Nhỏ Bình thường Lớn

Thực dụng khó thành bằng hữu

Sức ép của Mỹ và phương Tây như chất xúc tác khách quan đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong cuộc gặp tại Thượng Hải ngày 20/5/2014.

Từ ngày 7-12/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đến ba nước Kazakhstan, Nga và Belarus. Trong thời gian tại Nga (8-10/5), ông Tập sẽ dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng cuộc Chiến tranh vệ quốc ở Moscow, đồng thời sẽ ký với lãnh đạo nước chủ nhà một loạt văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và năng lượng.

Thay đổi lập trường

Trước thềm chuyến thăm, dấu hiệu về mối quan hệ Nga - Trung ngày càng "ấm áp" đến từ những tuyên bố "có cánh" của giới chức cấp cao hai nước. Trong khi Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho rằng Nga và Trung Quốc "mong muốn trở thành những quốc gia gắn kết với nhau một cách sâu sắc" thì Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình khẳng định quan hệ hai nước đã "đạt đến một cấp độ mới của sự phát triển".

Có thể thấy, việc đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc là "đòn trả đũa" hiệu quả của Nga nhằm chống lại sự bao vây, trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. Kể từ tháng 3/2014, khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, nhất là sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, chính quyền Washington và các nước phương Tây đã tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Để thoát khỏi khủng hoảng, Nga buộc phải chuyển hướng chiến lược sang phía Đông và Trung Quốc là một bạn hàng lớn.

Về phần mình, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - xem Nga là nguồn cung cấp năng lượng lớn cũng như một thị trường tiêu thụ hàng hóa nhiều tiềm năng. Đặc biệt, hiện Trung Quốc đang rất chủ động đưa ra nhiều sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), đóng vai trò chủ chốt trong việc thành lập Ngân hàng của khối BRICS, xây dựng chiến lược “Một vành đai, một con đường” kết nối với ASEAN, Trung Á... Trong bối cảnh đó, nếu có thêm sự hỗ trợ của Moscow thì tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ rộng lớn và mạnh mẽ hơn, có thể cạnh tranh vị thế hàng đầu của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, những động thái nói trên đã phần nào cho thấy sự thay đổi lập trường của Moscow và Bắc Kinh trong bối cảnh mới. "Người Nga và Trung Quốc xem Mỹ tiếp tục là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới trong vài thập kỷ tới. Dù vậy, họ tin rằng ảnh hưởng của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới đang sụt giảm", ông Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow, nhận định trên tờ Washington Times.

Cũng theo ông Trenin, "thay vì một châu Âu vĩ đại từ Lisbon đến Vlapostok, một châu Á vĩ đại từ Thượng Hải đến St. Petersburg đã trong tầm tay".

Hợp tác nhất thời

Dù cho quan hệ Nga - Trung được đánh giá đang ở "thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử", tuần trăng mật này phần nhiều mang tính thực dụng, nhất thời. Trong quá khứ, mối quan hệ Nga và Trung Quốc vốn không hề êm đẹp, bởi giữa hai nước này tồn tại nhiều mâu thuẫn cũng như sự nghi kỵ, cạnh tranh lẫn nhau.

Hiện nay, điều Nga lo ngại nhất ở Trung Quốc chính là tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh. Thực chất, Nga muốn "mượn gió Trung Quốc để đẩy con thuyền kinh tế Nga" nhưng Moscow ngày càng phải phụ thuộc vào Bắc Kinh. Đây là kịch bản mà Điện Kremlin không muốn, nhưng đã là quan hệ kinh tế thì phải phụ thuộc lẫn nhau, nhất là khi Nga đang ở thế yếu.

Ngược lại, Trung Quốc luôn e ngại về sự cạnh tranh sức mạnh quân sự cũng như ảnh hưởng địa chính trị của Nga trên khắp lục địa Á - Âu. Tuy vậy, Trung Quốc là nước đang trỗi dậy, còn vị thế cường quốc của Nga đang khó khăn nên họ thực sự cần một đối tác để nâng cao vị thế của nhau, bất chấp việc hai bên ấp ủ những giấc mơ riêng.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia phương Tây, về lâu dài Nga sẽ tiếp tục gắn bó với châu Âu, bởi châu Âu cần Nga và tư tưởng châu Âu là gốc rễ đã có từ lâu đời. Vì vậy, trong tương lai gần, việc cải thiện quan hệ Nga - EU vẫn là điều quan trọng hơn là sự tham gia sâu của Nga vào các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương. Bản thân nhiều cường quốc châu Âu như Đức, Pháp, Italy… cũng đang muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, bởi đó là lợi ích thiết thân của những nước này.

Tóm lại, cái bắt tay của Nga - Trung Quốc có thể xem như là một phản ứng hợp lý nhằm đối phó với những hành động của Mỹ và phương Tây. Ngoại trừ mục tiêu chung này, cả hai nước đều có tham vọng riêng về tầm ảnh hưởng trong các mặt chính trị, quân sự, kinh tế ở khu vực và trên thế giới. Khi hai con hổ lớn đều muốn làm "chúa tể sơn lâm", sự đoàn kết vì lợi ích chung lâu dài là điều khó có thể trông mong.

Quang Chinh