📞

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dưới góc nhìn người Đức

11:43 | 26/02/2019
Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chủ động “chìa cành olive” ra với Triều Tiên nhằm đạt được một kết quả cụ thể, lấy đó làm tiền đề thuận lợi bước vào bầu cử Tổng thống năm 2020.

Kết quả mơ hồ

Các tờ báo Đức cho rằng Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tại Singapore đã kết thúc với một kết quả mơ hồ, khi hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ hợp tác vì một tương lai “hòa bình lâu dài và ổn định” và “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Cuối tuần trước, phát biểu trước Thượng viện Mỹ, Tư Lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Robert Abrams khẳng định “khả năng quân sự của Triều Tiên là kém hoặc không có sự thay đổi đáng kể”.

Tương tự, ngày 22/2, trả lời câu hỏi về việc cân nhắc rút một số trong 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc hay không, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “Đó không phải là điều nằm trên bàn đàm phán”. Mặc dù đang chịu áp lực để đạt được nhiều kết quả cụ thể hơn tại Hà Nội, song việc rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc chắc chắn đã bị ông Trump loại trừ trong tương lai gần.

Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Robert Abrams. (Nguồn: US Army Corps of Engineers)

Việt Nam – địa điểm lý tưởng

Theo Spiegel, Việt Nam là một lựa chọn tốt cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Tương tự như Triều Tiên, quốc gia Đông Nam Á này từng phải chịu cảnh chia cắt hai miền trong quá khứ và chịu sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Tuy nhiên, với đường lối chính sách đúng đắn, Việt Nam giờ đây đã trở thành một đất nước thống nhất, với một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và thường duy trì quan hệ tốt với các nước láng giềng và cường quốc. Bài học mà Triều Tiên có thể rút ra từ Việt Nam là: Không có gì tồn tại mãi mãi, thậm chí là xung đột phức tạp.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Mỹ - Triều có thể đạt được những gì tại cuộc họp này? Tờ Bild nhận định Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra 8 tháng sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore, trong bối cảnh cuộc giằng co giữa hai nước về giải trừ hạt nhân đổi lấy việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt đã đi đến bế tắc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phái một phái đoàn đàm phán gồm 16 thành viên - trong đó có cả các chuyên gia về tên lửa - tới Bình Nhưỡng để thống nhất về giao thức cho cuộc gặp tại Hà Nội. Nhìn chung, một định dạng tương tự như ở Singapore là khá rõ ràng: Trump và Kim Jong-un thảo luận riêng với nhau, lên kế hoạch cho các cuộc đoàn tụ và kéo dài các vòng đàm phán giữa các phái đoàn.

Theo các nhà đàm phán, mục tiêu quan trọng nhất của Trump khi gặp Kim Jong-un ở Singapore là “phá băng” quan hệ hai nước, còn giờ đây tại Hà Nội, ông phải nói về tương lai của Triều Tiên.

Dư luận Đức đánh giá Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những vấn đề nóng

Tờ Spiegel cho rằng về phía Triều Tiên, nước này có thể cung cấp một danh sách các loại vũ khí hạt nhân của mình, trong đó có số lượng các loại tên lửa liên lục địa. Điều này sẽ tạo ra một cơ sở thực tế giúp chấm dứt mọi phỏng đoán của các chuyên gia (nếu số liệu mà Bình Nhưỡng đưa ra là chuẩn xác). Hiện nay, theo ước tính, Triều Tiên có khoảng 20 - 60 đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể đồng ý với một lệnh cấm sản xuất vật liệu phân hạch. Mặc dù nó không thể loại trừ khả năng Triều Tiên che giấu các hoạt động của mình, nhưng việc sản xuất các loại vật liệu mới có thể được theo dõi về mặt kỹ thuật. Thêm vào đó, Triều Tiên cần phải cho phép các thanh sát viên tiếp cận các cơ sở thử nghiệm. Để tạo điều kiện cho Triều Tiên nhượng bộ, đoàn thanh sát được đề nghị có sự phối hợp giữa các chuyên gia Mỹ và Nga.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cũng có nhiều khả năng đưa ra những đề xuất sau: Thứ nhất, mở một Văn phòng Liên lạc của Mỹ tại Bình Nhưỡng, nơi có thể trở thành trụ sở của các đoàn thanh sát, thậm chí có thể là địa điểm để mở Đại sứ quán Mỹ trong tương lai.

Thứ hai, hai nhà lãnh đạo có thể tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên bởi cho đến nay giữa hai bên mới chỉ có Thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh như vậy có thể được ký song phương giữa Mỹ và Triều Tiên, không giống như một hiệp ước hòa bình mà bên thứ ba là Trung Quốc cũng cần phải ký vào. 

Thứ ba, giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với các dự án riêng lẻ mà Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thảo luận năm 2018, chẳng hạn như mở lại liên kết đường bộ và đường sắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Tàu hỏa tiếp tục là một phương tiện di chuyển quan trọng của Triều Tiên - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Việt Nam trên con tàu bọc thép của mình. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhìn về tương lai

Giới chức Mỹ cho rằng Tổng thống Trump nóng lòng muốn gặt hái được thành công trong vấn đề Triều Tiên, nhưng khó có thể nói được kết quả chính xác sẽ như thế nào và điều gì sẽ mang lại thành công cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Trong khi đó, các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng cuộc gặp lần này sẽ không mang lại những tiến triển hữu hiệu. Trả lời phỏng vấn của tờ Bild, chuyên gia Jonathan Cristol của Đại học Adelphi nhận định: “Dự kiến kết quả sẽ là một bức ảnh khác đầy hào nhoáng với những lời hứa mới mẻ, nặng ký từ Triều Tiên để giải giáp và không tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân. Cho đến nay, chưa có gì ngoài những lời hứa mơ hồ trên bàn đàm phán”

Các nhà đàm phán của Tổng thống Trump đã phải thừa nhận hai bên thậm chí không đưa ra được một định nghĩa rõ ràng về “phi hạt nhân hóa”. Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng coi việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc là điều kiện để phá hủy kho vũ khí hạt nhân của mình. Cũng theo chuyên gia Cristol, có một mối “rủi ro” khi Tổng thống Mỹ - với sức ép phải đạt được thỏa thuận nào đó - có thể chấp nhận giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, đôi khi có lẽ “chỉ vì một cái bắt tay nồng nhiệt và vài lời nói tâng bốc của Kim Jong-un”.

Nhìn chung dư luận đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chịu áp lực phải đạt được kết quả cụ thể hơn tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này. Do đó, tại Hà Nội, hai bên có thể đạt được những kết quả cụ thể.

(Theo TTXVN)