Lãnh đạo các nước tại phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20, tổ chức tại Osaka, Nhật Bản. (ảnh JPTimes) |
Trong tuần vừa qua, thành phố biển Osaka của Nhật Bản đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới khi là nơi tụ hội của lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển (G20).
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động nhanh, khó lường, cạnh tranh Trung - Mỹ và Nga - Mỹ tiếp tục gay gắt, ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do đó, G20 Osaka được chờ đợi là sẽ mang đến thay đổi tích cực tới tình trạng này và nó đã không khiến khán giả phải thất vọng.
Cả song phương và đa phương đều sôi động
Trước G20, cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright từng nhận định rằng sự kiện quy tụ nguyên thủ các cường quốc sẽ là bài kiểm tra khó nhằn dành cho xu thế hợp tác đa phương toàn cầu nói chung. Sự thật đã chứng minh điều đó.
Các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các nước lớn như Mỹ - Trung, Mỹ - Nga và Mỹ - Ấn đã giành nhiều thời lượng của giới truyền thông. Tuy nhiên, điều đó không cản bước hợp tác đa phương, vốn là tôn chỉ của G20 nói chung và nằm trong xu thế chung của thế giới nói riêng vì một vài lý do sau.
Thứ nhất, G20 Osaka năm nay có sự tham dự đầy đủ của các nước thành viên, bao gồm 7 bảy nước công nghiệp phát triển (G7) cùng khối Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ… Sự hiện diện này cho thấy bất chấp khác biệt về lập trường, quan điểm, những quốc gia này đều đề cao vai trò của G20 như là một diễn đàn đa phương quốc tế hàng đầu.
Thứ hai, khẩu hiệu của G20 năm nay là “Đảm bảo Tăng trưởng Bền vững Toàn cầu”, thể hiện qua tám nội dung chính: Kinh tế thế giới, Thương mại và Đầu tư, Đổi mới sáng tạo, Môi trường và Năng lượng, Việc làm, Cải thiện quyền phụ nữ, Phát triển và Sức khỏe. Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi hợp tác đa phương, với sự tham dự tích cực tất cả các quốc gia và trong bối cảnh xu thế hợp tác song phương đang trở lại, điều này là không hề dễ dàng. Một số vấn đề nóng như bảo hộ thương mại, chống biến đổi khí hậu đã không được đưa vào thỏa thuận.
Dù vậy, G20 Osaka vẫn ra được Tuyên bố chung, với 43 điểm nội dung, đề cập tới nhiều vấn đề là mối quan tâm chung của các quốc gia, song cũng lồng ghép những điểm rất “Nhật” như nền kinh tế số, rác thải nhựa…
Tiếp đà G20, trong thời gian tới, chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục là xu thế lớn, với hàng loạt hoạt động sôi nổi tại các diễn đàn đa phương lớn và khu vực như Liên hợp quốc, Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay ASEAN.
Ông lớn “làm hòa” và dấu ấn Donald Trump
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, điểm nhấn không thể thiếu trong G20 Osaka năm nay chính là các cuộc gặp bên lề giữa lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới, không ít trong số đó đang ở thế đối đầu như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đáng chú ý, chúng đều diễn ra theo xu hướng hòa dịu hơn, khác với những diễn biến căng thẳng trước thềm sự kiện.
Đơn cử như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Ít ai có thể ngờ rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau cuộc trò chuyện ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lại đồng ý dỡ bỏ một phần cấm vận với Huawei và nối lại đàm phán thương mại đang bế tắc, điều vốn tưởng chừng chỉ xảy ra một khi Trung Quốc “nhận thua”.
Tương tự, hội đàm giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ít nhiều xua tan bầu không khí căng thẳng trong quan hệ hai nước thời gian qua, tạo đà tích cực để hai bên tiến tới cải thiện bang giao trong thời gian tới.
Ngoài ra, cuộc gặp ít được chú ý hơn giữa ông Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ tháng 11/2017 được cho là sẽ mở rộng hợp tác giữa hai nước trong 4 lĩnh vực chính (Iran, 5G, thương mại và hợp tác quốc phòng), tăng cường vai trò của Ấn Độ trong sáng kiến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong số những cuộc gặp đó, vai trò của nước Mỹ nói chung và dấu ấn của Tổng thống Donald Trump nói riêng là đậm nét. Giới quan sát đặc biệt chú ý thái độ thân thiện đến khác thường dành cho những nhân vật ông từng chỉ trích trong các hoạt động của G20 Osaka, khi gọi ông Tập Cận Bình là “nhà lãnh đạo xuất sắc trong 200 năm trở lại đây”, ông Putin là “người bạn mới thân thiết nhất của tôi” hay bà Merkel là “người phụ nữ tuyệt vời”.
Không loại trừ khả năng đây đơn thuần chỉ là thay đổi cách tiếp cận, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2020 đang cận kề. Trước đó, ông Trump vẫn giữ chiến lược gặt hái những thành tựu đối ngoại ngắn hạn để phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này dường như đã thấu hiểu rằng chỉ “lửa và cuồng nộ” là không đủ để đạt được mục tiêu và nhượng bộ đôi khi lại là điều cần phải làm.
Tuy nhiên, một hai cuộc gặp là chưa đủ để mang đến thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga. Cạnh tranh nước lớn có thể ít nhiều hạ nhiệt trong thời gian tới, song về lâu dài, căng thẳng sẽ tiếp tục cho đến khi có thay đổi trong tương quan lực lượng, kéo theo chuyển biến về mặt nhận thức, mở đầu cho tiến trình cải thiện quan hệ có kế hoạch và dài hạn.
Do đó, thời gian tới, trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ sẽ triển khai sách lược “vừa đấm vừa xoa”, nhằm giành được một thỏa thuận thương mại có lợi trên bàn đàm phán. Với Nga, Mỹ có thể tỏ ra hòa hoãn hơn, nhằm đạt được một số mục tiêu nhất định như buộc Iran xuống nước, giải quyết triệt để vấn đề Syria và Venezuela. Về vấn đề Triều Tiên, Washington sẽ hướng tới cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, thậm chí là tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3.
Tuy nhiên, mong muốn là vậy, song với những diễn biến nhanh và khó lường của tình hình thế giới hiện nay, khó có thể biết liệu sở nguyện của người đứng đầu Nhà Trắng có được như ý hay không. Điều duy nhất chắc chắn là dư âm của G20 Osaka sẽ tiếp tục chi phối cuộc chơi giữa nhiều quốc gia thời gian tới.
Lưu Minh Quân