Và cuối cùng, dù rất khó khăn, Athens và EU đã đạt được thỏa thuận với sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên. Để đạt được kết quả này, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp không nhỏ của nước Đức, cụ thể là bà Merkel.

Một người tị nạn chụp ảnh cùng Thủ tướng Đức. (Nguồn: AFP)

Đặc biệt, một quyết sách mang tính lịch sử trong năm 2015 của bà Merkel chính là quyết định của Đức mở cửa biên giới đối với người tị nạn. Trong bối cảnh hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu diễn ra ở ngay trong lòng châu Âu, khiến nhiều nhà lãnh đạo EU trở nên e dè hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, Đức trở thành quốc gia chào đón người di cư nhập cảnh nhiều nhất (800.000 người trong năm 2015).

Quyết sách táo bạo của bà Merkel có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ vì sự hào phóng, tốt bụng, cởi mở của người Đức. Lòng tốt người Đức lan tỏa đi khắp nơi, thậm chí nhiều người còn gọi bà là “lương tâm của châu Âu”.

“Chúng ta có thể làm được điều này” đã trở thành câu thần chú linh nghiệm của nữ Thủ tướng Đức mỗi khi bà tìm cách để thuyết phục các nước thành viên EU. Chính những hành động nghĩa hiệp, thể hiện sự bác ái, yêu thương của bà đối với nhân loại đã khiến bà Merkel được ca ngợi là “người mẹ Merkel” của những người tị nạn.

Cái tên Merkel dường như cũng đã trở thành một hiện tượng, mọi người đổ xô đi “selfie” với bà và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bà liên tiếp ẵm hàng loạt giải bình chọn nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2015. Trước đó, vị Thủ tướng Đức cũng đã được tuần báo Mỹ Time và nhật báo Anh Financial Times bình chọn là Nhân vật của năm 2015.

Còn nhà bình luận của tờ New York Times Roger Cohen thì viết những lời có cánh về bà Merkel rằng “bà đã trở thành một hình tượng lớn ở châu Âu, có thể sánh ngang với những cựu Thủ tướng Đức thời hậu chiến như Konrad Adenauer, Helmut Schmidt và Helmut Kohl, thậm chí còn vượt qua cả họ”.

Ngay cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, người từng phản ứng quyết liệt về các quyết định của bà Merkel, cũng bày tỏ ngưỡng mộ nữ Thủ tướng Đức. “Nếu tôi là người Đức, tôi sẽ bầu cho bà Merkel”, ông chia sẻ với tuần báo Stern.

Năm 2015 đánh dấu 10 năm làm Thủ tướng của bà Angela Merkel. Hiện nay, nhiều người Đức vẫn còn nghi ngờ về sự ổn định và an ninh của đất nước sau những quyết sách của bà. Điều này có thể gây khó khăn cho Thủ tướng Merkel khi bà ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 2017, tuy nhiên, không có gì là không thể với vị nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức.

“Đó là một thách thức lịch sử đối với châu Âu và chúng ta phải đương đầu với thách thức này. Tôi tin chắc rằng chúng ta có thể làm được và năm 2016 sẽ là minh chứng đúng đắn nhất cho điều đó”, “bà đầm thép” tuyên bố trước Hội đồng châu Âu trong tiếng vỗ tay rào rào.