Mỹ là cường quốc số một thế giới, còn Trung Quốc là nước đang phát triển có khả năng vươn tới vị trí siêu cường của Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung luôn được coi là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất, có sức ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới. Vì thế, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào ngày 6-7/4 tới đây sẽ rất được chú ý.
Ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump. (Nguồn CNN) |
Khác biệt với thông lệ ngoại giao
Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Mỹ hai lần. Trong cả hai lần đó, lịch trình chuyến thăm đều được thông báo khá sớm. Chẳng hạn, chuyến thăm Mỹ năm 2013 của ông Tập với tư cách là tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc được thông báo trước ba tuần dù đây là cuộc viếng thăm không chính thức. Chuyến đi thứ hai của ông Tập đến Mỹ trên cương vị nguyên thủ quốc gia vào năm 2015 được thông báo trước bảy tháng. Trái ngược với hai chuyến thăm trên, đến tận ngày 30/3 vừa qua, tức là chỉ hơn một tuần trước khi chuyến thăm được thực hiện, Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng mới đưa ra tuyên bố chính thức về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc không phải là Nhà Trắng tại Washington D.C. mà là khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông Trump, nơi ông coi là “Nhà Trắng phương Nam”. Thực ra, nét phá cách này không phải mới khi Tổng thống George W. Bush từng tiếp Chủ tịch Giang Trạch Dân tại trang trại riêng ở Texas năm 2002. Bản thân ông Tập cũng đã từng hội đàm không chính thức với Tổng thống Barack Obama tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở California năm 2013. Có lẽ, nhờ thoát ra ngoài những khuôn khổ ngoại giao thông thường, hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ cởi mở, thẳng thắn hơn trong các vấn đề, luận điểm muốn nói và điều này có vẻ hợp với cá tính của Tổng thống Donald Trump.
Đầu tháng ba, ông Rex Tillerson đã thực hiện chuyến công du châu Á với tư cách Ngoại trưởng Mỹ. Mặc dù đây là chuyến thăm đầu tiên của tân Ngoại trưởng Mỹ tới khu vực nhưng nó không thực sự ồn ào. Một trong những điểm đến của ông Tillerson chính là Trung Quốc và đó là chuyến đi mang tính mở đường cho chuyến thăm Mỹ mà Chủ tịch Trung Quốc thực hiện lần này. Tuy nhiên, có lẽ vì thời gian chuẩn bị kéo dài chỉ khoảng một tháng khiến giới ngoại giao hai bên khá vất vả tìm kiếm đồng thuận về thời gian và những nội dung trao đổi. Đó cũng có thể là lý do khiến việc công bố chính thức được thực hiện tương đối muộn so với thông lệ.
Thăm dò và trình bày ý kiến
Trong những thập kỷ gần đây, các cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung dù được tiến hành khá thường xuyên nhưng chưa thể so sánh với chuyến thăm Trung Quốc mang tính đột phá của Tổng thống Richard Nixon (năm 1972), hay chuyến thăm Mỹ năm 1979 mà Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình thực hiện để bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phát triển được quan hệ cá nhân hay tìm ra tiếng nói chung trong những vấn đề cùng quan tâm, cuộc gặp thượng đỉnh tới sẽ mang ý nghĩa lớn với quan hệ hai nước.
Giống với cuộc gặp ở Sunnylands cách đây 4 năm, cuộc gặp tại Mar-a-Lago lần này cũng không đi theo lối mòn cứng nhắc với hình thức báo cáo và trình bày luận điểm. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo sẽ có một không gian lớn, thoải mái thăm dò nhau và trình bày ý kiến. Thông cáo của Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết chung chung rằng “hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm” nhưng có thể hướng tới một số vấn đề cụ thể như sau.
Dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. (Nguồn: Fortune) |
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc sẽ là vấn đề an ninh cần phải nhắc tới. Việc triển khai THAAD là sự tiếp nối chính sách của chính quyền Obama và rõ ràng, Trung Quốc không thể hài lòng với một hệ thống radar trinh sát tối tân có độ quét rộng được đặt ở rất gần lãnh thổ nước mình. Bên cạnh đó, có thể Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đề nghị Mỹ phải có hành động rõ ràng hơn để chứng minh rằng Washington ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và không phát triển quan hệ ngoại giao, quân sự với chính quyền Đài Loan.
Trong khi đó, Tổng thống Trump từng nhiều lần bày tỏ quan điểm không hài lòng về mức thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc. Con số này trong năm 2016 lên tới 347 tỷ USD, tức là gần một nửa tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - Trung. Ông Trump cũng từng nhiều lần lên tiếng tố Trung Quốc thao túng tiền tệ, cho rằng Bắc Kinh là nguyên nhân chính làm ngành sản xuất và giá trị xuất khẩu của Mỹ giảm trong nhiều năm qua.
Việc Tổng thống Mỹ lựa chọn ông Peter Navarro, nhà kinh tế bảo thủ có xu hướng cứng rắn với Trung Quốc, làm Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia, cho thấy quan hệ thương mại Mỹ - Trung là vấn đề chính mà ông Trump quan tâm và muốn giải quyết trong nhiệm kỳ của mình. Cuộc gặp sắp tới là cơ hội để Tổng thống Trump lần đầu tiên trực tiếp bày tỏ quan điểm về quan hệ thương mại song phương với nhà lãnh đạo Trung Quốc, sau khi ông viết trên mạng xã hội Twitter rằng Mỹ không muốn thâm hụt thương mại và mất việc làm nữa.
Trong các vấn đề chính trị và an ninh, sự gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Á là chủ đề quan trọng, trong đó chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là vấn đề lớn. Ông Trump từng nói Triều Tiên là một trong những thách thức an ninh lớn nhất mà ông phải đối mặt trên cương vị Tổng thống Mỹ, đồng thời đề nghị Trung Quốc có hành động và đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề này. Việc giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng liên quan tới tương lai của THAAD hay quan hệ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Nhật Bản - hai nước đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Á. Việc Trung Quốc tiếp tục cải tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo, đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông cũng là một vấn đề mà nhà lãnh đạo Mỹ có thể nêu lên quan điểm với Chủ tịch Trung Quốc.
Có lẽ, nhờ thoát ra ngoài những khuôn khổ ngoại giao thông thường, hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ cởi mở, thẳng thắn hơn trong các vấn đề, luận điểm muốn nói và điều này có vẻ hợp với cá tính của Tổng thống Donald Trump. |
Cố tìm tiếng nói chung
Những vấn đề nêu trên đều quan trọng và hóc búa đối với cả hai bên. Tổng thống Mỹ đã dự báo rằng cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc sẽ “rất khó khăn”. Trên thực tế, triển vọng đạt được những đột phá hay thỏa thuận lớn giữa hai nước là không cao. Tuy nhiên, hai ngày gặp gỡ và đàm phán sẽ là cơ hội để Tổng thống Trump ghi điểm với người dân Mỹ về chính sách đối ngoại, trong bối cảnh danh tiếng của ông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những chính sách, quyết định hành pháp gây tranh cãi, và bản thân ông cũng chưa thực hiện chuyến công du nước ngoài nào kể từ ngày nhậm chức.
Về phía Chủ tịch Tập Cận Bình, chuyến thăm Mỹ và cuộc gặp thượng đỉnh lần này là cơ hội để ông thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có vị thế vững chắc, có khả năng đàm phán, thảo luận và tranh luận bình đẳng với Mỹ. Đây là lý do để cả hai phải cẩn trọng thăm dò nhau, và nếu có thể sẽ cố gắng tìm tiếng nói chung về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm, dù rằng đó không phải là sự đột phá.