📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Đầy triển vọng, lắm chông gai

15:06 | 31/05/2018
Khả năng diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Triều đã được hồi sinh, song vẫn phải đối mặt với không ít nguy cơ tiềm ẩn.

Ngày 25/5, ngay sau quyết định hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Donald Trump đã nói lại rằng Washington và Bình Nhưỡng đã “có những cuộc thảo luận hiệu quả” về việc chuẩn bị cho cuộc gặp diễn ra tại Singapore ngày 12/6 như dự kiến. Về phần mình, Bình Nhưỡng đã bày tỏ thiện chí, khẳng định sẵn sàng đàm phán với Washington bất cứ lúc nào. Hai ngày sau, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ có cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để bàn về diễn biến mới nhất liên quan đến thượng đỉnh Mỹ - Triều nói chung và quan hệ song phương nói riêng.

Kể từ đó đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử này đã được cả hai bên xúc tiến nhanh chóng. Ngày 28/5, ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã lên đường thăm Washington sau khi dừng chân ở Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ cũng cử Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagins dẫn đầu một đoàn quan chức cấp cao tới Singapore vào ngày 28/5 để gặp gỡ phía Triều Tiên.

Chỉ trong vòng một tuần, gió đã liên tục xoay chiều trên bán đảo Triều Tiên, khiến không ít người bối rối. Vậy điều gì đã khiến các bên đổi ý nhanh đến vậy?

Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (giữa) sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump và quan chức cấp cao Nhà Trắng trong vài ngày tới. (Nguồn: AP)

Lợi cả đôi bên

Có thể nói, mục tiêu cao nhất trong chính sách đối ngoại của bất kỳ đất nước nào đều là phục vụ lợi ích quốc gia và với Washington, duy trì thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho xứ cờ hoa. Ông chủ nhà Trắng coi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một thắng lợi về mặt ngoại giao trên trường quốc tế, trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Nhà Trắng liên tục bị chỉ trích kịch liệt. Quan trọng hơn, với cá nhân nhà cựu tỷ phú, việc hóa giải vấn đề gai góc tồn tại trong nhiều thập kỷ của chính quyền Mỹ sẽ đưa ông vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm Obama, gặt hái thành tựu lịch sử.

Trong khi đó, việc thượng đỉnh Mỹ - Triều nhiều khả năng diễn ra như dự kiến đã khiến Bình Nhưỡng có thể ít nhiều thở phào, khi quốc gia này đã “đặt cược” quá nhiều, từ thay đổi thái độ đối địch thường thấy tới trì hoãn, cam kết giải giáp chương trình hạt nhân, vốn từng được coi là “không thể thương lượng”. Bởi lẽ, chính quyền của nhà lãnh đạo (NLĐ) Kim Jong-un sẽ nhận được rất nhiều lợi ích từ sự kiện có một không hai này.

Đầu tiên, dù hội nghị thượng đỉnh chưa diễn ra, song việc Mỹ chấp nhận đối thoại trực tiếp với Triều Tiên đã là một thắng lợi lớn về phương diện ngoại giao. Lợi thế quan trọng khác mở ra cho chính quyền Bình Nhưỡng là viễn cảnh quốc tế ngừng gia tăng các biện pháp cấm vận kinh tế Triều Tiên. Vực dậy kinh tế nhà nước luôn là mục tiêu thứ hai mà NLĐ Kim Jong-un hướng tới sau khi đã trang bị vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên.

Cuối cùng, về mặt đối nội, NLĐ Kim Jong-un cũng cần ghi một bàn thắng quan trọng với người dân. Giờ đây, thế giới không thể coi thường Triều Tiên, vốn được nhắc đến như điển hình về một đất nước lạc hậu, bị mất mùa và đói kém. Thực tế này lý giải tại sao Triều Tiên lại sốt sắng về thượng đỉnh Mỹ - Triều đến như vậy.

Thách thức còn đó

Câu hỏi then chốt còn lại là liệu Mỹ và Triều Tiên có thể nói chuyện được với nhau đến mức độ nào khi tới nay, Washington vẫn đòi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, trong khi NLĐ Kim Jong-un thì chắc chắn không ngây thơ để tin vào một Tổng thống Trump thất thường. Cựu Giám đốc phòng Thí nghiệm Vũ khí Los Almos tại New Mexico Siegfried Hecker cho rằng hy vọng duy nhất của Mỹ là Triều Tiên sẽ đồng ý phi hạt nhân theo từng giai đoạn trong 15 năm tới.

Thêm vào đó, có không ít yếu tố có thể ảnh hưởng tới thượng đỉnh Mỹ - Triều. Một trong số đó là Trung Quốc: Hai chuyến thăm liên tiếp gần đây của NLĐ Kim Jong-un ngay trước thềm thượng đỉnh Hàn – Triều, hay sau tuyên bố của Mỹ, cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng còn rất lớn. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đảm bảo rằng ngay cả khi thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, Triều Tiên vẫn tiếp tục là đồng minh thân thiết, duy trì “vùng đệm” chiến lược của Trung Quốc trong khu vực Đông Bắc Á.

Ảnh hưởng của Nhật Bản cũng là một nhân tố không thể bỏ qua. Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump ngay trước thềm Mỹ - Triều, nhằm đảm bảo các lợi ích quốc gia của Nhật Bản được đề cập trong thượng đỉnh Mỹ - Triều, thậm chí là đi vào trong tuyên bố chung. Mới đây nhất, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã kêu gọi Seoul hủy bỏ thỏa thuận hợp tác tình báo với Tokyo, cho rằng “mối đe dọa từ Triều Tiên” mà hiệp định này nhắm đến sẽ gây mất lòng tin và đối đầu giữa các nước.

Vượt qua những thách thức này sẽ đòi hỏi không chỉ Washington và Bình Nhưỡng, mà còn cả Seoul phải chung tay góp sức, gạt bỏ những bất đồng, đưa  thượng đỉnh Mỹ - Triều đạt được thành công như mong đợi của các bên.