📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lâm nguy?

20:12 | 17/05/2018
Bình Nhưỡng đe dọa sẽ hủy bỏ cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vào ngày 12/6 tại Singapore nếu Washington và Seoul tiếp tục tập trận chung.

Trong thông báo rạng sáng ngày 16/5, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc tập trận trên không thường niên Max Thunder của Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng đây là động thái khiêu khích có thể ảnh hưởng đến số phận của thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử: “Cuộc tập trận đang được tiến hành ở Hàn Quốc nhắm vào chúng ta, thách thức trắng trợn Tuyên bố Bàn Môn Điếm và là một hành động gây hấn quân sự có chủ đích, đi ngược lại những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng cần cân nhắc thận trọng về số phận của cuộc gặp thượng đỉnh đã được lên kế hoạch, vì hành động gây hấn quân sự mà họ thực hiện cùng Hàn Quốc”. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng cũng đã hủy bỏ một cuộc gặp giữa quan chức cấp Bộ trưởng hai miền cùng ngày.

Đáp trả tuyên bố này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhắc lại rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nói ông “hiểu về sự cần thiết của tập trận chung Mỹ - Hàn”, đồng thời cho biết Washington chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị nào từ Hàn Quốc hay Triều Tiên về việc dừng chiến dịch Max Thunder, hay trì hoãn công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Các binh sỹ Mỹ chuẩn bị cho cuộc tập trận Max Thunder năm 2017. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Đáng chú ý, Max Thunder diễn ra chỉ một tháng sau hai cuộc tập trận chung lớn khác giữa Mỹ và Hàn Quốc là Foal Eagle và Key Resolve, vốn diễn ra suôn sẻ mà không gặp phải sự phản đối nào từ phía Triều Tiên. Không loại trừ khả năng chiến dịch diễn tập trên không của Mỹ kéo dài hai tuần, với sự tham dự của hơn 100 máy bay chiến đấu F-16 cùng máy bay ném bom chiến lược B-52, đã khiến Triều Tiên “chột dạ”.

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng khả năng Triều Tiên tiến hành hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có tồn tại, song là rất nhỏ, đặc biệt là sau những động thái thiện chí từ Bình Nhưỡng như tổ chức thượng đỉnh liên Triều và các cuộc gặp cấp cao, mời đại diện nhiều nước tới chứng kiến việc đóng cửa các bãi thử vũ khí hạt nhân và thả các tù nhân Mỹ bị bắt giữ về nước. Bình Nhưỡng đã dày công xây dựng lại hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế và việc thu mình, đảo ngược những hành động trước đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của quốc gia này.

Do đó, giới phân tích cho rằng tuyên bố của Triều Tiên chỉ là phép thử xem liệu Tổng thống Trump có thể nhượng bộ đến đâu trước cuộc gặp thượng đỉnh, thậm chí đánh giá cả việc liệu nhà lãnh đạo Mỹ có thể rút lui khỏi cuộc gặp hay không.

Thêm vào đó, một sự nhượng bộ trước yêu cầu của Bình Nhưỡng có thể khiến niềm tin của Tokyo và Seoul vào Washington bị lung lay, nhất là khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump tại Nhà Trắng tuần tới. Cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo về lập trường các bên trong đàm phán sắp tới sẽ chịu tác động không nhỏ từ động thái mang tính “đảo ngược” từ phía Triều Tiên.

Cuối cùng, bước đi bất ngờ của Bình Nhưỡng thể hiện rằng nước này, chứ không phải Mỹ, mới là bên định đoạt số phận của thượng đỉnh song phương sắp tới. Nắm giữ thế chủ động, thậm chí là lấn át so với Tổng thống Donald Trump, sẽ giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un giành được một thỏa thuận có lợi trong đàm phán, tạo tiền đề gỡ bỏ cấm vận, mở cửa nền kinh tế, đưa Triều Tiên nối bước Hàn Quốc trở thành một con “Rồng” mới của châu Á.