📞

Thượng đỉnh Hàn - Triều: Kỳ vọng hòa bình

09:08 | 27/04/2018
Nhiều người kỳ vọng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều sẽ mang đến thay đổi bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng đối với Seoul nói riêng và đối với Mỹ cùng đồng minh khu vực nói chung.

Bất chấp những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn đang giữ vai trò chủ đạo và được cổ súy trên toàn thế giới. Triều Tiên cũng không nằm ngoài “cơn gió” ấy.

Những động thái gần đây tại bán đảo Triều Tiên là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Nửa năm trước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn “trượt dài” trong các cuộc đấu khẩu và đe dọa lẫn nhau. Song đầu tháng Ba vừa qua, Bình Nhưỡng và Washington đã đồng thuận về tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên vào đầu tháng Sáu tới.

Tuy nhiên, thành công của cuộc gặp đó sẽ phụ thuộc không nhỏ vào lần giáp mặt đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Bàn Môn điếm ngày 27/4 tới. Sau 11 năm, người ta mới có thể một lần nữa chứng kiến hai nhà lãnh đạo của bán đảo Triều Tiên bắt tay nhau. Nhưng nỗ lực của ông Moon và thiện chí đến từ ông Kim có được cụ thể hóa thành một Hiệp ước Hòa bình, đưa quan hệ liên Triều “hóa thù thành bạn”, tạo tiền đề cho thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới hay không, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Liệu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể làm nên lịch sử? (Nguồn: CGTN)

Những tín hiệu tích cực

Hoài nghi có thể là thừa, khi chỉ còn 2 ngày nữa là thượng đỉnh khai mạc, với công tác chuẩn bị được gấp rút hoàn tất trong một bầu không khí hòa bình chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên.

Chiều ngày 24/4 tại Nhà Hòa bình trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị trù bị. Tương tự, ngày 25/4, phái đoàn Triều Tiên do quan chức Ủy ban Quốc phòng Kim Chang-son dẫn đầu cũng tham dự một hội nghị tương tự giữa hai bên. Ngay hôm sau, các bên sẽ tiến hành thao duyệt lần cuối, với sự tham dự của sáu quan chức tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in, đồng thời công bố kế hoạch và lịch trình cụ thể về thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.

Nếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng là chưa đủ để nhiều người bớt nghi ngại về thượng đỉnh liên Triều, tín hiệu tích cực từ cả Seoul và Bình Nhưỡng đã phần nào củng cố thêm cho niềm tin về một cuộc gặp thành công.

Ngày 21/4, trong tuyên bố về chiến lược mới cho đất nước, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẽ tạm thời đóng cửa các cơ sở nghiên cứu tên lửa và vũ khí hạt nhân, hoãn các vụ thử tên lửa để theo đuổi phát triển kinh tế, mang lại hòa bình ổn định cho đất nước. Các chuyên gia tỏ ra thận trọng trước động thái bất ngờ đến từ Triều Tiên - một số cho rằng Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ vũ khí hạt nhân nên đã chuyển hướng sang đàm phán để dỡ bỏ cấm vận, số khác lại tin đây là bước đi của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm đặt điều kiện với Hàn Quốc và Mỹ trong thượng đỉnh sắp tới. Điều duy nhất có thể chắc chắn là bước đi này đã tạo bầu không khí tích cực cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bán đảo Triều Tiên sắp tới.

Về phần mình, Hàn Quốc cũng đang chứng tỏ thiện chí trong đàm phán với Triều Tiên, bằng cách dừng hoạt động khiêu khích, mà cụ thể là ngừng phát thanh radio các bài hát K-Pop hay về những cuộc đào thoát dọc biên giới hai miền. Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hoi-hyun hy vọng động thái này sẽ làm “giảm căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên và xây dựng một bầu không khí hòa bình cho thượng đỉnh”.

Trời lặng trước bão?

Tuy nhiên, sự im lặng bất ngờ dọc biên giới liên Triều cũng có thể báo hiệu về những căng thẳng trên bàn đàm phán sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo.

Một trong những vấn đề quan trọng nhưng cũng không kém phần gai góc trong thượng đỉnh liên Triều lần này là đề xuất về ký kết Hiệp ước Hòa bình, thay thế cho một Thỏa thuận Ngừng bắn mong manh được thiết lập sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Đáng chú ý, một tài liệu được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố cho thấy Triều Tiên từng mong muốn ký kết Hiệp ước Hòa bình với Hàn Quốc vào năm 1987, giảm thiểu lực lượng ở biên giới xuống dưới 100.000 người và kêu gọi các nước khác rút quân về nước. Tuy nhiên, đề xuất được Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev gửi tới Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã bị gạt bỏ, khi cả Washington và Seoul đều cho rằng động thái này phi thực tế.

Lần này, Hàn Quốc mới là quốc gia chủ động nói về Hiệp ước Hòa bình. Bối cảnh giờ đây đã khác – Triều Tiên và Mỹ đã thoát thế “một mất một còn”, còn một Liên bang Nga kế nhiệm Liên Xô không còn có tiếng nói như trước tại khu vực Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó bởi yếu tố Trung Quốc. Nước láng giềng được cho là “thân thiết” nhất của Triều Tiên, có thể muốn duy trì hiện trạng thay vì chứng kiến một Bình Nhưỡng ngày một tự chủ về kinh tế và chính trị. Thêm vào đó, Triều Tiên đã không đề cập tới việc yêu cầu Nhà Trắng rút quân trong các chuẩn bị trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Một bán đảo Triều Tiên lớn mạnh cùng sự hiện diện của lực lượng đồn trú của Mỹ là “cơn ác mộng” cho một số người chơi chính trên bàn cờ khu vực. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng ảnh hưởng của mình nhằm tác động tới kết quả của các cuộc gặp.

Tận dụng được tình hình thuận lợi, hạn chế những khó khăn và bất đồng còn tồn tại, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in sẽ đứng trước cơ hội làm nên lịch sử, đưa “cơn gió” hòa bình đến với từng ngóc ngách trên bán đảo Triều Tiên, khôi phục lại sinh khí tại khu vực còn nhiều bất ổn này.