Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Đức thăm Nga: Còn nước, còn tát

Chuyến công du của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Sochi (Nga) ngày 18/5 tới đây là nỗ lực ngoại giao nhằm tái thiết liên minh Berlin - Moscow và duy trì “thỏa thuận hạt nhân” với Iran sau khi Mỹ đơn phương rút lui.
TIN LIÊN QUAN
thu tuong duc tham nga con nuoc con tat Khi Đức, Pháp đồng lòng
thu tuong duc tham nga con nuoc con tat Đại liên minh Đức khó cứu EU

Ngày 8/5, quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Âu chao đảo, bất chấp nỗ lực không mệt mỏi từ ba nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức.

Thông báo của ông Trump đã thổi bùng những căng thẳng khu vực và đẩy khoản đầu tư của châu Âu vào Iran, từ dầu mỏ đến hàng không vũ trụ, tới bờ vực thẳm. Trước mối đe dọa này, Đức, Anh và Pháp đã khẳng định tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tuy nhiên sự đồng lòng của châu Âu là chưa đủ. Để chống đỡ được với các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc của Mỹ, thỏa thuận cần nhận được sự hậu thuẫn từ Nga và Trung Quốc. Vì vậy, sứ mệnh của bà Merkel tại Sochi lần này là thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và tiếp tục tuân thủ các điều khoản mà Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) còn gọi là thỏa thuận hạt nhân với Iran đề ra.

thu tuong duc tham nga con nuoc con tat
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Nga năm 2017. (Nguồn: Reuters)

Châu Âu cần Nga

Ngay sau thông báo của Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đều tuyên bố quyết tâm đảm bảo việc thực thi JCPOA và làm việc đến cùng với các bên khác. Để đạt được mục tiêu này, châu Âu sẽ phải tham gia với Nga và Trung Quốc trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng tài chính và pháp lý mới để bảo vệ hoạt động thương mại với Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Sau lời tuyên bố của ông Trump, Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ thái độ “vô cùng thất vọng”, cho rằng Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Moscow khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại trong JCPOA, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Iran.

Trong cuộc điện đàm ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi. Trong thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm, Kremlin nêu rõ: “Tình hình liên quan tới JCPOA sau khi Mỹ đơn phương rút lui đã được thảo luận. Tầm quan trọng của việc bảo vệ thỏa thuận từ phương diện ổn định quốc tế và khu vực vẫn được đề cao”.

Dù quan hệ Nga – Đức thời gian gần đây có nhiều diễn biến căng thẳng, liên quan đến cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Bộ Ngoại giao Đức hay vấn đề Crimea, song trước quyết định “dứt áo ra đi” của ông Trump, Berlin cần xích lại gần Moscow để đạt được mục tiêu.

Giải pháp cho trừng phạt kinh tế

Sau tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của châu Âu tại quốc gia Trung Đông này. Đích thân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã cảnh báo các công ty châu Âu nên bắt đầu hủy kế hoạch đầu tư tại Iran. Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenel cũng thẳng thắn khuyên các công ty Đức “ngay lập tức” dừng hoạt động kinh doanh ở Iran.

Châu Âu cần tìm sự giúp sức từ Nga và Trung Quốc, hai nhân tố có khả năng cung cấp cho Tehran viện trợ đủ lớn để duy trì thỏa thuận. Trong khi Trung Quốc là đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran với quan hệ thương mại lên đến 600 tỷ USD trong 10 năm qua, thì việc Nga ký bản hợp đồng năng lượng năm 2014 với Iran có trị giá 20 tỷ USD trong vòng 5 năm giúp nước này cứu vãn phần nào khó khăn từ lệnh trừng phạt kinh tế.

Theo các nhà phân tích, trên thực tế Nga không bị ảnh hưởng lợi ích như các nước châu Âu. Thậm chí, các công ty của nước này có thể sẽ hưởng lợi từ việc Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Theo đó, Iran cũng đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng, viễn thông và điện lực, những lĩnh vực Nga có lợi thế. Ngoài ra, tình hình hiện nay có thể đẩy mạnh xu hướng sử dụng đồng Rúp (Ruble) trong giao thương giữa Nga với các nước Trung Đông, thay vì đồng USD để tránh bị tư pháp Mỹ gây khó dễ. Việc giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 đã mang lại nhiều nguồn lợi cho Moscow.

Nhận định về quan hệ Nga – Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hai nước có ý định tiếp tục “hợp tác kinh tế toàn diện” và “chúng tôi không sợ bị trừng phạt”. Do đó, không sai nếu nói rằng quyết định chọn giải pháp cứng rắn nhất với Iran của chính quyền ông Trump đã mang lại sức sống mới cho mối quan hệ kinh tế Nga - Iran.

Còn quá sớm để nói rằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của Liên minh châu Âu nhằm cứu vãn JCPOA sẽ thành công. Tuy nhiên, điều duy nhất chắc chắn ở thời điểm hiện tại là thỏa thuận hạt nhân Iran này sẽ tiếp tục bấp bênh trong thời gian tới và Nga cùng Trung Quốc có thể là cứu cánh cuối cùng của châu Âu.

thu tuong duc tham nga con nuoc con tat Châu Âu xem xét việc phòng thủ độc lập, không dựa vào Mỹ

Ngày 11/5, phát biểu trong một cuộc họp ba bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại thành phố ...

thu tuong duc tham nga con nuoc con tat Hội đàm cùng Tổng thống Mỹ, bà Merkel chưa chắc chắn về kết quả

Rạng sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà ...

thu tuong duc tham nga con nuoc con tat Thủ tướng Đức "bật đèn xanh" cho thương vụ ​Daimler

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, bà không thấy "có sự vi phạm nào" trong việc tỷ phú ...

Minh Quân