Thưa Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, việc Mỹ và Triều Tiên đã quyết định chọn Hà Nội là nơi tổ chức Thượng đỉnh lần 2 trong các ngày 27 và 28 đang thu hút rất lớn sự quan tâm của dư luận, ông có bình luận gì về sự lựa chọn này của Mỹ và Triều Tiên?
Việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức hội nghị lần này cho thấy hai bên tin tưởng Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có uy tín và vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế. Một mặt, đây là dịp quan trọng để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một đất nước thanh bình, tươi đẹp, năng động và hiếu khách, qua đó thu hút thêm khách du lịch và đầu tư. Mặt khác, sự kiện này cũng là một ví dụ tiêu biểu cho chính sách ngoại giao năng động, tích cực của Việt Nam, thể hiện rõ nét một trong những vai trò “cường quốc hạng trung” mà Việt Nam đang hướng tới, đó là đóng góp vào kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho thế giới.
TS. Lê Hồng Hiệp cho rằng, việc Việt Nam là nơi tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một dịp ý nghĩa để Việt Nam xác tín với cộng đồng quốc tế về nguyện vọng của mình nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thế giới. |
Việt Nam từ lâu đã đưa ra thông điệp “là thành viên tích cực, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” nhưng có ý kiến cho rằng, đó chỉ là chủ trương của phía Việt Nam. Thế nhưng qua một loạt các hoạt động, đóng góp rất chủ động, tích cực và hiệu quả của Việt Nam gần đây vào công việc chung của không chỉ khu vực mà cả thế giới, mà cụ thể lần này là địa điểm được chọn để tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã minh chứng vai trò của Việt Nam, sự tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Ông bình luận gì về điều này?
Những sự kiện như thế này có ý nghĩa gấp nhiều lần những khẩu hiệu, các văn kiện… Nó là hành động thực tiễn, và nó xuất phát từ sự lựa chọn của hai bên Mỹ - Triều, thể hiện sự thừa nhận của hai bên đối với vai trò và vị thế của Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, vai trò của một quốc gia không đến từ nỗ lực tuyên truyền của một quốc gia, mà đến từ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế dành cho vai trò của quốc gia đó.
Vì vậy, sự kiện lần này là một dịp ý nghĩa để Việt Nam xác tín với cộng đồng quốc tế về nguyện vọng của mình nhằm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng thế giới, vừa thể hiện vai trò đó một cách thực tế mà không cần quá nhiều sự tuyên truyền phô trương. Điều quan trọng là Việt Nam cần làm gì tiếp theo để tiếp tục duy trì được uy tín và vai trò đó trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đã đến Việt Nam, sáng 26/2 (Nguồn: Vnexpress.net) |
Một số nhà bình luận đã hàm ý về các khái niệm “Ngoại giao Trung gian” hay “Ngoại giao Hòa giải” ở Việt Nam khi vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và thế giới. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
Hiện vẫn còn quá sớm để nói về mục tiêu đó, bởi đây mới là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một sự kiện như vậy. Nhưng thực hiện vai trò “ngoại giao hòa giải” hay “ngoại giao trung gian” không phải là một điều quá xa vời đối với Việt Nam, nếu xét lịch sử của Việt Nam, hay những nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới của Việt Nam trong thời gian gần đây như tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ hay việc tổ chức hội nghị Mỹ - Triều lần này. Nhưng chúng ta cần tránh chỉ hô khẩu hiệu mà phải có những sáng kiến, sáng tạo trong cách làm, để hướng tới mục tiêu đó.
Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore chỉ diễn ra trong một ngày và dường như không đạt được nhiều kết quả, trong khi đó Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội dự kiến kéo dài tới 2 ngày. Với thời gian như vậy, chắc hẳn nhiều nội dung sẽ được các bên đưa ra bàn thảo và hai bên sẽ đi đến những cam kết và lộ trình cụ thể hơn. Tiến sỹ có thể cho biết dự đoán của ông về một số kịch bản nội dung cho Thượng đỉnh lần này?
Cho tới gần đây, quan điểm của Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn nhiều khác biệt. Mỹ muốn Triều Tiên phá hủy chương trình hạt nhân của họ một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược trước khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với nước này.
Trong khi đó Triều Tiên muốn một lộ trình có đi có lại, mỗi bước đi của mình nhằm dỡ bỏ chương trình hạt nhân phải được Mỹ được đáp lại với những biện pháp tương ứng nhằm đáp ứng các nguyện vọng của Triều Tiên. Hơn nữa, hai bên chưa đạt được cách hiểu chung về khái niệm “phi hạt nhân hóa”.
Vì vậy, tại cuộc họp lần này, hai bên có thể sẽ cố gắng để đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn cho khái niệm “phi hạt nhân hóa”, hay đặt ra một số bước đi cụ thể để cải thiện quan hệ song phương như thiết lập văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước chẳng hạn. Ngoài ra việc hai bên ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cũng là một khả năng.
Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un tại Hội nghị Thượng đỉnh lần một tại Singapore, 6/2018. (ảnh AFP). |
Ông có kỳ vọng vào một tiến trình phi hạt nhân hóa thực sự và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sau Thượng đỉnh 2019 và liệu Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 tại Hà Nội phải là một cuộc đám phán đầu tiên cho một loạt các cuộc đàm phán về hòa bình như kiểu Hội nghị Paris?
Giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chỉ sau vài ba vòng đàm phán cấp cao như vừa qua là điều không tưởng. Cuộc gặp giữa hai bên lần này có thể giúp định hình lộ trình đàm phán hòa bình, nhưng đàm phán để đạt được giải pháp cuối cùng chắc chắn còn cần nhiều thời gian và quyết tâm của hai bên, ít nhất là vài năm nữa.
Trong quá trình đó, Việt Nam có thể đề nghị hai bên cân nhắc tiếp tục tổ chức một số vòng đàm phán tiếp theo ở Việt Nam nếu điều kiện thuận lợi. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể khẳng định rõ hơn vai trò và đóng góp của mình cho tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và định hình rõ nét hơn mục tiêu cũng như việc thực hiện vai trò “ngoại giao hòa giải” như đã nói ở trên.